IMF: Thế giới sắp đối mặt với khủng hoảng chưa từng thấy
Mặc dù một số quốc gia bắt đầu tái mở cửa, Quỹ Tiền tệ Quốc tế vẫn cảnh báo kinh tế thế giới đang trên đà trượt dốc nhanh hơn nhiều so với dự báo trước đó.
Chuyên gia kinh tế trưởng Gita Gopinath của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 16/6 cho biết kinh tế thế giới đang trên đà trượt dốc nhanh hơn nhiều so với dự báo hồi tháng 4 của cơ quan này.
Khi các quốc gia châu Âu bước vào những tuần phong tỏa đầu tiên, IMF từng nhận định kinh tế thế giới sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái của những năm 1930. Vào thời điểm đó, cơ quan này dự báo GDP thế giới giảm 3% trong năm nay. Đến nay, khi một số nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, IMF tiếp tục cảnh báo tình hình có thể tồi tệ hơn nữa.
“Lần đầu tiên kể từ Đại Suy thoái, các nền kinh tế, kể cả phát triển và mới nổi, đều sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 6 sắp tới có thể xuất hiện nhiều con số tăng trưởng âm hơn trước”, bà Gopinath nói. Cuộc khủng hoảng hiện tại, hay còn gọi là Đại Phong tỏa, được đánh giá là không giống như bất kỳ điều gì mà thế giới từng chứng kiến trước đây.
IMF từng dự báo kinh tế thế giới sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái của những năm 1930. Ảnh: CNBC. |
Đại dịch Covid-19 bùng phát ban đầu tạo nên một cuộc khủng hoảng về y tế nhưng sau đó đã nhanh chóng biến thành khủng hoảng kinh tế vì các quốc gia đóng cửa biên giới, triển khai biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Nhiều quốc gia bắt đầu tái mở cửa nhưng tiến độ vẫn chậm chạp, thậm chí một số nơi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại. Tính đến ngày 16/6, có hơn 8 triệu người bị nhiễm Covid-19, trong đó Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ và Anh là 5 ổ dịch lớn nhất thế giới, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
IMF cho biết Đại Phong tỏa khác với các cuộc khủng hoảng trước đó khi lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn sản xuất. Vì vậy, kinh tế chỉ phục hồi nhanh hơn nếu nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, theo bà Gopinath. Tuy nhiên, điều này có thể không xảy ra vì dịch Covid-19 khiến mọi người có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn.
Ngoài ra, Gopinath cũng cảnh báo các thi trường tài chính có thể phải đối mặt với đợt điều chỉnh mạnh nếu tình hình y tế hoặc kinh tế ngày càng xấu đi.