Khi thớt nhựa gặp 3 tình trạng này, tiếc mấy cũng phải vứt bỏ ngay để bảo vệ cả nhà
Nếu vẫn cố chấp dùng 3 loại thớt nhựa dưới đây, nghĩa là bạn đang tiếp tay cho đủ loại “mầm bệnh” xâm nhập vào cơ thể, vô tình gây hại cả gia đình.
Thớt nhựa là vật dụng phổ biến trong nhà bếp vì giá thành rẻ và tiện dụng. Tuy nhiên, khi thớt nhựa bắt đầu xuống cấp, chúng có thể trở thành nguồn gây nguy hại đến sức khỏe gia đình. Đồng thời, ảnh hưởng lớn tới mùi vị món ăn và dinh dưỡng - theo lời nhà ẩm thực và dinh dưỡng học người Ireland Adam James Pollock cảnh báo. Vì vậy, nếu đang dùng thớt nhựa và thấy chúng có 3 tình trạng dưới đây nghĩa là bạn cần thay mới ngay lập tức:
1. Thớt nhựa trầy xước nhiều, nứt vỡ, biến dạng
Adam James Pollock cảnh báo rằng những chiếc thớt nhựa bị trầy xước nhiều hoặc nứt vỡ là nơi lý tưởng để vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, Listeria phát triển. Theo Pollock, vi khuẩn trên bề mặt thớt nhựa có thể tồn tại lâu hơn nhiều so với thớt gỗ. Ông cũng dẫn một nghiên cứu thuộc Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, trong khi vi khuẩn trên thớt gỗ thường bị hấp thụ và chết chỉ sau 3 - 10 phút, chúng lại sinh sôi nhanh chóng trên thớt nhựa chỉ sau một đêm.
Hơn nữa, thớt nhựa biến dạng do nhiệt độ cao (như khi rửa bằng nước nóng hoặc tiếp xúc với lửa, thức ăn nóng…) hoặc bị nứt vỡ có thể giải phóng vi nhựa. Theo nghiên cứu đăng trên Environmental Science & Technology, quá trình thái rau củ trên thớt nhựa có thể giải phóng một lượng lớn vi nhựa vào thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, từ rối loạn nội tiết đến nguy cơ ung thư. Chưa kể, thớt trầy xước, nứt vỡ cũng khó vệ sinh hơn và dễ bám cặn thức ăn.
2. Thớt nhựa ngả màu, bị nấm mốc
Thớt nhựa ngả màu hoặc xuất hiện nấm mốc là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn cần thay thế chúng ngay lập tức. Đặc biệt, nếu thớt được sản xuất từ nhựa tái chế kém chất lượng thì thời gian bị ngả màu, ố vàng sẽ càng nhanh. Cùng với đó, nguy cơ phơi nhiễm hóa chất độc hại càng cao. Những vết ố màu trên thớt không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu nhựa đang phân hủy, giải phóng các chất hóa học nguy hiểm có khả năng gây ung thư, còn ảnh hưởng tới hương vị món ăn.
Adam James Pollock nhắc nhở rằng không chỉ thớt gỗ, thớt nhựa cũng có thể bị nấm mốc. Đặc biệt khi bị ẩm ướt lâu ngày, bị trầy xước nhiều và không được vệ sinh đúng cách. Nấm mốc không chỉ tạo ra mùi hôi mà còn sản sinh độc tố aflatoxin, được WHO cảnh báo là chất gây ung thư cực nguy hiểm, còn gây ngộ độc, tổn thương gan và thận. Nấm mốc cũng làm giảm dinh dưỡng, hương vị món ăn.
3. Thớt nhựa có mùi lạ
Theo Adam James Pollock, thớt nhựa thường hấp thụ mùi từ thực phẩm như thịt, cá, hay gia vị. Khi thớt xuất hiện mùi lạ dù đã được vệ sinh kỹ, đây có thể là dấu hiệu thớt đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm mốc bên trong các vết nứt, vết xước. Ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng món ăn, các mùi khó chịu này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, nhất là tiêu hóa và hô hấp.
Đặc biệt, khi thớt nhựa có mùi lạ như mùi khét hay mùi nhựa cũ, đó có thể là dấu hiệu thớt làm từ nhựa kém chất lượng, thường là nhựa tái chế. Mùi này xuất hiện do các hóa chất độc hại như BPA, phthalates giải phóng ra khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Một nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) chỉ ra rằng những hóa chất này có thể gây rối loạn hormone và tăng nguy cơ ung thư.
Nguồn và ảnh: NTDTV, Sunday More