Cập nhật dịch COVID-19: Hơn 4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, Italy trở thành quốc gia thứ 3 có hơn 30.000 ca tử vong do COVID-19

T.L,
Chia sẻ

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 96.927 ca mắc bệnh và 5.533 ca tử vong mới.

Sáng 9/5, Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam đã sang ngày thứ 23 không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Hiện chỉ còn 47 ca đang điều trị tại 6 cơ sở y tế. Đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.

Trên thế giới, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật sáng 9/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận ít nhất 4.010.571 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 275.959 ca tử vong. Đến nay, đại dịch đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 1.382.333 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch giảm xuống còn 48.664 và 2.352.279 người đang phải điều trị tích cực.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 96.927 ca mắc bệnh và 5.533 ca tử vong mới.

Cập nhật dịch COVID-19: Hơn 4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, Italy trở thành quốc gia thứ 3 có 30.000 ca tử vong do COVID-19 - Ảnh 1.

Một nhân viên của Bưu điện Hoa Kỳ (USPS) làm việc dưới mưa ở Manhattan trong khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở thành phố New York,. REUTERS / Andrew Kelly

Châu Âu tiếp tục mở cửa lại

Nga: Các trường hợp mắc bệnh của Nga đã tăng hơn 10.000 trong 6 ngày liên tiếp

Trong 24 giờ qua, nước Nga ghi nhận thêm 10.699 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 98 trường hợp tử vong mới. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga là 187.859, tổng số người tử vong là 1.723 người, với 26.608 người đã bình phục.

Các trường hợp mắc bệnh của Nga đã tăng hơn 10.000 trong 6 ngày liên tiếp. Khoảng 100 nhân viên ngân hàng trung ương đã được chẩn đoán mắc bệnh, hầu hết trong số họ ở Moscow.

Nga hiện đứng thứ tư ở châu Âu về tổng số trường hợp mắc bệnh, theo một thống kê của AFP, sau các quốc gia có dịch bệnh tấn công sớm hơn đáng kể là Anh, Ý và Tây Ban Nha. Hôm thứ Năm, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin tuyên bố gia hạn phong tỏa tại thủ đô, nơi tập trung hầu hết các trường hợp, đến ngày 31/5. Ông cũng đưa ra một quy tắc rằng mọi người phải đeo mặt nạ và găng tay trong các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng.

Anh: 211.364 người mắc bệnh, 31.241 người tử vong

Trong 24 giờ qua, nước Anh ghi nhận thêm 4.649 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 626 trường hợp tử vong mới. Trong tuần này, Anh đã vượt qua Italy và trở thành quốc gia có số người chết chính thức do COVID-19 cao nhất ở châu Âu.

Thủ tướng Boris Johnsondự kiến sẽ công bố các bước tiếp theo trong cuộc chiến của Anh để đối phó với dịch COVID-19 sau khi các bộ trưởng xem xét lại các biện pháp hiện tại đã đóng cửa nền kinh tế và giữ hàng triệu người ở nhà trong hơn 6 tuần.

Cập nhật dịch COVID-19: Hơn 4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, Italy trở thành quốc gia thứ 3 có 30.000 ca tử vong do COVID-19 - Ảnh 2.

Những người đeo khẩu trang đi bộ tại một công viên, khi một số công viên thành phố mở cửa trở lại trong khi việc nới lỏng các hạn chế được thực hiện, tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 8 tháng 5 năm 2020. REUTERS / Juan Medina

Tây Ban Nha: 260.117 người mắc bệnh, 26.299 người tử vong và 168.408 bệnh nhân đã hồi phục

Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.262 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 229 trường hợp tử vong mới.

Ngày 8/5, các bãi biển ở thành phố Barcelona đã được phép mở cửa trở lại sau gần hai tháng đóng cửa. Theo quyết định mới, từ 6h-10h mỗi ngày, người dân được phép bơi lội, lướt ván và chạy bộ trên bãi biển nhưng dưới sự giám sát của cảnh sát.

Madrid và Barcelona là 2 thành phố lớn nhất của đất nước hiện không đáp ứng các tiêu chí của chính phủ về các biện pháp nới lỏng các hạn chế, Giám đốc Cấp cứu Y tế Fernando Simon nói trong một cuộc họp báo vào thứ Sáu.

Pháp: 176.079 người mắc bệnh, 26.230 người tử vong, 55.782 trường hợp đã hồi phục

Trong 24 giờ qua, nước Pháp ghi nhận thêm 1.288 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 243 trường hợp tử vong mới. Như vậy, số người chết hàng ngày do COVID-19 tại Pháp đã tăng trở lại vào thứ Sáu (ngày 8 tháng 5), 3 ngày trước khi nước này bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa quốc gia sau gần 2 tháng.

Italy: 217.185 người mắc bệnh, 30.201 người tử vong và 99.023 bệnh nhân đã hồi phục

Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 1.327 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 243 trường hợp tử vong mới. Như vậy, Italy đã trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới ghi nhận 30.000 ca tử vong do COVID-19.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 tại nước này có xu hướng giảm trong khi các trường hợp nhiễm mới trong mức độ ổn định.

Cập nhật dịch COVID-19: Hơn 4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, Italy trở thành quốc gia thứ 3 có 30.000 ca tử vong do COVID-19 - Ảnh 4.

Một nhà sinh học y tế, mặc bộ đồ bảo hộ và đeo khẩu trang, dùng tăm bông lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Veolia ở Saint-Denis gần Paris, ngày 7 tháng 5 năm 2020. (Ảnh: REUTERS / Gonzalo Fuentes)

Mỹ: Tiếp tục đứng đầu thế giới về cả tổng số ca nhiễm và tử vong

Trong 24 giờ qua, nước Mỹ có thêm 29.043 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.671 ca tử vong mới, có giảm một chút so với hôm trước. Cho tới hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Tổng số người nhiễm bệnh tại Mỹ là 1.321.666 và tổng số ca tử vong là 78.599 người. Số bệnh nhân đã phục hồi là 223.578 người.

Thư ký báo chí của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, cô Katie Miller ngày 8/5 được xác nhận đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Miller, vốn là vợ của cố vấn hàng đầu Tổng thống Trump, Steven Miller, cho hay cô không xuất hiện triệu chứng bệnh. Sau khi có thông tin này, các thành viên trong đội ngũ của Phó Tổng thống gần đây có tiếp xúc với cô Miller đều phải rời khỏi chiếc Không lực Hai tại căn cứ Andrews để đi kiểm tra.

Nền kinh tế Mỹ mất 20,5 triệu việc làm trong tháng 4, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Mỹ Latinh

Dịch bệnh tại một số nước tại khu vực Mỹ Latinh như Mexico, Peru, Colombia có dấu hiệu phức tạp.

Brazil, quốc gia lớn nhất Mỹ latinh cũng là đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 trong khu vực đang là một trong những điểm nóng COVID-19 mới nổi của thế giới. Ngày 8/5, Brazil có 10.199 trường hợp mới được xác nhận và 804 trường hợp tử vong. Tính tới thời điểm hiện tại, Brazil đã có 145.892 người mắc bệnh và tổng số tử vong là 9.992 người.

Đầu tuần này, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên cho biết ông tin rằng thời điểm "tồi tệ nhất đã qua", tuy nhiên con số ca tử vong tiếp tục tăng cao, và nhiều chuyên gia y tế lo ngại, điều xấu nhất vẫn chưa tới.

Thông báo của Bộ Y tế Mexico cho biết số ca mắc COVID-19 đã tăng 1.982 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 29.616 người, trong đó có 2.906 ca tử vong. Trước tình hình sắp bước vào đỉnh dịch, Chính phủ Mexico đã triển khai kế hoạch ứng phó ở cấp độ cao nhất (trong trường hợp đối phó khủng hoảng, thiên tai và đại dịch). Theo đó, Mexico kêu gọi tăng cường các nguồn nhân lực, vật lực để đối phó dịch, các bác sĩ, y tá nghỉ hưu cũng được đề nghị quay trở lại làm việc...

Còn tại Peru, quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực sau Brazil, số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng lên tới 61.847 người. Tổng số người tử vong do COVID-19 tại quốc gia này cho đến nay là 1.714 người.

Trong khi đó, Colombia thông báo có trên 10.051 ca mắc COVID-19, trong đó có 428 ca tử vong. Colombia áp dụng lệnh cách ly toàn quốc từ ngày 24/3 và ngày 5/5, Tổng thống Ivan Duque tuyên bố gia hạn lệnh cách ly bắt buộc thêm hai tuần, tức đến ngày 25/5.

Cập nhật dịch COVID-19: Hơn 4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, Italy trở thành quốc gia thứ 3 có 30.000 ca tử vong do COVID-19 - Ảnh 5.

Một người phụ nữ đeo tai nghe đứng trên cầu Ponte Sant'Angelo trong hoàng hôn, giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát, tại Rome, Ý, ngày 8 tháng 5 năm 2020. REUTERS / Guglielmo Mangiapane

Châu Á: Thêm 16.327 người mắc bệnh trong ngày hôm qua và 296 ca tử vong mới. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại châu Á là 634.831 người và 21.501 người tử vong, tổng số ca bình phục là 349.156.

Tại Philippines, tổng số ca nhiễm COVID-19 đã lên tới 10.463. Trong thông báo ngày 8/5, Bộ Y tế nước này cho biết thêm 120339 ca nhiễm mới và 11 trường hợp tử vong mới, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 696.

Indonesia ghi nhận số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua là 13 người. Tới hết ngày 8/5, Indonesia cũng là nước có tổng số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất ở Đông Nam Á, với 943 trường hợp. Tổng số người mắc bệnh tại quốc gia này là 13.112 người.

Còn tại Singapore, số trường hợp mắc COVID-19 đã tăng lên 21.707 người, đứng đầu khối ASEAN người với 768 ca nhiễm mới. Số người tử vong do COVID-19 tại đất nước này vẫn là 20 người.

Tới sáng 8/5, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.822 ca mắc COVID-19 và 256 trường hợp tử vong. Trước đó, Hàn Quốc 3 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7-5, đại diện Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai ở nước này là "không thể tránh khỏi" và người dân cần chấp nhận "trạng thái bình thường mới".

Cập nhật dịch COVID-19: Hơn 4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, Italy trở thành quốc gia thứ 3 có 30.000 ca tử vong do COVID-19 - Ảnh 6.

Người hồi hương từ Amman, đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ, được nhìn thấy sau khi đến Sân bay Kuwait, sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại Thành phố Kuwait, Kuwait ngày 21 tháng 4 năm 2020. REUTERS / Stephanie McGehee

Trong khi đó, Nhật Bản đang xem xét dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp tại những vùng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Theo Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura , mặc dù có thể xem xét dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, song ông vẫn muốn người dân giảm 80% việc tiếp xúc với nhau nếu không cần thiết. Với 98 ca mắc mới, tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại Nhật Bản cho tới hiện tại là 15.575, trong đó có 590 người đã tử vong, thêm 13 ca tử vong mới ngày hôm qua.

Trong một tuyên bố vào thứ Sáu, chính phủ Co-oét (Kuwwait) cho biết, đất nước này sẽ ban hành lệnh giới nghiêm từ 4 giờ chiều (1300 GMT) vào Chủ nhật đến ngày 30 tháng 5 để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trong giờ giới nghiêm, các khu vực công sẽ hoạt động từ xa và các hoạt động của khu vực tư nhân, ngoại trừ những hoạt động quan trọng, sẽ bị đình chỉ, tuyên bố cho biết. Tất cả các ngân hàng sẽ bị đóng cửa, nhưng sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ điện tử.

Các bộ phận thiết yếu như y tế, an ninh, điện, dầu và dịch vụ đô thị, cũng như các công ty thuộc lĩnh vực tư nhân cung cấp các dịch vụ quan trọng như bảo trì sẽ được miễn lệnh giới nghiêm, Bộ trưởng Nội vụ Anas al-Saleh cho biết trong một cuộc họp báo vào thứ Sáu.

Tại châu Phi, ngày 8/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/5 cảnh báo 190.000 người có thể tử vong nếu không ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP, tính đến ngày 7/5, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 53.334 ca nhiễm và 2.065 ca tử vong do COVID-19.

Theo Reuters, Channelnews

Chia sẻ