Khó quên phở chua chợ phiên Pha Long
Mỗi độ thu về, lòng tôi lại xao xuyến nhớ Tây Bắc, nhớ những nương lúa chín vàng lưng núi, bóng váy áo nhấp nhô, tiếng cười reo của trẻ con bên máy tuốt lúa ven đường. Nhớ phiên chợ Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) rực rỡ sắc màu và nhớ quán phở chua đầy ắp đàn bà, con trẻ.
Cái náo nức, gọi mời của phiên chợ trên miền biên giới, của đồng bào người Mông, Dao, Tày, Nùng... thổi vào lòng người lãng khách đường xa một cảm xúc hân hoan, hớn hở đến khó tả.
Muốn được sà vào ngay những gian hàng xanh đỏ, muốn được chen chân lấy một chỗ ngồi trên băng ghế của quán hàng phở, để xem cái món ăn ấy có gì lạ mà sao ai trông cũng chăm chú và say mê đến dường kia.
Phở chua là một đặc sản nổi tiếng của vùng cao Tây Bắc, không riêng gì ở Pha Long. Khắp các vùng núi, đồng bào dân tộc luôn ưa thích món ăn này trong mỗi phiên chợ hay lễ hội, đặc biệt là với cánh phụ nữ và trẻ em. Chọn một chỗ ngồi còn trống, tôi giơ tay chỉ vào bát phở của cô gái Mông bên cạnh và gọi chủ quán, cho em một bát phở giống cô gái này.
Quán phở chợ phiên thường kết cấu hình chữ U, đồ ăn, bếp nấu, nồi nước dùng, các nguyên liệu, công cụ, dụng cụ đặt ở mặt còn lại, thành ra, nhìn vào quán lúc nào cũng thấy một không gian xúm xít. Mấy con gà treo lủng lẳng, da khô se lại trong cái gió lành lạnh tràn về từ đỉnh núi. Trên thớt mấy miếng gà đang chặt dở dang, góc kia là mấy tảng thịt bò chín màu nâu sậm đang chờ thái...
Bày biện giản đơn, sao cho tiện dụng là được. Bàn ghế là dăm thanh gỗ ghép lại, kê chằng quanh mấy cột tre, dưới mái bạt xanh che mưa, chống nắng.
Nồi nước dùng sôi lục bục trên lò, tỏa hơi nghi ngút, váng mỡ ngầy ngậy. Phở thì chủ quán giờ chắc không còn thời gian mà xay bột tráng tay nữa, xã hội hóa đã mang đến cho những người bán phở chua nguồn cung cấp nguyên liệu phở chuyên nghiệp rồi. Nhưng nào có hề gì, bánh phở ngon thì sẽ giòn, dai, còn không thì hơi mềm một chút.
Ở trên núi, tự nhiên con người thênh thang nên tính tình cũng trở nên dễ dãi, phở có mềm tí nhưng chắc chắn vẫn ngon. Loáng cái, bát phở đã được đặt ra trước mặt, màu trắng của phở, màu xanh của hành hoa, rau mùi, cái nghi ngút của hơi nước dùng nóng rẫy. Chao ôi, vừa sớm mai ra sà vào quán chợ thế này, bảo sao cái bụng không sôi, nước miếng không ứa.
Bắt chước mấy cô bé ngồi ăn bên canh, tôi vắt thêm miếng chanh, trộn ít dưa chua muối từ rau cải mèo xắt nhỏ, lấy một thìa tàu xị nâu nâu, và không thể không có thêm một thìa tương ớt đỏ rực, đem trộn vào bát phở. Cái vị chua thanh thanh là lạ của nước dùng, cái cay xè xộc lên của tương ớt Mường Khương, miếng thịt gà leo đồi giòn ngọt.
Tôi thấy mình cũng như đám trẻ kia, háo hức thưởng thức bát phở cho đến thìa nước cuối cùng. Ngẩng đầu lên, thấy xung quanh chỗ ngồi nào cũng kín mít.
Đàn ông chắc thích uống rượu với thắng cố hơn, nên chỉ thấy phụ nữ và trẻ em, ai cũng đang xì xụp chăm chú vào bát phở của mình. Cái hân hoan mộc mạc và sự thích thú hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười, từng gắp phở đang đưa lên những cái miệng xinh xắn. Hình ảnh đời thường giản dị và chân thực ấy đã gieo vào lòng tôi một dấu ấn sâu sắc. Để mỗi lúc thu về, lại xôn xao nhớ món phở miền cao...