Hại thân vì thiếu hiểu biết trong việc chọn thực phẩm bồi bổ sức khỏe

Lê Hường,
Chia sẻ

Ai cũng muốn thật khỏe mạnh nên đã tìm đủ mọi cách bồi bổ cho cơ thể. Tuy nhiên, bồi bổ sức khỏe không đúng cách vô tình sẽ gây ra nhiều tác hại mà bạn không biết.

Ăn óc chữa bệnh đau đầu

Nhiều người quan niệm rằng “ăn gì bổ nấy” ăn óc bổ óc, ăn tim bổ tim… nhưng thực tế thì hiệu quả có thể ngược lại.

Mẹ chồng ốm, đau đầu triền miên, nghe hàng xóm mách ăn óc chữa đau đầu, ngày nào chị Phương Chi ở Tây Hồ cũng mua óc heo về hầm lá ngải cứu hoặc thuốc bắc cho mẹ chồng để bồi bổ sức khỏe vừa chữa bệnh đau đầu. Ăn liên tục mấy ngày như vậy, mẹ chồng chị thấy cơn đau đầu dữ dội hơn và ngày càng đuối sức. 

Mẹ chồng chị đột quỵ phải đưa đến viện đi cấp cứu, bác sĩ cho biết bà bị huyết áp tăng cao, viêm tụy cấp. Bác sĩ giải thích, cũng may bệnh nhân mới ăn óc trong thời gian ngắn và đã đưa đến viện kịp thời, nếu ăn kéo dài có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhiễm mỡ nội tạng, thậm chí có thể mất mạng vì bà vốn có tiền sử của bệnh cao huyết áp.

Chuyên gia dinh dưỡng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hầu hết não động vật có chứa hàm lượng cholesterol rất cao. Kết quả nghiên cứu cholestrol trên óc một số động vật cho thấy cholesterol trong óc lợn cao hơn 30 lần so với thịt của chúng. Ăn 100gr óc lợn thì lượng cholesterol đã cao gấp 7 lần nhu cầu của cơ thể trong ngày, ăn thường xuyên sẽ làm xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng acid uric, tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Nhiều người lầm tưởng óc là món ăn bổ dưỡng nhưng thực tế óc chỉ là loại thực phẩm bình thường. Về mặt khoa học, muốn biết một loại thực phẩm nào đó có thực sự bổ, tốt đối với cơ thể cần đánh giá thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm đó.

Không ít người còn cho rằng óc có thể chữa bệnh đau đầu. Nhưng đó lại là quan niệm sai lầm nghiêm trọng. Bởi óc chứa quá nhiều cholesterol nên ăn nhiều sẽ bị cholesterol trong máu cao dẫn đến xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp. Ăn óc động vật về lâu dài sẽ thúc đẩy viêm tụy, túi mật cấp, ảnh hưởng rất lớn tới thần kinh trung ương, thần kinh thực vật, tăng nguy cơ nhiễm mỡ nội tạng, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Hại thân vì thiếu hiểu biết trong việc chọn thực phẩm bồi bổ sức khỏe 1
Bồi bổ không đúng cách nên vô tình lại gây tổn hại đến sức khỏe. Ảnh minh họa

Ăn gỏi ốc sên bổ sung chất nhờn cho khớp

Mới ở tuổi 35 nhưng chị Ngọc ở Thanh Hóa đã xuất hiện một số triệu trứng thoái hóa khớp. Chị hay bị đau mỏi khớp gối, hông leo cầu thang, đi bộ lâu đều khó khăn. Đi khám bác sĩ chẩn đoán bị khô khớp, ít nhờn và kê đơn thuốc. Sợ uống nhiều thuốc tây hại sức khỏe vì tại thời điểm đó chị vẫn đang còn phải uống thuốc điều trị bệnh khác nên chị tìm đến các loại thuốc chữa bệnh mang tính tự nhiên. 

Nghe nói ăn ốc sên có tác dụng tăng nhờn khớp, giúp việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn , chị Ngọc đã nhờ người đặt mua ốc sên về chế biến làm món ăn. Ăn đều đặn mỗi tuần 3-4 lần, quả nhiên chị thấy có tác dụng tương đối tốt. Chị có thể leo cầu thang, đi bộ chặng đường dài mà không thấy đau mỏi khớp như lúc trước.

Ốc sên là loại động vật thân mềm, ăn thực vật có thể nuôi làm thức ăn và làm thuốc. Về mặt dinh dưỡng thì ốc sên giàu đạm, cứ 100g thịt ốc sên có chứa 11g đạm dễ chế biến thành nhiều món ăn. Đông y đã sử dụng làm thuốc với tính vị mặn, hàn, bổ dưỡng, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu thũng và chống co thắt.

Trong nhiều tài liệu Đông y, đã ghi lại kinh nghiệm sử dụng ốc sên làm thuốc để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau, trong đó có chứng thấp khớp do phong nhiệt và thấp nhiệt, chứng bệnh tương ứng với một số bệnh lý của y học hiện đại. chữa mụn lở ở da mặt, có thể dùng ốc sên giã nát, chế thêm chút nước, phết lên giấy, chừa một lỗ nhỏ ở giữa, đắp lên tổn thương.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học hiện đại nào chứng minh tác dụng của ốc sên chữa bệnh xương khớp, cũng như làm tăng chất nhờn ở khớp. Sử dụng ốc sên chữa bệnh từ kinh nghiệm dân gian và để bồi dưỡng. Nhiều người mắc bệnh khớp ăn ốc sên đã có những cải biến rõ rêt. 

Tiến sĩ Lâm cho biết, ôc sên bổ dưỡng nhưng ốc sên có thể nhiễm ấu trùng và lây sang người. Vì vậy, đã từng có trường hợp bệnh nhân vị hôn mê, bại não, liệt giường, thậm chí có người tử vong do viêm màng não khi ăn gỏi ốc sên nhiễm loại ký sinh trùng này. 

Vì vậy, Tiến sĩ Lâm đưa ra lời khuyên là tuyệt đối chỉ ăn ốc sên đã được làm sạch, nấu chín kỹ. Không ăn các món ốc sống, chín tái. Món ốc lùi cũng không an toàn vì thịt ốc chưa chín đúng mức. Ngâm ốc sên quan đêm trong nước gạo để ốc nhả bớt nhớt độc. Ngoài ra, người dân không nên tự ý dùng ốc sên để chữa bệnh theo bất kì hình thức nào. 

Bất kì loại thực phẩm nào được dùng như thuốc chữa bệnh cũng phải hỏi qua ý kiến của bác sĩ để biết dùng thế nào mới đúng và có lợi nhất cho sức khỏe.



Phụ nữ không có kỳ nghỉ hàng năm sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với chị em thường xuyên đi du lịch.
Hại thân vì thiếu hiểu biết trong việc chọn thực phẩm bồi bổ sức khỏe 2
Chia sẻ