Khó có thai, có cần đi chụp tử cung - vòi trứng hay không?

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Chụp tử cung - vòi trứng có tác dụng kiểm tra ống dẫn trứng có thông suốt hay bị tắc nghẽn và xem được hình dạng buồng tử cung có bình thường hay không.

Chào bác sĩ. Tôi năm nay 30 tuổi, đã có một em bé 5 tuổi. Chúng tôi có ý định sinh bé thứ hai nhưng sau khi dừng biện pháp tránh thai đến nay đã 6 tháng mà vẫn chưa có tin vui. Tôi cũng đã đi khám và làm theo hướng dẫn của một bác sĩ sản khoa trong 2 tháng. Bác sĩ nói, nếu tháng này vẫn chưa có thai thì sẽ chỉ định cho đi chụp tử cung - vòi trứng để chắc chắn. Bác sĩ cho tôi hỏi, sau 6 tháng dừng biện pháp tránh thai thì đã cần phải chụp tử cung vòi trứng hay chưa? Và biện pháp này có ảnh hưởng gì không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! (Hòa Bùi)

Trả lời:

Bạn Hòa Bùi thân mến!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới chúng tôi! Qua chia sẻ của bạn có thể thấy bạn đang lo lắng đến khả năng mình khó có con sau một thời gian dài "kế hoạch". Trên thực tế, đúng là có không ít chị em đã gặp vấn đề này và khả năng vô sinh thứ phát (vô sinh dù đã có con trước đó) hoàn toàn có thể xảy ra.

Khó có thai, có cần đi chụp tử cung - vòi trứng hay không? - Ảnh 1.

Tổn thương ống dẫn trứng là một nguyên nhân thường gặp chiếm tỉ lệ 25-35% các ca vô sinh.

Với những chị em đã "kế hoạch" nhiều năm, khi muốn có thai trở lại cũng nên đi khám phụ khoa để biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình và có biện pháp điều trị kịp thời nếu gặp vấn đề.

Với trường hợp của bạn, bạn đã đi khám phụ khoa và làm theo hướng dẫn của bác sĩ được 2 tháng thì tốt nhất bạn nên tiếp tục quá trình theo dõi, chạy chữa đó. Bình thường, khi đã loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến khó thụ thai có thể quan sát được qua hình ảnh siêu âm (để xem có bất thường ở buồng trứng, tử cung...) hoặc xét nghiệm (xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra hormone) thì bác sĩ sẽ đề nghị chụp tử cung - vòi trứng (chụp cản quang tử cung - vòi trứng). Hình thức này có tác dụng kiểm tra ống dẫn trứng có thông suốt hay bị tắc nghẽn và xem được hình dạng buồng tử cung có bình thường hay không. Tổn thương ống dẫn trứng là một nguyên nhân thường gặp chiếm tỉ lệ 25-35% các ca vô sinh. Muốn phát hiện ra người phụ nữ có tổn thương hay tắc ống dẫn trứng hay không thì chụp cản quang tử cung - vòi trứng là biện pháp hiệu quả nhất.

Để yên tâm hơn khi tiến hành chụp tử cung, bạn cần nắm được những thông tin liên quan đến phương pháp này như sau:

- Thời điểm tốt nhất để chụp tử cung - vòi trứng là sau khi sạch kinh 2-3 ngày và trước khi rụng trứng, Bạn cũng phải kiêng "quan hệ" trước đó. Nếu bạn bị rong kinh thì phải chờ hết hẳn mới chụp.

- Trước khi bệnh nhân chụp tử cung - vòi trứng, bác sĩ sẽ thăm khám âm đạo cho bạn. Nếu bạn không bị viêm nhiễm đường đường sinh dục thì mới có thể chụp, còn nếu bị viêm nhiễm thì cần điều trị khỏi mới chụp (có thể chụp vào tháng sau).

- Chụp cản quang tử cung vòi trứng được thực hiện trong khoảng 30 phút. Bác sĩ sẽ bơm vào buồng tử cung một ít dung dịch có chứa chất cản quang (Iốt). Dung dịch cản quang sẽ đi vào hai ống dẫn trứng và vào ổ bụng nếu ống dẫn trứng thông suốt. Những bất thường trong lòng tử cung cũng có thể phát hiện nhờ phim X-quang.

Khó có thai, có cần đi chụp tử cung - vòi trứng hay không? - Ảnh 2.

Chụp tử cung - vòi trứng có tác dụng kiểm tra ống dẫn trứng có thông suốt hay bị tắc nghẽn...

Sau khi chụp phim, bạn có thể sinh hoạt bình thường. Chụp tử cung- vòi trứng được xem là một thủ thuật rất an toàn. Tuy nhiên, bạn nên chú ý giữ gìn vệ sinh để tránh nhiễm trùng.

Chụp tử cung - vòi trứng là bước quan trọng để đánh giá tình trạng ống dẫn trứng, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân vô sinh cũng như định hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện dưới sự chỉ định và tư vấn của các bác sĩ sản khoa để tránh các tai biến có thể xảy ra. Vì vậy, nếu bạn chưa muốn chụp ngay thì có thể trao đổi với bác sĩ để lui lại một vài tháng, sau đó việc chụp chiếu vẫn được thực hiện như trên.

Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email: suckhoe@afamily.vn.

Chia sẻ