Hàng bánh tráng trộn lạ lùng giữa Sài Gòn của cô Năm, người đàn bà đầy nghị lực đứng lên sau đổ vỡ, bán bánh bán cả sự lạc quan yêu đời cho khách
Thông thường, bánh tráng trộn Cô Năm (58 Lê Thị Hồng, Q. Gò Vấp, TP.HCM) mở bán từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhưng mới hơn 4 giờ chiều cô Năm đã phải thông báo hết hàng, làm hàng loạt khách tiếc ngẩn ngơ vì đến sớm mà vẫn không kịp mua bánh tráng.
Khách hàng tiếc ngẩn ngơ khi cô Năm bán bánh tráng trộn hết hàng quá sớm.
Nụ cười hồn hậu của cô Năm bán bánh tráng trộn khiến khách hàng đến 3 lần không mua được vẫn vui vẻ chẳng hề ấm ức
Bánh tráng trộn là món ăn vặt chẳng hề xa lạ với người dân Sài Gòn, ai đã từng sống và làm việc tại mảnh đất hiền hoà này sẽ chẳng lạ gì với những tấm biển "bánh tráng trộn" từ giản dị mộc mạc đến những hàng quán, cửa tiệm.
Ấy thế mà ở quận Gò Vấp có 1 tiệm bánh tráng lạ lùng lắm, cô chủ chẳng bao giờ đủ hàng để bán cho khách, mà khách hàng quen thì chẳng muốn đi mua ở nơi khác ngoài tiệm của cô.
Đó là tiệm bánh tráng trộn Cô Năm tại địa chỉ 58 Lê Thị Hoàng - phường 17 - quận Gò Vấp, 1 cửa tiệm nhỏ nhắn như chính cô chủ tiệm vậy.
Trên biển hiệu của cô Năm có slogan "ăn là ghiền". Mà quả đúng là như vậy, khách hàng đến với cô Năm 1 lần thì chắc chắn sẽ quay lại nhiều lần sau đó.
Thậm chí, ở thời đại 4.0, tiệm bánh tráng trộn cô Năm thường xuyên đón các anh giao hàng thức ăn công nghệ, nhưng mà chẳng bao giờ cô có đủ hàng để phục vụ hết khách của mình.
Đồng hồ vừa qua khỏi 4 giờ chiều một chút, tiệm bánh tráng trộn Cô Năm đông đúc, khách hàng thì đang nối đuôi nhau chờ nhận bánh, các anh giao thức ăn công nghệ cũng chờ hàng dài. Vừa sắp bánh tráng trộn vào túi, cô Năm vừa vẫy tay báo "Hết bánh rồi em ơi, hết bánh rồi cả nhà ơi".
Có những vị khách ghé đến 3 lần mà chẳng thể mua về được 1 suất bánh tráng của cô Năm, thế nhưng khách hàng vẫn vui vẻ ghé tiếp những lần sau, chẳng hề ấm ức chút nào.
Suốt mấy ngày nay, có khách đến 3 lần để mua bánh mà vẫn lỡ hẹn, anh nhân viên trả lời hết bánh mà cũng tiếc cho khách hàng: "Ảnh đến 3 lần, 3 ngày liên tiếp mà vẫn chưa mua được. Mấy ngày nay, có bệnh viện mua sớm, ngày nào cũng mua 300 phần thành ra khách lẻ không kịp để mua".
Có lẽ ấn tượng nhất với chúng tôi là nụ cười của cô Năm, nụ cười đầy hồn hậu, ánh mắt nghị lực của người phụ nữ đã từng trải nhưng lại tràn ngập niềm vui tươi khiến ai xung quanh cũng vui vẻ theo cô.
Vừa cười cô vừa thông báo với khách hàng đã hết và mong khách bữa sau lại đến ủng hộ, khách hàng tiếc hùi hụi cố nhìn vào tiệm xem cô Năm có bận quá mà để sót lại bịch bánh tráng nào không.
Có khách thấy cô Năm còn treo hai bịch bánh tráng, tỏ ý hờn dỗi vì còn bánh mà báo là hết, cô Năm vừa cười vừa năn nỉ: "Cái này khách đặt trước rồi em, chút khách đến lấy. Hôm sau qua ủng hộ Năm nha".
Đáng lẽ hàng hết, cô Năm sẽ về nhà nghỉ ngơi đôi chút rồi lại tiếp tục chuẩn bị hàng cho buổi bán kế tiếp. Nhưng có lẽ hàng thì hết sớm, khách thì vẫn nườm nượp đến khiến cô chẳng đành lòng dọn.
Vậy là cô Năm nán lại để an ủi khách hàng, mong khách bữa sau ghé tiệm ủng hộ mình, chất giọng miền Nam nhẹ nhàng vang lên, đôi khi cô Năm còn cất tiếng hát để chiều lòng khách đến khách đi.
Đằng sau nụ cười đầy nghị lực là 1 người đàn bà đã từng vấp ngã trong hôn nhân
Vừa bán bánh, vừa cười nói, thỉnh thoảng cô Năm còn hát tặng khách hàng và mấy anh giao hàng. Nhìn người phụ nữ tràn ngập tiếng cười, tràn ngập niềm vui như vậy, có lẽ chẳng mấy ai nghĩ đến ẩn sau nụ cười ấy, sự ôn hoà đấy là 1 câu chuyện buồn.
Cô Năm từng ở nhà cao cửa rộng, chẳng thiếu thứ gì trên đời, 1 người phụ nữ mà cô tự nhận rằng "mình từng sang chảnh như vậy á". Thế nhưng mọi thứ vụt khỏi tầm tay sau đổ vỡ hôn nhân gia đình.
Sau cú vấp ngã đó, từ 1 người phụ nữ chẳng phải lo đến cơm áo gạo tiền, cô Năm và 2 đứa con rơi vào cảnh không nhà không cửa, không nơi nương tựa.
Sau cú ngã đó, cô Năm dắt theo 2 đứa con nhỏ, 1 lần nữa đứng lên đối mặt với sóng gió cuộc đời. Chẳng nề hà từng là người phụ nữ không phải động tay động chân vào việc gì, 3 mẹ con tự nương tựa vào nhau mà sống.
Hai năm trước, cả ba mẹ con đẩy xe bán bánh tráng dạo kiếm sống qua ngày. Cô Năm chia sẻ: "May sao nhờ ông trời thương cho Năm bán được bánh, được khách hàng gần xa ủng hộ. Có nhiều lúc Năm muốn buông bỏ hết vì nghĩ mình là phụ nữ mà sao phải vất vả như vầy. Nhưng nhìn lại hai đứa con, thấy đây chính là động lực để mình vươn lên, để mình phấn đấu, thế là Năm quên hết mệt mỏi".
Với suy nghĩ cuộc sống thì luôn muôn màu, sẽ luôn có lúc này lúc khác, cô lại tìm thấy niềm vui trong công việc mới của mình.
Cô Năm có tâm với nghề lắm, mỗi bịch tráng trộn đều được cô cẩn thận tỉ mỉ chuẩn bị cả buổi trước khi bán ra cho khách hàng. Chính bởi vì vậy, quy trình chuẩn bị hàng bán của cô cũng cực lắm. Cô chẳng yên tâm để cho người khác làn nên gần như tự tay làm tất cả các khâu.
Người phụ nữ ấy ngày ngày rộn ràng với tiệm bánh tráng trộn nhỏ do chính mình dày công xây dựng. Chiều tối một mình loay hoay làm nguyên liệu trộn bánh, cô Năm chia sẻ: "Người ta nói bán bánh tráng trộn vừa khỏe mà lời nhiều chứ Năm cực lắm, 90% nguyên liệu là Năm tự làm. Nhiều khi thấy khách và mấy anh giao hàng phơi nắng, dầm mưa chờ lấy bánh mà Năm thương lắm, Năm đâu có nỡ làm ẩu. Mình làm cho khách ăn ngon, lời ít một chút nhưng cái tâm mình vui".
Ngoài những gia vị đặc biệt như tỏi phi, khô gà, sốt tự làm,… hai loại bánh tráng của cô Năm (loại trộn sẵn và loại để khách hàng tự trộn, trong bịch sẽ có đầy đủ gia vị và bao tay rất tiện lợi với giá 15.000 đến 20.000 đồng tùy loại) có lẽ món ăn quen thuộc ở tiệm cô Năm. Bánh tráng trở nên đặc biệt và hút khách vì có cả sự nỗ lực, tinh thần lạc quan của cô Năm được truyền vào đó.
Người ta đến với tiệm bánh tráng trộn cô Năm để mua đồ ăn ngon, mua thêm niềm vui, nụ cười và cả liều thuốc cho tinh thần bởi sự lạc quan trong câu chuyện đời của người phụ nữ ấy.
Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.
Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.