Giải mã ký hiệu khi khám thai

,
Chia sẻ

Hãy cùng tìm hiểu những chữ viết tắt trong giấy xét nghiệm, siêu âm và sổ khám thai.

Nhiều lần nhận kết quả siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, tôi chẳng hiểu gì khi nhìn thấy toàn chữ viết tắc và các ký hiệu. Khi hỏi, bác sỹ bảo kết quả bình thường và cho tôi về. Thế nhưng tôi không khỏi thắc mắc những chữ đó là gì", chị Nguyễn Lê Hiếu, 28 tuổi, mang thai được 8 tháng, cho biết.

Thắc mắc của chị cũng là nỗi niềm chung của nhiều thai phụ. Do đó, việc giải mã các ký hiệu, chữ viết tắt trong sổ khám thai hoặc kết quả siêu âm, xét nghiệm sau đây sẽ giúp thai phụ hiểu rõ về tình hình sức khoẻ của mình cũng như  thai nhi.

Para 0000: Đây là ký hiệu cho biết người mẹ mang thai lần đầu.

TT (+): Tim thai bình thường. Ngược lại, TT (-) là không nghe thấy tim thai.

BCTC: Đây là ký hiệu chiều cao của tử cung. Ngoài ra, bác sĩ còn dựa vào phương pháp đo chiều cao tử cung để kiểm tra sự phát triển của thai nhi và xác định tuổi thai.

AFP (Alpha Fetoprotein): Ký hiệu này có trong giấy xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Xét nghiệp giúp phát hiện nguy cơ về các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hội chứng down hay dị tật ống thần kinh. Thai phụ thực hiện phương pháp này thông qua xét nghiệm máu. Thời gian thai phụ làm xét nghiệm thích hợp nhất là khi tuổi thai khoảng từ 16 đến 18 tuần.

Kết quả thông báo nồng độ AFP thấp hơn 0.74 MoM cho thấy thai nhi có nguy cơ mắc bệnh down. Lúc này, thai phụ cần tiến hành thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán như hGG, chất do tế bào nuôi nhau thai tiết ra, chất UE3 tiết ra từ nhau thai và tuyến thượng thận để xác định thai nhi có nằm trong nhóm mắc hội chứng down hay không.

Alb: Ký hiệu của chất albumin, một loại protein có trong nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu xem có chứa chất albumin hay không cũng là một cách giúp phát hiện kịp thời chứng nhiễm độc thai nghén, tiểu đường trong thời gian mang thai.

Thai phụ cần tiến hành xét nghiệm này trong những lần khám định kỳ. Nếu không phát hiện gì bất thường, bác sĩ có thể ghi tắt NTBT (nước tiểu bình thường) trên kết quả xét nghiệm.

HA: Đây là ký hiệu của việc đo huyết áp. Chỉ số huyết áp trung bình của thai phụ ở khoảng 120/70mmHg. Nếu huyết áp vượt mức 140/90 liên tiếp hai lần đo trong khoảng 1 tuần, thai phụ có nguy cơ bị tiền sản giật.

Lúc này, thai phụ cần đến bệnh viện để theo dõi huyết áp thường xuyên hơn để bác sĩ có giải pháp can thiệp kịp thời và tránh nguy cơ sinh non.

Hb: Đây là ký hiệu của chất hemoglobin, thường có trong kết quả xét nghiệm máu. Kiểm tra lượng Hb trong máu nhiều hay ít, bác sĩ sẽ chẩn đoán thai phụ có bị thiếu máu hay không. Nếu lượng hemoglobin trong máu ở mức thấp dưới 12g/dl là có thể thai phụ bị thiếu máu.

HBsAg: Chính là ký hiệu viết tắt trong kết quả xét nghiệm gan dựa trên kết quả thử máu. Nếu HBsAg (+) và HBeAg (-) , tỷ lệ truyền bệnh viêm gan cho thai nhi lên đến 90-100%. Lúc này, người mẹ cần có biện pháp chữa bệnh để phòng lây truyền cho con. Bên cạnh việc xét nghiệm gan, người mẹ cần làm thêm vài xét nghiệm bệnh truyền nhiễm như VDRL, xét nghiệm tìm bệnh giang mai và HIV (-), xét nghiệm HIV âm tính.

Ngôi: Thường thấy trong kết quả siêu âm thai nhi ở tháng cuối thai kỳ. Điều này giúp người mẹ biết được tư thế của thai nhi trong tử cung là xuôi, ngược hay ngang. Nếu trong kết quả có ghi ngôi đầu, có nghĩa là ngôi thai đã thuận, rất tốt cho việc sinh nở.

Ngược lại, một số vị trí như ngôi ngang (đầu thai nhi nằm bên hông trái hoặc phải trong bụng mẹ), ngôi mặt (phần mặt của thai hướng xuống dưới), ngôi mông (phần mông của thai nhi quay xuống phía dưới cổ tử cung) là những ngôi bất thường. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc cho người mẹ nên sinh mổ hay sinh thường.

Theo TTGĐ

Chia sẻ