Hiểu hơn về hội chứng Brugada - chết đột ngột trong đêm

Gia Hân,
Chia sẻ

Không ít người đang khỏe mạnh bỗng chết đột ngột sau một đêm ngủ. Đây là hội chứng nguy hiểm có tính chất di truyền gọi là hội chứng Brugada.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – Chủ nhiệm bộ môn vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (BV 103) cho hay, có nhiều trường hợp người khỏe mạnh bình thường nhưng đột ngột chết chỉ sau một đêm ngủ. Dân gian thường cho là trúng gió, nhưng đó lại do Hội chứng Brugada gây ra, thường là do bất thường ở kênh natri cơ tim và gây ra sự biến đổi về điện sinh lý tim. 

Nguyên nhân dẫn tới hội chứng chết đột ngột về đêm có tới 25% là do di truyền. Nhiều gia đình có đến 3 anh em bị hội chứng Brugada. Các bệnh nhân thường xuất hiện triệu chứng đầu tiên từ 22 - 65 tuổi, cao nhất là ở lứa tuổi 40.

Các chuyên gia khuyến cáo, hội chứng Brugada hết sức nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Hội chứng Brugada không có triệu chứng rõ ràng nên không được chẩn đoán phát hiện sớm. Nhiều người chỉ phát hiện mình bị bệnh khi có biểu hiện loạn nhịp tim hoặc ngất trong lúc làm điện tâm đồ. Hội chứng Brugada biểu hiện bởi những cơn rung thất trên tim. Nó thường xảy ra về đêm do thời điểm này hoạt động của thần kinh phó giao cảm tăng và hoạt động của thần kinh giao cảm giảm.

Hiểu hơn về hội chứng Brugada - chết đột ngột trong đêm 1
Nguyên nhân dẫn tới hội chứng chết đột ngột về đêm có tới 25% là do di truyền. Ảnh minh họa

Về lâm sàng, người có tiền sử thường gặp các triệu chứng như ngất xỉu; có cơn rối loạn nhịp như rung thất, nhanh thất, ngoại tâm thu R/T, cơn rung nhĩ...; có cơn ngừng tim xảy ra lúc ngủ hoặc lúc nghỉ ngơi; có cơn ngừng thở lúc ngủ; thường có ác mộng hoặc cảm giác như bị trận đòn trong lúc ngủ; tiền sử gia đình có người chết đột ngột dưới 45 tuổi, ngất… cần được làm điện tim để xác định hình ảnh tổn thương đặc trưng của hội chứng Brugada cũng như loại trừ loạn nhịp tim do các nguyên nhân khác. Siêu âm tim, chụp mạch vành, chụp thất đồ cũng có thể được kết hợp để chẩn đoán các bệnh lý khác của tim gây loạn nhịp tim. Trong trường hợp hình ảnh điện tim không rõ ràng, một số hình thức kiểm tra khác như tiêm thuốc có thể được dùng để xác định chẩn đoán. 

Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, hội chứng này làm xuất hiện những cơn loạn nhịp tim, ngừng tim do rung thất nên các phương pháp điều trị tập trung vào việc cho các thuốc chống loạn nhịp hoặc dùng máy khử rung (ICD). Với thiết bị máy khử rung, bệnh nhân sẽ tự nhận biết khi có hiện tượng rung thất xảy ra và phá rung bằng xung điện theo một lập trình cài đặt sẵn để đưa nhịp tim về bình thường. Nhờ đó hiện tượng đột tử ở bệnh nhân mắc hội chứng Brugada sẽ giảm. Tuy nhiên ICD có thể gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, cần cân nhắc những lợi ích và rủi ro trước khi quyết định cấy ICD. 

“Tất cả bệnh nhân không có bệnh tim thực thể nhưng có ST chênh lên ở V1 - V3 và block nhánh phải đều có thể gặp nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp, thường nhất là nhịp nhanh thất đa dạng và rung thất. Các bệnh nhân có ngất hay trước đây bị đột tử được cứu sống có nguy cơ rung thất tái phát đến 34%. Bởi vậy cần đánh giá một cách chính xác những bệnh nhân có biểu hiện điện tim nhưng không có triệu chứng và cần tầm soát tất cả người trong gia đình của những bệnh nhân sống sót sau cơn ngưng tim, nếu có hội chứng này thì cần đi đo điện tim, điều trị thích hợp để tránh đột tử xảy ra. Nếu phát hiện bị bệnh, cần nhanh chóng cấy máy phá rung tim. Những bệnh nhân có những cơn ngất bắt buộc phải được khám, làm điện tim và các phương pháp cận lâm sàng khác nếu cần để loại trừ bệnh tim mạch trong đó có hội chứng Brugada” – PGS.TS Hoàng Kiệm khuyến cáo.
Chia sẻ