Những người giác hơi “dạo” trên quốc lộ 1A: Bạn thân của cánh tài xế đường dài, nắng mưa đến đâu vẫn chăm chỉ mưu sinh

Mạn Ngọc - Clip: Kingpro,
Chia sẻ

Từ cả chục năm nay, dọc đoạn đường thuộc Quốc lộ 1A này đã xuất hiện những con người cần mẫn mưu sinh bằng nghề đấm bóp giác hơi dạo. Mặc cho những nguy hiểm cận kề, mặc trời mưa nắng, họ vẫn chẳng nghỉ ngơi ngày nào.

Cuộc sống mưu sinh của những người hành nghề đấm bóp giác hơi dạo bên Quốc lộ 1A

Tiếng xúc xắc từ cây lắc tự chế và những người đàn ông mưu sinh trên vỉa hè quốc lộ 1A

Sài Gòn đất chật người đông, những người từ khắp muôn nơi đổ về đây để sinh sống và làm ăn bằng nhiều nghề nghiệp khác nhau. Ở đâu đó trên đất Sài Gòn hoa lệ, có những con người cứ cần mẫn mỗi buổi tối trải chiếu với bộ dụng cụ lạ mắt để kiếm kế sinh nhai.

Khi mặt trời dần ẩn mình nghỉ ngơi là lúc hơn chục người đàn ông trải những tấm chiếu cũ trên vỉa hè. Bên cạnh là chiếc hòm cũng chính là cần câu cơm của họ. Đó là những ống giác hơi bằng thủy tinh, còn có cả ống cồn và 1 vài lọ cao.

Cuộc sống mưu sinh bằng nghề giác hơi ngay trên quốc lộ 1A - Ảnh 2.

Những lọ thủy tinh cũng chính là cần câu cơm của họ.

Và chỉ đơn giản như thế, họ chăm chỉ mưu sinh bằng cái nghề đấm bóp giác hơi dạo bên vỉa hè dọc quốc lộ 1A này.

Không biết từ bao giờ, có khi đến 10 năm nay, họ đến với cái nghề đấm bóp giác hơi bởi nhiều lý do khác nhau. Có người ngay từ đầu đã chọn gắn liền với những lọ thủy tinh tròn này, cũng có những người vì đồng ra đồng vào, cũng có người đã từ bỏ công việc nhân công với đồng lương ít ỏi để tự mình bươn chải kiếm sống…

Thường thì họ chẳng tìm đến trung tâm học việc nào, cũng chẳng qua trường lớp hay có thầy cô giáo dắt tay chỉ việc. Họ tự dạy cho nhau cái nghề để mưu sinh, rồi lại tự tìm hiểu qua mạng internet.

Nếu như không hiểu ở đâu, họ lại chỉ bảo cho nhau. Thầy giáo của họ cũng chính là người đồng nghiệp ở ngay trên con đường quốc lộ này, ở ngay tấm chiếu sờn cũ bên cạnh tấm chiếu của mình.

Cuộc sống mưu sinh bằng nghề giác hơi ngay trên quốc lộ 1A - Ảnh 3.

Anh Sơn chia sẻ về cái nghề của mình.

Anh Sơn, 1 người hành nghề giác hơi tại đây chia sẻ rằng anh đã vào nghề khoảng vài năm nay nhưng chính thức làm tại đoạn đường này cùng mọi người thì cũng chỉ mới được 3 đến 4 tháng nay.

"Anh làm công ty mà lương ba cọc ba đồng nên cậu chỉ cho cái nghề này kiếm đồng ra đồng vào, cậu chính là người chỉ việc cho anh, coi như là sư phụ, là thầy của mình luôn đó".

Anh Tiệp cũng đã mưu sinh tại đâu cả 10 năm rồi chia sẻ, "Anh tự học nghề chứ cần gì ai chỉ dạy, anh học theo những người xung quanh đây và học thêm trên mạng nữa".

Thường thì họ bắt đầu mở hàng từ 5h sáng và miệt mài làm cho đến tận 1-2 khuya mới nghỉ ngơi đôi ba tiếng rồi lại tiếp tục 1 ngày mưu sinh khác từ buổi sáng tinh mơ.

Cuộc sống mưu sinh bằng nghề giác hơi ngay trên quốc lộ 1A - Ảnh 4.

Anh Tiệp cũng là 1 trong những người đầu tiên mưu sinh trên con đường Quốc lộ này.

Quy trình bắt đầu từ việc xoa dầu nóng, đấm bóp, bẻ các khớp, cột sống, giác hơi, bóp tay chân và matxa vùng đầu. Tất cả các khớp ở các vị trí trên cơ thể đều được họ đấm bóp chu đáo cho khách hàng.

Khách hàng của họ chủ yếu là người đi đường, những người vừa từ cuộc nhậu trở về, nhưng chiếm chủ yếu là những tài xế lái xe đường dài. Sau những chuyến đi đầy căng thẳng và mệt mỏi, họ tìm đến tiếng xúc xắc tự chế dọc con đường Quốc lộ này để nghỉ ngơi, thư giãn.

Thời gian cho mỗi lượt đám bóp giác hơi này tùy thuộc vào khách hàng mong muốn, có những người mới làm thì chỉ cần 15 đến 20 phút. Bên cạnh đó, cũng có những người đã quen thì có khi lên tới 30 đến 40 phút.

Cuộc sống mưu sinh bằng nghề giác hơi ngay trên quốc lộ 1A - Ảnh 5.

Cây lắc tự chế từ nắp chai với mục đích thu hút sự chú ý của khách hàng.

Điều thú vị là tất cả các "cửa hàng" ở đây đều có giá đấm bóp giác hơi công khai là 50.000 đồng. Khách hàng hài lòng có thể đưa thêm cho họ tiền boa, nhưng những người làm nghề ở đây đều thống nhất không tăng giá để khách đi rồi sẽ trở lại với mình.

Được biết, trước đây đoạn đường này không có nhiều người tập trung làm nghề như vậy. Sau khi bến xe phía sau lưng họ được giải thể. Kho bia được chuyển về và con đường được trải bê tông thì những người hành nghề đấm bóp giác hơi này mới tập trung ở đây như bây giờ.

Anh Tiệp cho biết, trước đây chỉ có khoảng 7 đến 8 người mà thôi, bây giờ thì đã có đến 20 người làm nghề cùng nhau.

Chúng tôi nhìn thấy 1 dụng cụ khá đặc biệt, sau đó đã được anh Sơn chia sẻ đây là 1 cây lắc tự chế bằng những nắp chai bia hay nước ngọt. Khi xâu những nắp chai này thành chuỗi sẽ phát ra tiếng xúc xắc với mục đích thu hút khách hàng.

Nguy hiểm cận kề và mong ước cho mưa thuận gió hòa

Công việc này chẳng mang cho họ được cuộc sống dư dả nhưng những con người tha hương chân chất này chỉ mong có đủ ăn đủ mặc, đủ để trang trải cuộc sống giản đơn giữa nơi thành thị phồn hoa mà thôi.

Anh Sơn chẳng ngại ngần chia sẻ với chúng tôi "Bởi vì công việc này mình làm ngoài trời mà, mưa gió thì mình đâu thể nào ra làm được đâu. Chỉ mong ông trời thương cho mưa thuận gió hòa thì mình còn kiếm sống được thuận lợi".

Không ít người cho rằng đây là công việc khá nhạy cảm, nhưng dường như với họ đây chẳng phải là điều gì đáng để bận tâm.

Cuộc sống mưu sinh bằng nghề giác hơi ngay trên quốc lộ 1A - Ảnh 6.

Mỗi khi không có khách, họ lại gieo mắt vô định, mong sao cho mưa thuận gió hòa.

Bởi lẽ nếu người ta đã muốn nghĩ sai thì dù có giải thích thế nào họ vẫn có thành kiến về mình, tuy nhiên những con người kiếm kế sinh nhai tại đây lại vô cùng lạc quan và có cách nhìn tích cực về cái nghề họ đã lựa chọn.

Sau mỗi giờ làm việc lệch thời gian như vậy, họ trở về nhà nghỉ ngơi đôi chút rồi lại tiếp tục cuộc sống mưu sinh như bao nhiêu ngày khác.

Đường quốc lộ 1A về đêm lại càng vắng vẻ và thưa thớt bóng người. Mỗi khi không có khách, những con người ở đây lại gieo ánh mắt xa xăm vào màn đêm, ngắm nhìn từng chiếc xe trọng tải lớn lao nhanh trên đường.

Họ kiếm miếng cơm manh áo cận kề bên cạnh những nguy hiểm. Những tiếng xúc xắc tự chế vang vọng mãi vào không gian ồn ào và ầm ĩ để thu hút khách. Còn họ - những người đấm bóp giác hơi dạo vẫn lặng lẽ ngày qua ngày mưu sinh bằng cái nghề ít ai làm nơi thành thị này.

Chia sẻ