Hoa hậu Thanh Thủy "sửa nhẹ" 1 bộ phận trên khuôn mặt mà nhan sắc "thăng hạng", chị em làm theo cần nhớ 3 việc
Nâng mũi (hay còn được gọi là sửa mũi, chỉnh hình dáng mũi), là một thủ thuật thẩm mỹ thay đổi và tái tạo mũi.
Kể từ sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2022, nhan sắc của Thanh Thủy đã gây nên nhiều tranh cãi. Trong một lần chia sẻ với báo giới, nàng hậu lại tiếp tục khiến dân tình xôn xao khi thừa nhận đã can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ.
Hoa hậu Thanh Thủy đã công khai thẩm mỹ trên truyền thông như sau: "Tôi luôn muốn mọi thứ của mình tốt hơn nên đã can thiệp thẩm mỹ ở phần mũi và vòng một. Đây là lần đầu tiên tôi xác nhận việc này nên chắc mọi người cũng bất ngờ. Tôi muốn mình có một vẻ ngoài đẹp hơn và tốt hơn về mọi mặt nên tôi nghĩ việc này là tốt".
Khuôn mặt sau dao kéo của Thanh Thủy được nhiều người nhận xét là sắc sảo, thu hút. Bên cạnh đó, không ít người cho rằng nàng hậu có ngoại hình hơi "lạ" thậm chí còn có đôi nét giống "hotgirl trứng rán" Trần Thanh Tâm.
Trong giới nghệ sĩ, có rất nhiều người nổi tiếng đã "lột xác" thành công nhờ phương pháp nâng mũi. Một trong số những nghệ sĩ đó có thể kể đến là Trấn Thành. Hồi mới vào nghề, Trấn Thành sở hữu chiếc mũi khá to và thô, dù sống mũi cao và thẳng nhưng phần đầu mũi lại bè ra, khiến khuôn mặt mất đi sự cân đối. Phải công nhận rằng việc can thiệp thẩm mỹ chiếc mũi là một quyết định sáng suốt của Trấn Thành vì giờ đây gương mặt của nam MC trông cân đối, hài hòa hơn xưa rất nhiều.
Nâng mũi (hay còn được gọi là sửa mũi, chỉnh hình dáng mũi), là một thủ thuật thẩm mỹ thay đổi và tái tạo mũi. Bác sĩ sẽ cân chỉnh lại mũi sao cho phù hợp với khuôn mặt, giúp nhan sắc hài hòa, thanh thoát hơn. Không chỉ phục vụ nhu cầu làm đẹp, nâng mũi còn được y học dùng để cải thiện các vấn đề về hô hấp hoặc chỉnh sửa những dị dạng do chấn thương và dị tật bẩm sinh.
Tuy vậy, để sở hữu một chiếc mũi bền đẹp, hài hòa với gương mặt thì trước khi làm mọi người cần tìm hiểu kỹ về nâng mũi, cũng như được tư vấn bởi bác sĩ.
Muốn nâng mũi đẹp và bền lâu, đừng quên lưu ý vàng của chuyên gia thẩm mỹ
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Cao Ngọc Duy (Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) chia sẻ: "Nếu muốn ca phẫu thuật nâng mũi thành công, cũng như giữ được chiếc mũi đẹp lâu dài thì trước hết cần hiểu rõ về dáng mũi mình mong muốn là L-line hay S-line, phương pháp nâng mũi là gì, hay là chất liệu nâng mũi thế nào... Đây là việc không phải ai cũng biết và quan tâm, bởi có nhiều người nghĩ chỉ cần giao phó hết cho bác sĩ, còn bản thân không cần phải tìm hiểu thêm làm gì".
Bác sĩ Cao Duy khuyên nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn trọn vẹn. Sau khi được tư vấn, chị em sẽ về nhà chuẩn bị tâm lý vững vàng để chuẩn bị phẫu thuật. Đồng thời, bác sĩ cũng khuyên mọi người nên thực hiện 3 việc sau đây trước khi thực hiện nâng mũi:
1. Tìm hiểu trước quá trình nâng mũi sẽ diễn ra thế nào
Bác sĩ phân tích, việc tìm hiểu trước về quá trình nâng mũi sẽ giúp bạn hình dung được quá trình phẫu thuật ra sao, từ đó đưa ra những sự chuẩn bị ban đầu chu toàn hơn. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều kỹ thuật nâng mũi, cũng như vô vàn kiểu dáng mũi khác nhau. Vậy nên, bạn cần hiểu rõ đặc điểm khuôn mặt mình để xác định hướng nâng mũi nào phù hợp nhất. Khi đã có hình dung ban đầu, bạn hãy chia sẻ với bác sĩ để được tư vấn thêm về kết quả sau cùng.
2. Lựa chọn địa chỉ thẩm mỹ uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm
Tay nghề của bác sĩ cùng điều kiện phẫu thuật tại cơ sở y tế quyết định 50% tỷ lệ thành công của ca nâng mũi. Do vậy, chị em phải sáng suốt tìm hiểu trước những địa chỉ thẩm mỹ uy tín, được nhiều bệnh nhân khác đánh giá cao. Ngoài ra, lựa chọn bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng giúp bạn có dáng mũi đẹp và an toàn. Nếu không đảm bảo được 2 vấn đề này thì hậu quả khó lường.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Cao Ngọc Duy.
3. Thành thật về tình trạng sức khỏe của mình
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn cần nắm rõ tiền sử bệnh lý của mình và khai báo thành thật với bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiên liệu được trước những rủi ro, từ đó đưa ra phương án phù hợp với cơ địa của bạn.
"Trước khi nâng, bác sĩ và y tá sẽ hỏi bệnh và khám bệnh một cách cụ thể và rõ ràng. Với những người đang có bệnh lý về máu, tim mạch, huyết áp, phổi, gan, thận... có thể sẽ chưa hoặc hoàn toàn không phù hợp để thực hiện nâng mũi. Trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyên về nhà theo dõi thêm", bác sĩ Cao Duy nói.