Tổng hợp những loại dầu ăn tốt cho sức khỏe và cách bảo quản, sử dụng dầu tốt cho sức khỏe
Mọi người không nên bỏ qua những loại dầu ăn có lợi cho sức khỏe này khi chế biến thực phẩm.
Hiện nay trên thị trường ngày càng có nhiều loại dầu ăn cho mọi người lựa chọn. Mỗi loại dầu có đặc điểm khác nhau và được sử dụng với mục đích riêng trong quá trình chế biến thực phẩm, có loại dùng để rán là phù hợp nhất, trong khi loại khác chỉ nên cho vào để làm tăng hương vị món ăn.
Dưới đây là tổng hợp một số loại dầu ăn lành mạnh mà chị em nội trợ nên tham khảo:
Dầu ôliu
Dầu ôliu có mặt trong chế độ ăn Địa Trung Hải, chế độ dinh dưỡng nổi tiếng với công dụng giảm cân, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh và gia tăng tuổi thọ.
Loại dầu này sở hữu nhiều axit béo không bão hòa đơn lành mạnh và chất chống oxy hóa. Các phân tích tổng hợp chỉ ra rằng các axit béo không bão hòa đơn trong dầu ôliu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Dầu quả bơ
Loại dầu này được chiết xuất từ quả bơ, có hương vị nhẹ và là lựa chọn phù hợp với hầu hết các món ăn. Dầu quả bơ sở hữu nhiều chất béo không bão hòa đơn nhất trong tất cả các loại dầu. Tuy giá thành không rẻ, loại dầu này vừa đem lại lợi ích cho sức khỏe vừa có tính linh hoạt trong chế biến thực phẩm.
Dầu hạt lanh
Dầu hạt lanh là một nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đơn và axit béo omega-3 tuyệt vời. Chế độ ăn giàu omega-3 đã được chứng minh giúp giảm huyết áp và mỡ máu ở những người sở hữu nồng độ cholesterol cao.
Dầu hạt lanh rất nhạy cảm với nhiệt nên có thể bị ôi và oxy hóa nhanh chóng. Vì vậy, bạn nên đưa loại dầu này vào các món salad, thay vì dùng để nấu. Do dầu hạt lanh dễ bị hỏng, mọi người cũng cần bảo quản chúng trong tủ lạnh.
Dầu óc chó
Các sản phẩm làm từ quả óc chó đều cung cấp một lượng lớn omega-3. Wendy Bazilian, chuyên gia dinh dưỡng kiêm giám đốc Trung tâm Bazilian's Health ở San Diego cho biết, dầu óc chó sở hữu nhiều chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật. Tuy nhiên, chính vì điều này nên dầu óc chó thường có mặt trong các món salad thay vì dùng để chiên rán thực phẩm.
Dầu lạc
Jada Linton, chuyên gia dinh dưỡng kiêm phát ngôn viên của Tổ chức National Peanut Board đã chỉ ra, hiện nay có rất nhiều loại dầu lạc và mỗi loại sở hữu hương vị, cách dùng khác nhau.
Hơn một nửa thành phần trong dầu lạc là chất béo không bão hòa đơn. Theo thói quen chế biến món ăn của người châu Á, dầu lạc là lựa chọn lý tưởng khi nấu món nướng, rán và làm khô thịt. Không chỉ sở hữu hương vị thơm ngon, chúng còn là một nguồn cung cấp vitamin E tuyệt vời, khoảng 11% lượng các chuyên gia khuyến cáo hấp thụ mỗi ngày.
Dầu mè
Dầu mè rất giàu chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Sesamol và sesamin trong loại dầu này là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Một số nghiên cứu đã từng chỉ ra dầu vừng có khả năng hạ huyết áp. Do sở hữu hương vị tuyệt vời, bạn có thể kết hợp chúng với các món xào và thay thế cho dầu lạc với người bị dị ứng với lạc.
Dầu dừa
Dầu dừa có lẽ không hề xa lạ với những người đang áp dụng chế độ ăn Keto và Paleo. Loại dầu này sở hữu 90% là chất béo bão hòa và cũng là một nguồn cung cấp triglyceride chuỗi trung bình tuyệt vời. Theo một số nghiên cứu, dầu dừa có thể làm tăng nồng độ cholesterol HDL tốt.
Dầu hạt cải
Loại dầu này được làm từ cải dầu và có thể dùng để chế biến nhiều món ăn. Đây là lựa chọn tuyệt vời để tăng cường chất béo không bão hòa đơn. Vấn đề duy nhất của dầu hạt cải là chúng có giá thành cao hơn các loại khác và bạn nên mua ở nơi có uy tín để đảm bảo chất lượng.
Ngoài việc sử dụng dầu ăn phù hợp, việc bảo quản chúng cũng vô cùng quan trọng. Sai lầm không ít người mắc phải là để dầu ăn ở gần hoặc trên bếp. Một số loại dầu dễ bị ôi nếu tiếp xúc với ánh sáng, nhiệt độ và oxy. Do đó, bảo quản dầu ăn ở nơi tối, mát mẻ là tốt nhất.
Một vấn đề quan trọng không kém khi dùng dầu để nấu ăn là khói. Khi dầu cháy tới mức xuất hiện khói, chúng sẽ giải phóng hóa chất làm đắng thực phẩm và các gốc tự do gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, tránh để dầu bị cháy khi dùng.
Theo Housekeeping