Hàng hóa siêu thị chỉ tăng giá nhẹ trong dịp Tết
Hầu hết các siêu thị vẫn giữ giá dù giá cả ngoài chợ đã bắt đầu tăng mạnh
Vào thời điểm này, nhiều siêu thị đã bắt đầu nhập hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Nhận định chung của các siêu thị là Tết năm nay sẽ không có đột biến về lượng hàng bán do ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, người dân hạn chế chi tiêu. Tuy vậy, các siêu thị vẫn chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ để phục vụ thị trường, với số lượng hàng tăng từ 20-30% so với năm trước.
Bà Vũ Thị Hậu, phó giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cũng cho biết thông thường mỗi dịp Tết siêu thị này sẽ nhập lượng hàng hóa tăng cao hơn so với năm trước là 30%. Năm nay, tùy theo từng mặt hàng nhập tăng giảm khác nhau nhưng nhìn chung khối lượng hàng nhập về cũng tăng khoảng 30%.
Về giá cả, bà Hậu cho biết giá cả trong dịp Tết sẽ chỉ tăng nhẹ do siêu thị đã chuẩn bị trước và đặt hàng với nhà cung cấp. Tương tự, các siêu thị khác như Big C, Intimex cũng cho biết giá cả các mặt hàng trong dịp Tết chỉ tăng nhẹ.
Bà Đinh Thị Nga, giám đốc BQL Intimex cho biết, kế hoạch nhập hàng Tết đã được siêu thị thương thảo với các nhà cung cấp. Giám đốc BQL siêu thị Intimex cũng dự báo, Tết năm nay, giá trị hàng bán ra sẽ tăng trưởng từ 30-40% so với năm ngoái, mặt bằng giá chung sẽ tăng khoảng 10-15%.
Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, nếu năm nay không có thiên tai, dịch bệnh thì mặt hàng thịt, cá, rau xanh sẽ vẫn bình ổn. Hiện nay giá các loại thịt như thịt lợn, thịt gà đang giảm so với thời điểm cao nhất khoảng 20-25%. Nếu không có dịch bệnh thì vào dịp Tết nguồn hàng tươi sẽ dồi dào, giá cả sẽ ổn định, thậm chí giảm nhẹ.
Tuy nhiên ông Phú cũng nhận định, do hàng cung cấp trong siêu thị mới chỉ chiếm 1 phần nhỏ trong doanh số của thị trường bán lẻ. Đa phần hiện tại người dân vẫn mua hàng ở hàng rong, chợ cóc, vì vậy sẽ khó tạo đà giảm giá cho các mặt hàng dịp Tết này. Ông Phú dự đoán giá cả các mặt hàng được bán ngoài siêu thị vẫn sẽ cao hơn nhiều năm ngoái, trung bình khoảng 18%.
Trái ngược tại siêu thị, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Phùng Khoang, Trung Kính... mặc dù đã ở mặt bằng giá cao nhưng hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết vẫn rục rịch tăng giá. Các đơn vị kinh doanh cho biết, do nguyên liệu đầu vào tăng nên hầu hết các mặt hàng đều phải tăng giá theo.
Theo ông Trần Quốc Cường, trưởng ban quản lý chợ đầu mối Phùng Khoang, mặc dù giá cả thị trường ngày Tết có nhiều biến động, song với chương trình bình ổn giá dịp Tết áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm sẽ phát huy tác dụng và không để việc khan hàng, sốt giá cuối năm
Về phía ban Quản lý, Bộ Công Thương cho biết, dự kiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 20-25% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 10% so với năm trước. Bộ Công Thương sẽ kết hợp với một số bộ ngành khác như bộ NN&PTNT để đáp ứng đủ, kịp thời mọi nhu cầu hàng hóa của nhân dân, bảo đảm bình ổn thị trường và giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả).