Hot mom Việt ở Úc: 9 tháng để làm một tập phim "Cha mẹ thay đổi" kéo dài 45 phút, nhà Đài kỳ công và đầy tâm huyết nhưng giá như...
Chương trình nhiều câu nói hay, nhiều phân tích có lý của chuyên gia. Nhưng từ những câu nói và phân tích ấy đi đến giải quyết vấn đề còn xa nhau quá.
"Cha mẹ thay đổi" là chương trình truyền hình gần đây trở thành đề tài nóng sốt của các bậc phụ huynh. Nhiều ý kiến ngợi ca, nhiều lời thúc giục “hãy xem đi”.
Là mình khó tính? Là mình hời hợt? Là mình không đủ kiến thức? Hay vì chương trình chưa đủ độ sâu? Xem xong tập 1, mình chỉ thấy như nguyên liệu đã được bày tràn ra bếp, nhưng chẳng thể nhào nặn ra một mâm cơm ra tấm ra món.
Cả chương trình là nước mắt, là sự hối hận, là sự nhún nhường, là lời xin lỗi, là sự chạy theo của người mẹ. Cả chương trình như là một phiên tòa để luận tội chị Trang (người mẹ). Một chương trình truyền hình làm ra, mình hiểu, tỷ lệ người xem là yếu tố sống còn. Song, nếu chỉ khai thác một chương trình ý nghĩa dưới góc độ drama như vậy, thì đáng tiếc quá. Và kỳ thực, nó chưa đủ hấp dẫn để mình sẽ kích chuột xem tiếp tập 2.
Chương trình mở màn là mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ con đã ở mức đỉnh điểm. Chị Trang tham gia vào khóa học cùng các chuyên gia để thay đổi nhận thức. Nút thắt của chương trình được tháo gỡ bằng cái ôm miễn cưỡng giữa hai mẹ con, thực ra là cái cưỡng ôm của mẹ với Nhím.
9 tháng để làm một tập phim kéo dài 45 phút. Nhà Đài kỳ công và đầy tâm huyết. Nhưng giá như, chương trình có thể làm:
- Cả bố mẹ và con cái đều được tham vấn tâm lý. Hai bên đều phải học cách nhìn nhận tâm lý đối phương. Vì vốn dĩ cuộc sống gia đình là sự góp mặt của cả hai phía. Việc này, lẽ ra là của bố mẹ. Nếu bố mẹ bắc được cây cầu đến với con, thì việc con hiểu bố mẹ sẽ không mấy khó khăn.
Trong trường hợp gia đình chị Trang, người bố (theo cảm quan của mình) là diễn viên phụ trong vở diễn đồng hành cùng con. Chị Trang – một người mẹ cổ điển – đặt định nghĩa tương lai thành công của mình vào con – gá con vào cái áo mẹ muốn con mặc. Chính điều ấy làm đứt mối liên hệ cảm xúc giữa hai bên.
- Như chuyên gia Hàn Quốc trong chương trình đã nói, bọn trẻ vẫn chưa thể gần mẹ vì các con mới chỉ cảm nhận được một sự thay đổi tích cực “fake” từ mẹ. Là gì?
Tức là thay đổi chỉ dừng ở lời nói nhẹ nhàng, ở việc không ép con học đàn đến bức bối, ở nhận thức rằng mẹ đã làm tổn thương con. Nhưng điều quan trọng hơn là nối lại sợi dây cảm xúc (theo cách bọn trẻ cần) giữa mẹ và các con như thế nào thì chuyên gia và chương trình không đưa ra được.
Điều bọn trẻ cần là gì, khả năng bọn trẻ đến đâu?
1. Chúng có muốn học đàn không?
2. Chúng có muốn mẹ can thiệp quá sâu vào mọi chuyện không?
3. Chúng có muốn mẹ như một cái máy suốt ngày è è bên tai chúng không?
4. Chúng muốn mẹ đứng từ vị trí nào để đồng hành cùng chúng?
4. Mục tiêu cho tương lai của chúng có phải là làm y hệt các bước để bước tới tương lai tươi đẹp mẹ vẽ ra không?
5. Bọn trẻ có muốn gần mẹ nữa không? Nếu có, theo bọn trẻ chúng mong muốn được gần thế nào? Nếu không (như Nhím), cần làm gì ngoài cái ôm gượng gạo phút để mẹ con có thể tự nhiên ôm nhau.
- Xây dựng nguyên tắc ứng xử trong gia đình. Mình bố mẹ hay con cái đều không thể làm nên một mái nhà. Ai trong đó cũng cần được bình đẳng, được lắng nghe, được tôn trọng và được cảm thông. Hình ảnh Cún vừa nói, vừa cười, vừa gắt gỏng khi chị Trang nhún nhường trong những giọt nước mắt làm mình cứ nghĩ mãi người mẹ ấy sau chương trình rồi sẽ ra sao và gia đình chị có thật sẽ tìm thấy sự kết nối?
Từ không hiểu con vì nắm tay quá chặt đến buông thõng tay, biến con thành trung tâm của mọi thứ để đến được với con nó là hai cực khác dấu. Nhưng kết quả đều nguy hiểm như nhau, đều là mất con mãi mãi.
Chương trình nhiều câu nói hay, nhiều phân tích có lý của chuyên gia. Nhưng từ những câu nói và phân tích ấy đi đến giải quyết vấn đề còn xa nhau quá. Chương trình kết lại, mỗi thành viên trong gia đình đều vẫn chưa tìm được sự bình yên cho riêng mình. Chín tháng đòi hỏi bình yên e là hơi khó. Nhưng chí ít phải là sự thông suốt nhìn nhận từ nhiều phía, chứ không thể chỉ từ phía người mẹ. Một bàn tay đâu có làm nên tiếng vỗ. Mình chị Trang đâu có làm nên một gia đình.
(Bài viết theo quan điểm cá nhân)
Vài nét về tác giả:
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi và Subo.
Hà Trang định cư tại Úc năm 2013 và được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Độc giả có thể đọc thêm các bài viết thú vị của mẹ Subi-Subo TẠI ĐÂY.