Hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển, điểm chuẩn đại học có thay đổi?
Theo nhận định của các chuyên gia, việc hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song số lượng thí sinh đăng ký giảm cũng sẽ không tác động nhiều đến mức điểm chuẩn của các trường.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay cả nước có hơn 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống.
Trước đó, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống là 642.270, năm 2021 số lượng là 794.739. Theo số liệu này, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay giảm hơn so với những năm trước do hiện nay các trường đại học chuyển sang tự chủ, mức học phí được tính đúng, tính đủ so với chi phí đào tạo nên tăng khá cao. Tại nhiều khu vực nông thôn, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nhiều gia đình gặp khó khăn, không đủ tiền cho con ăn học tại thành phố.
“Ở các vùng nông thôn, nhiều khi cả nhà đi làm không đủ tiền nuôi một sinh viên đại học. Ngoài học phí cao, thì còn nhiều chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, đi lại trên thành phố rất tốn kém. Do đó nhiều em đã lựa chọn học tại các trường trung cấp, cao đẳng gần nhà để tiết kiệm chi phí, sau này có điều kiện sẽ học cao hơn, một số lựa chọn vào làm thẳng tại các khu công nghiệp để sớm có thu nhập”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.
Một lý do khác theo thầy Dũng khiến lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm là quy chế của Bộ GD-ĐT yêu cầu thí sinh phải nhập tất cả các nguyện vọng, bao gồm cả các nguyện vọng trúng tuyển sớm lên hệ thống của Bộ, do đó nhiều thí sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa còn lúng túng, thậm chí “không biết” đến quy định này.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh trên thế giới được khống chế khá tốt, các trường đại học mở cửa trở lại cũng thu hút một lượng thí sinh khá lớn đi du học nước ngoài.
Tuy số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm, song PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, điều này sẽ không tác động nhiều đến mức điểm trúng tuyển của các trường năm nay. Dự báo, điểm chuẩn các ngành có xét tuyển môn tiếng Anh có thể giảm nhẹ, các ngành còn lại về cơ bản giữ ổn định như năm trước. Điểm chuẩn các trường top trên có thể giảm từ 0,25 – 0,5 điểm, các trường top giữa dự báo mức điểm chuẩn không biến động so với năm 2021.
Còn theo thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội, con số hơn 300.000 thí sinh không xét tuyển đại học năm nay rất sát thực tế và bình thường, mặc dù Bộ GD-ĐT đã gia hạn thêm 3 ngày, nhưng số thí sinh đăng ký thêm vẫn rất ít. Điều này chứng tỏ phụ huynh và học sinh đã suy nghĩ rất kỹ về nguyện vọng, năng lực bản thân và điều kiện gia đình, bên cạnh đó, tư duy của xã hội về bằng cấp, nghề nghiệp và giá trị thành công đã có sự chuyển biến.
Theo thầy Đinh Đức Hiền, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm có nguyên nhân do sự thay đổi quy chế xét tuyển đại học. Nếu như trước đây, tất cả các thí sinh tham gia thi tốt nghiệp đều bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng trước khi thi, trong số này có nhiều thí sinh có lực học yếu hay không có mong muốn vào đại học vẫn đăng ký, thì năm 2022, các em đăng ký sau khi đã biết điểm thi. Như vậy những thí sinh có điểm thấp, không có mong muốn vào đại học sẽ không đăng ký.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng có nhiều thí sinh chọn đi du học, học cao đẳng, trung cấp thay vì vào đại học. Nhiều em chọn cách tham gia ngay vào thị trường lao động. Đặc biệt vấn đề học phí tăng mạnh cũng tác động trực tiếp đến lựa chọn của thí sinh.
Thầy Đinh Đức Hiền cho rằng, tổng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng sư phạm ở nước ta hàng năm nay khoảng 550.000, số thí sinh tham gia xét tuyển đại học năm hay khoảng hơn 620.000. Như vậy, các trường sẽ vẫn tuyển đủ chỉ tiêu, nếu có khó khăn có lẽ sẽ rơi vào các trường top dưới.
“Đây cũng là cơ chế đào thải của thị trường trước tình trạng mở ồ ạt các ngành học của các trường như hiện nay. Về mặt vĩ mô chúng ta không nên đánh giá về tỉ lệ nguồn nhân lực có trình độ đại học cao hay thấp mà cốt lõi ở chỗ nguồn nhân lực ấy có đáp ứng đúng nhu cầu xã hội hay không. Hiện tại chúng ta đang có tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, tức mất cân bằng nguồn nhân lực.
Mặt khác trong đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” được Chính phủ phê duyệt có nêu rõ phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%. Tuy nhiên cũng cần thống kê rõ ràng hơn 300.000 thí sinh này và hơn 100.000 thí sinh trượt đại học năm 2022 sẽ đi về đâu, nếu tỉ lệ tham gia trường nghề cao thì là điều đáng mừng, nhưng thực tế số học sinh sau tốt nghiệp tham gia ngay vào thị trường lao động cũng là con số không nhỏ”, thầy Đinh Đức Hiền băn khoăn./.