Khám thai nửa vời: ân hận có ngày
Khám không theo quy trình chuẩn, không đủ số lần tối thiểu, không tiêm ngừa hay chỉ chú trọng đến siêu âm… là những sai lầm của nhiều thai phụ.
Vừa vào cổng cơ sở y tế chuyên khoa sản tại TPHCM, một chị chừng 30 tuổi, thai đã khá to, quay sang hỏi người giữ xe: “Ở đây có siêu âm chứ?”. Theo chân chị, chúng tôi đến khu vực đăng ký khám thai.
Chỉ khám 1-2 lần
Sau khi nghe chị bảo “cảm giác là cái thai có gì đó… có vẻ bất thường, muốn siêu âm” và “từ khi có thai đến giờ chỉ siêu âm 2 lần chứ chưa hề khám hay tiêm ngừa”, bác sĩ (BS) ở đây khuyên chị nên đăng ký khám theo đúng quy trình. Tuy nhiên, chị một mực chỉ muốn siêu âm vì “siêu âm là thấy hết rồi, em bé nó cũng đã hơn 6 tháng chứ đâu phải còn nhỏ mà khám!”. Chị vùng vằng bỏ về vì cho rằng họ đang muốn “làm tiền” mình.
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, hầu hết thai phụ hiện nay khá chú trọng đến việc chăm sóc, theo dõi thai kỳ nhờ có điều kiện hơn và nhiều cơ hội tiếp cận thông tin. Tỉ lệ sinh có quản lý thai (thai phụ được khám ít nhất 1 lần) tại TPHCM qua các năm luôn đạt trên 90%.
Tuy nhiên, đây vẫn còn là một con số đáng lưu ý bởi hơn 90% trong đó chỉ khám 1-2 lần, tức ít hơn con số tối thiểu mà ngành y tế khuyến cáo (ít nhất 3 lần trong thai kỳ, vào 3 tháng đầu - 3 tháng giữa - 3 tháng cuối) và không được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cần thiết. Đó là chưa kể số thai phụ hoàn toàn không đi khám thai hoặc chỉ đến các cơ sở tư nhân siêu âm và nghĩ như vậy đã là khám thai!
Tư vấn cho thai phụ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM.
Nhân viên một nhà thuốc có treo bảng “chụp X-quang, siêu âm” trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh - TPHCM tiết lộ: “Nhiều thai phụ tìm đến chỗ chúng tôi để siêu âm và cũng không ngại cho biết họ chỉ siêu âm để xem con thế nào chứ không đi khám ở các bệnh viện vì đông người và… rắc rối. Nhiều người đến khám vào tháng thứ 4, 5 của thai kỳ chỉ để mong biết giới tính thai nhi. Có người thì bảo biết trai gái rồi, khám làm gì nữa. “Đó là một quan niệm sai lầm, vì khám thai không chỉ là siêu âm, thai phụ còn cần được áp dụng các biện pháp thăm khám khác, tiêm ngừa, tư vấn về dinh dưỡng và chăm sóc thai kỳ, theo dõi các bất thường ở thai nhi, tình trạng sức khỏe của mẹ” - BS Thông nhấn mạnh.
Ngăn ngừa tai biến
BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TPHCM), khuyến cáo: “Sự phát triển của thai nhi và tình hình sức khỏe của bà mẹ luôn thay đổi, luôn có thể phát sinh những bất thường. Do đó, thai phụ cần được khám thường xuyên. Khám 3-4 lần thì mới chỉ là số lần tối thiểu và chưa phải là đủ”.
Việc khám thai ở từng giai đoạn có ý nghĩa khác nhau: 3 tháng đầu nhằm xác định người phụ nữ thật sự có thai hay không, thai nằm ở đâu (trong hay ngoài tử cung), có bao nhiêu thai, thai có đang sống và phát triển bình thường không, có yếu tố nào trong cơ thể người mẹ đe dọa thai? Ba tháng giữa khám để theo dõi sự phát triển của thai, tiêm ngừa, kiểm tra các phần phụ như nước ối, bánh nhau; 3 tháng cuối chủ yếu để kiểm tra hướng xoay đầu của thai và dự đoán các bất trắc, tai biến có thể xảy ra trong cuộc sinh.
BS Nguyễn Ngọc Thông khuyên thai phụ diện nguy cơ cao (tuổi trên 35, gia đình hoặc bản thân có người dị tật và các bệnh di truyền, đang mắc bệnh, tiền căn sinh khó…), nên thực hiện tầm soát trước sinh. Khi khám thai, nên tìm đến các cơ sở y tế chính thống có đầy đủ trang thiết bị, BS có chuyên môn. Trong trường hợp thai phụ khám tại các phòng khám tư nhân không có khả năng thực hiện đầy đủ các hạng mục chăm sóc sức khỏe sinh sản thì phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để làm bổ sung, nhất là tiêm ngừa.