Chương trình "Cha mẹ thay đổi": Câu chuyện vừa xem vừa khóc về người mẹ muốn mọi điều tốt cho con nhưng con lại có ý định "trả thù"
Chương trình xoay quanh câu chuyện đầy cảm xúc và nước mắt của chị Trang sống tại Hà Nội. Chỉ muốn con vững vàng trong cuộc sống nhưng chị vô tình khiến các con bị tổn thương sâu đậm và có phản ứng tiêu cực.
Cha mẹ nào sinh con ra cũng mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất đến với con. Có thể mẹ không có nhiều thời gian lo cho bản thân mình nhưng mọi chuyện với con thì mẹ luôn thật sát sao. Từ việc con nói năng, ăn mặc, đi đâu, làm gì đến cả việc con học gì, học thế nào... đều phải được sự kiểm duyệt của mẹ và phải theo ý của mẹ.
Đó cũng là câu chuyện của chị Trang, giảng viên âm nhạc, sống tại Hà Nội, trong tập 1 có tên "Âm thanh của những bản nhạc buồn", chương trình "Cha mẹ thay đổi". Câu chuyện khiến ai xem cũng phải chảy nước mắt với các cung bậc cảm xúc khác nhau trong những tình huống dạy con của chị.
Người mẹ luôn muốn các con hoàn hảo: "Mẹ làm việc vất vả lo cho các con"
Chị Trang có 3 người con: Con gái lớn là Nhím, 21 tuổi; Con trai thứ 2 học nội trú và con gái út là Cún, 11 tuổi. Chị Trang là một bà mẹ cầu toàn, luôn muốn các con làm theo ý mình, bởi chị cho rằng chị làm như vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho con. Càng bị bắt ép thì hai cô con gái càng trở nên khó bảo. Khi con khó bảo, chị Trang lại trở nên giận dữ, căng thẳng.
Vì muốn con học đàn, có cơ hội việc làm trong tương lai nên chị Trang bắt Cún tập đàn mỗi ngày. Tuy nhiên, lần nào Cún cũng khóc vì không thích và bị mẹ quát. Cảnh mẹ kè kè bên cạnh để kèm cặp con dường như cũng quá quen thuộc với nhiều gia đình.
"Tại sao? Hả? Bình thường không sao cứ học đàn lại hết đau này đến đau kia. Con định học hay không học. Một là nghiêm túc, hai là nghỉ luôn. Ngày nào cũng phải nhắc nhở, mệt mỏi".
Sang phòng của Nhím, chị Trang ra lệnh: "Không đi dạy nữa nhé. Đi dạy làm gì? Tay thì đau, người thì mệt ốm. Ở nhà mà nghỉ. Không phải đi dạy? Sao lại khóc? Đã không đi học còn đi dạy?".
Mặc dù lớn hơn em nhiều tuổi nhưng Nhím cũng không chịu chia sẻ tâm sự với mẹ. Thực tế, Nhím bị mệt, mẹ gàn không cho con đi dạy thêm nhưng Nhím nhất quyết không nghe lời mẹ và vẫn làm theo ý mình khiến mẹ càng khó chịu.
Lý giải về hành động, lời nói của mình, chị Trang thổ lộ rằng chị "Làm việc vất vả lo cho các con. Muốn các con vững vàng trong cuộc sống". Tuy nhiên, chị không hiểu vì sao hết lòng lo toan cho con nhưng con lại không chịu nghe lời: "Cũng có lúc không kìm chế được, đánh con vì cảm giác không chịu nổi. Con lớn không chịu nghe. Chúng nó cứ làm theo ý mình, cứ làm cho mình căng thẳng. Ý mình là tốt mà".
Mặc dù chồng chị cho biết, không thích vợ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con, không muốn cả nhà căng thẳng nhưng anh thường thua vợ: "Có lẽ anh không đủ lý lẽ để chị nghe theo anh".
"Mẹ chỉ nghe mà không biết lắng nghe"
Sau nhiều năm bị bắt ép làm theo ý mẹ, phải chiều theo sở thích, mong muốn, nguyện vọng của mẹ nên chị em Nhím, Cún đã xa lánh và phản kháng lại với mẹ.
Cún nghẹn ngào chia sẻ với chương trình: "Mẹ em là người cầu toàn, luôn mong muốn hơn nữa. Mong muốn nhiều quá nên nhiều lúc bực mình. Trong ngày, buổi sáng em chỉ mong được đi học thôi vì đi học được tự do hơn rất nhiều so với ở nhà. Buổi chiều chỉ muốn mau mau đến tối thật nhanh để được nghỉ không phải tập đàn. Em là bé nhất trong nhà nhưng em cũng là con người nên không có quyền chỉ trích, đánh giá em".
Ngay cả với người chị cả Nhím cũng thu mình lại trước sự can thiệp của mẹ: "Khi mình chán, mình buồn, mình không muốn nói chuyện với ai hết, chỉ muốn yên lặng cho mình nhờ mà không ai làm được việc đấy. Cứ thấy mình buồn, mình khóc lại càng hỏi lấy hỏi để, hỏi tới hỏi lui. Chỉ có mỗi Gấu bông là làm được việc đấy. Luôn im lặng và lúc nào cũng cười với mình".
"Em với mẹ chắc do một thời gian dài không hợp nhau. Em thấy mỗi ngày nói một, hai câu là đủ. Nhiều hơn mệt lắm".
Thực tế, năm lớp 4, Cún đã từng nghĩ sẽ trả thù cả dòng họ và phải làm điều gì đó cho cả dòng họ bị bẽ mặt để mẹ lúc già hối hận. Nghe con kể chị Trang đã sốc nặng.
Sau khi nghe mẹ nói rằng "Cuộc đời mẹ thấy không thành công" khi nuôi dạy con, Cún đã phản ứng gay gắt: "Mẹ chẳng hiểu mong muốn của con. Mẹ nghe nhưng không phải là lắng nghe. Mẹ cho bằng được là mẹ đúng. Con đã nói xong đâu mà mẹ chẳng lắng nghe lời con nói mà đã nói lại rồi. Mẹ dạy đúng nhưng cách dạy mẹ sai. Mẹ sai trong cách cư xử nên con coi là sai. Con không muốn mẹ tuyệt vời, mẹ không cần hoàn hảo quá mà chỉ cần mẹ không làm con đau buồn cái gì".
"Nếu quy đổi tương đương thì mức độ đau đớn của những tổn thương tinh thần ngang với bỏng cấp độ 3"
Sau khi theo dõi câu chuyện của chị Trang, Giáo sư Peck Cho – Đại học Korea – Hàn Quốc chia sẻ: "Nếu con bạn bây giờ không hạnh phúc thì có thể con bạn cũng không hạnh phúc trong 20, 30 năm tới.
Một nghiên cứu mới công bố gần đây có tên gọi là 'Những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu'. Khi những đứa trẻ có tổn thương thời thơ ấu không phải 1, 2 lần mà nhiều lần nó sẽ làm cho não bộ không còn hoạt động tốt bình thường nữa và tăng tỷ lệ tự tử trong tương lai.
Nếu quy đổi tương đương, thì mức độ đau đớn của những tổn thương tinh thần ngang với bỏng cấp độ 3. Không có ai quát mắng 1 đứa trẻ bị bỏng cấp độ 3 là "Có gì đâu, đứng dậy đi học đi, sao lại phải buồn? Dậy học bài đi. Làm việc nhà đi". Nhưng chúng ta lại làm như thế với đứa trẻ đang chịu nỗi đau về cảm xúc".
Theo GS. Choi Sung Aie (Chủ tịch - Người sáng lập Hiệp hội Emotion coaching, Hàn Quốc), điều quan trọng nhất là chúng ta phải tôn trọng và hỏi ý kiến con mình. Và nếu đứa trẻ cảm nhận được là bố mẹ lắng nghe và tôn trọng chúng và cảm thấy được quan tâm thì đứa trẻ có được thành công và trưởng thành hơn. Đứa trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm những việc mà chúng mong muốn.
Rất may, chị Trang đã sớm nhận ra sai lầm trong cách dạy dỗ con cái. Chị thú nhận đã kỳ vọng quá lớn vào con, mong muốn con hoàn hảo: "Trước đây không hiểu tại sao con mình không trở nên hoàn hảo được, bây giờ mình hiểu là con mình đã bị tổn thương quá nhiều, mà càng tổn thương nhiều thì càng không thể trở thành người hoàn hảo được. Trái lại, nó càng trở thành đứa khó bảo, bướng bỉnh, thậm chí bất cần".
Sau 10 tháng điều chỉnh từng bước một, 2 con của chị đã hiểu mẹ và mở lòng hơn với sự quan tâm của mẹ. Đoạn chị Trang nghẹn ngào nói với Nhím: "Bao nhiêu năm trời mẹ không được ôm con. Giờ hãy cho mẹ được ôm con đi" khiến ai xem cũng bật khóc nức nở.
Điều cuối cùng chị Trang muốn nhắn nhủ với mọi người: "Nhà thơ Xuân Diệu có một câu: 'Người với người sống để yêu nhau'. Tất cả mọi người hãy yêu thương nhau và hãy làm đầu tiên trong gia đình mình".
Theo dự kiến, chương trình "Cha mẹ thay đổi" phát sóng trên VTV3 lúc 20h thứ hai và 21h30 thứ bảy, chủ nhật trên VTV7.
Với 5 tập phim tài liệu thực tế mang tên gọi lần lượt là: Âm thanh của những bản nhạc buồn, Nhà là nơi trái tim thuộc về, Cây gậy và củ cà rốt, Những cảm xúc ẩn chứa và Ước muốn của mẹ và con, VTV7 mong muốn mang đến những phương pháp giáo dục con mới mẻ và đúng đắn, giúp các bậc cha mẹ có thể gỡ bỏ dần những cách giáo dục cũ kĩ và chỉ dự trên kinh nghiệm từ đó có kĩ năng yêu thương con đúng cách và nuôi dạy con tốt hơn.