Italy vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 bằng kháng thể nuôi cấy ở chuột
Các nhà khoa học Italy cho biết đang phát triển một loại vắc-xin SARS-CoV-2 tiềm năng bằng cách tăng kháng thể ở chuột, và đây cũng là một bước đột phá đầu tiên trên thế giới khi kết quả cho thấy, loại vắc-xin này có thể vô hiệu hóa các tế bào virus SARS-CoV-2.
Theo báo cáo của tạp chí Science Times, công ty dược phẩm địa phương Takis cho biết các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Spallanzani về bệnh truyền nhiễm tại Rome, cho thấy “ứng cử viên” vắc-xin của họ có thể vô hiệu hóa virus trong tế bào người.
Phát biểu trước hãng tin ANSA của Italy, Giám đốc điều hành Luigi Aurisicchio cho biết, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm ra cách để khuất phục COVID-19, và các thử nghiệm trên người sẽ bắt đầu vào mùa hè này.
“Thông tin từ bệnh viện Spallanzani, theo như chúng tôi biết, chúng tôi là những người đầu tiên trên thế giới đã vô hiệu hóa được virus SARS-CoV-2 bằng vắc-xin. Chúng tôi hy vọng điều này cũng mang lại kết quả ở người”, Luigi Aurisicchio nói.
Theo Science Times, các nhà khoa học cho biết các thử nghiệm của họ cho thấy, chỉ với một lần tiêm phòng, những con chuột đã phát triển các kháng thể có thể ngăn chặn virus trong tế bào người. Họ đã phát triển 5 loại vắc-xin khác nhau và chọn 2 loại có hiệu quả cao nhất.
Các “ứng cử viên” vắc-xin mới này sử dụng một quy trình gọi là “Công nghệ điện di” , một kỹ thuật sử dụng các xung năng lượng được thiết kế đặc biệt hoặc dùng tác động của dòng xung điện để làm giảm việc tắc nghẽn các mô, giúp xâm nhập vào các tế bào và kích hoạt hệ thống miễn dịch, Science Times cho biết.
Báo cáo được đưa ra khi các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang chạy đua phát triển một loại vắc-xin để ngăn chặn đại dịch toàn cầu, một quá trình thường phải mất nhiều năm.
Theo thống kế của Đại học Johns Hopkins, tính tới hôm thứ tư vừa qua (6/5), chủng virus mới này đã lây nhiễm gần 3,7 triệu người trên toàn thế giới và giết chết hơn 259.000 người.
Theo New York Post