Hé lộ quy trình tuyển dụng 'mướt mồ hôi' tới 4 vòng phỏng vấn của Uniqlo Việt Nam từ một ứng viên từng tham dự
Trên mạng thông tin dành cho giới trẻ Ybox mới đây xuất hiện bài viết chia sẻ của một bạn trẻ từng trải qua 4 vòng phỏng vấn Uniqlo Việt Nam.
Đầu tháng 12 năm 2019, Công ty Uniqlo Việt Nam tổ chức họp báo công bố khai trương chính thức cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo mở tại Tp.HCM mang tên Uniqlo Đồng Khởi, phủ trọn 3 tầng lầu của Trung tâm thương mại Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) với diện tích sàn hơn 3.000 m2. Đây được xem là cửa hàng có diện tích lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á của thương hiệu Uniqlo. Đến đầu tháng 3 vừa qua, thương hiệu này mở cửa hàng thứ 2 tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.
Để có thể triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Uniqlo đã bắt đầu tuyển dụng từ tháng 4/2019. Trên mạng thông tin dành cho giới trẻ Ybox mới đây xuất hiện bài viết chia sẻ của một bạn trẻ từng trải qua 4 vòng phỏng vấn Uniqlo Việt Nam. Bạn trẻ này chia sẻ thời điểm ứng tuyển khá quyết tâm và chỉ tập trung vào công ty Nhật nên có tìm việc qua một số agency chuyên về việc làm tiếng Nhật như Quick Vietnam, website 919vn.com, Jelly Fish HR, Navigos.
Sau đây là chia sẻ được chúng tôi đăng tải lại:
Về vị trí tại Uniqlo: Mặc dù ghi là giám sát sản xuất (Production Manager) nhưng tùy vào kinh nghiệm, bạn sẽ được tuyển làm nhân viên thôi.
Số vòng phỏng vấn: Bạn sẽ trải qua một vòng với đơn vị tuyển dụng qua điện thoại và 4 vòng tại Uniqlo. Mình đọc thông tin tuyển dụng thì ở các vị trí có kinh nghiệm chỉ có 2 vòng thôi, tuyển dụng bình thường là 3 vòng nhưng lần mình ứng tuyển thì có thêm 1 vòng nữa. Mỗi lần phỏng vấn cách nhau một tuần và mình đều phải đi lên văn phòng Uniqlo ở Sunwah Tower nên rất mất thời gian. May mà công việc cũ của mình tự do về thời gian do chưa có văn phòng. Bạn nào mà đang đi làm muốn đổi việc mà đi phỏng vấn kiểu đó bị lộ là cái chắc. Phỏng vấn với đơn vị tuyển dụng thì người ta chỉ hỏi các thông tin cơ bản như tại sao lại nghỉ, tại sao lại muốn ứng tuyển, thử trình độ nói tiếng Anh và giới thiệu cơ bản về công việc.
Vòng 1: Phỏng vấn với nhân viên nhân sự của Uniqlo
Phỏng vấn bằng tiếng Anh với chị nhân viên người Việt. Những câu hỏi đơn giản trong mọi vòng phỏng vấn như tự giới thiệu về bản thân, điểm mạnh, điểm yếu, tại sao lại muốn đổi việc, tại sao muốn ứng tuyển vào Uniqlo, có biết về môi trường làm việc của công ty Nhật hay không, tại sao lại muốn làm việc cho công ty Nhật. Rồi chị ấy nói mình thử nói một câu tiếng Nhật vì thời điểm đó mình chuẩn bị thi N4. Dù sao thì bạn sử dụng tiếng Anh trong công việc, nhưng nếu biết thêm tiếng Nhật thì vẫn là một lợi thế. Tất nhiên là mình nói được mỗi một câu giới thiệu tên. Vòng này mình qua.
Vòng 2: Phỏng vấn với một quản lý người Nhật của Uniqlo
Mình gặp quản lý người Nhật, có kèm theo một chị phiên dịch người Việt. Chị ấy hỏi mình bằng tiếng Anh và sẽ dịch sang tiếng Nhật cho bác quản lý kia. Mình thấy hơi bất ngờ vì trong mô tả công việc yêu cầu tiếng Anh "business level" mà lúc phỏng vấn lại thành ra như vậy. Một điều nữa là mình không chắc chị phiên dịch có diễn tả lại đúng những gì mình muốn nói hay không, đặc biệt là khi mình và chị đều là người Việt nhưng lại trao đổi bằng tiếng Anh.
Rồi bác quản lý hỏi tại sao mình muốn làm việc ở Uniqlo, mình có trả lời là vì sản phẩm của Uniqlo đều là sản phẩm của công nghệ, tiên tiến, mình có khả năng phát triển bản thân và sử dụng khả năng đó cho Uniqlo. Bác trả lời ngay lập tức là bác muốn biết mình làm được gì cho công ty chứ không phải mình phát triển bản thân như thế nào. Rồi bác hỏi mình biết gì về Uniqlo, mình kể một loạt những nhà máy gia công cho Uniqlo, rồi các loại sản phẩm của Uniqlo nhưng lại đi sai hướng và bác khuyên mình nếu qua vòng sau thì nên đọc thông tin về sứ mệnh và tầm nhìn của công ty. Về nhà mình đọc ngay và đến bây giờ vẫn còn thuộc.
Lúc đó bác hỏi mình muốn hỏi gì không, để cứu vát thì mình hỏi 2 người tại sao Uniqlo lại quyết định bán quần áo bằng vending machine. Cả 2 người lúc đó không biết về thông tin này. Mình hỏi hai người đang cảm nhận công việc ở Uniqlo như thế nào thì cả 2 cũng không trả lời đúng điều mình cần. Vòng này mình vẫn qua.
Điểm lưu ý: Công ty Nhật chú trọng đến phát triển tập thể, mục đích của tập thể hơn cá nhân nên bạn nên nói bạn có thể làm gì cho công ty. Và nhớ đọc sứ mệnh và tầm nhìn của công ty.
Vòng 3: Phỏng vấn qua video với quản lý ở Nhật
Lúc này, những câu hỏi vẫn là tại sao mình muốn làm việc cho Uniqlo, tại sao lại muốn đổi việc, công việc mong muốn của mình là gì, tại sao lại nghỉ việc ở những công ty cũ. Lý do của mình là muốn có thêm nhiều việc và thử thách hàng ngày vì công việc lúc đó của mình không đơn giản nhưng hơi nhàn. Mình hỏi thêm về Uniqlo có làm thêm giờ hay không. Vòng này lẽ ra là vòng cuối và mình qua, nhưng vì một lý do nào đó Uniqlo muốn phỏng vấn thêm một vòng nữa nên mình đi vào vòng 4.
Vòng 4: Phỏng vấn với giám đốc ở Pháp
Vẫn là phỏng vấn qua video nhưng người phỏng vấn lại ở Pháp. Vẫn là những câu hỏi như ở vòng 3 nhưng mình không nhớ là mình có trả lời khác đi không. Vòng này có một chị là nghiên cứu sinh bên Nhật về, cũng là vòng cuối. Lúc mình ngồi ngoài nghe thấy chị nói chuyện đúng kiểu nghiêm túc dạ dạ vâng vâng bằng tiếng Nhật. Kết quả thì chị ấy đậu, mình rớt.
Thật ra mình nghĩ vòng này người ta muốn xác nhận xem mình có phù hợp với công ty hay không. Lúc ở vòng 1, mong muốn làm việc cho Uniqlo của mình là 80% thì ở vòng 4 chỉ còn 20% và có lẽ người phỏng vấn cũng nhận ra điều đó. Cũng nhờ vậy mà giờ mình đang làm việc ở công ty hiện tại và cảm thấy may mắn vì không đậu phỏng vấn Uniqlo. Có một điều thú vị nữa là anh quản lý nhóm bên mình cũng đi phỏng vấn vị trí tương tự của Uniqlo và cũng rớt. Bởi vì vậy, khi đi phỏng vấn, người ta không chọn ra người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất. Nếu bạn không đậu phỏng vấn ở công ty này thì hãy thử công ty khác. Đừng nản chí.
Tuy nhiên bạn trẻ này cũng khẳng định những điều chia sẻ là kinh nghiệm của cá nhân nên có thể sẽ không đúng với những người khác. Dù sao thì Uniqlo vẫn là một công ty đáng ứng tuyển với phúc lợi kèm lương thưởng khá tốt.