Nghi vấn mua bán trái phép nhà ở xã hội tại Hà Nội: Không sở hữu căn hộ vẫn vào BQT, người khó khăn thực sự lại chỉ "có nhà trong mơ"
Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm bị người mua nhà đòi quỹ bảo trì, trả lại vườn hoa. Mới đây lại hé lộ việc mua bán nhà trái phép khi bầu bổ sung thành viên Ban quản trị tòa Trung, thiếu sự công bằng đối với những tiêu chí xét duyệt sở hữu căn hộ.
Thành viên ban quản trị không phải là người được mua căn hộ
Trao đổi với chúng tôi vừa qua, ông Nguyễn Văn Long – Trưởng Ban quản trị tòa Trung xác nhận, hiện nay Ban quản trị đã hoàn thành bổ sung thành viên ban quản trị. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho rằng, thành viên mới bổ sung này không thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo đúng tiêu chí nên đã lộ rõ việc mua bán nhà trái phép, gây mất bình đẳng, thiếu công bằng đối với nhiều người thực sự mất đi cơ hội có chỗ ở.
Tòa Trung thuộc Rice City Linh Đàm bầu BQT lộ ra hiện tượng mua bán nhà trái phép
Ông Long cho biết, hiện tại các thành viên trong ban quản trị vẫn hoạt động tốt, đoàn kết, không có vấn đề gì mâu thuẫn nội bộ.
Theo đó, tháng 8/2020, Ban quản trị tòa Trung được thành lập gồm 5 người là: Ông Nguyễn Văn Long (Trưởng ban), ông Nguyễn Văn Nam, ông Tạ Văn Hảo – đại diện chủ đầu tư (Phó ban), ông Nguyễn Trung Dũng và bà Trần Thanh Lý (thành viên).
Tháng 6/2021, ông Lê Quang Huy được chủ đầu tư đề xuất thay ông Tạ Văn Hảo, đại diện chủ đầu tư làm Phó Ban quản trị. Đến tháng 7/2021, ông Vũ Ngọc Nam và bà Triệu Thúy Hiền được đề cử vào Ban quản trị thay ông Nguyễn Trung Dũng và bà Trần Thanh Lý (xin rút vì các lý do cá nhân).
Theo biên bản họp Ban quản trị và kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến cư dân, ngày 27/7/2021, UBND phường Hoàng Liệt quyết định công nhận ông Vũ Ngọc Nam là đại diện chủ sở hữu căn hộ 15A06-A2 tòa Trung nhà chung cư Rice City Linh Đàm được bổ sung vào Ban quản trị.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu tại Sở Xây dựng Hà Nội, người đứng tên chủ sở hữu căn hộ 15A06, tòa nhà A1.A2 (Tòa nhà Trung - Rice City Linh Đàm) là của bà Nguyễn Thị Thu H và ông Phạm Tuấn D.
Về vấn đề này, ông Long xác nhận ông Nam không phải người đứng tên căn hộ 15A06-A2 nhưng là người sử dụng, ăn ở thường xuyên tại đây và có giấy ủy quyền của chủ sở hữu căn hộ.
Theo ông Long, người được mua căn hộ 15A06-A2 thực sự là gia đình bà H và ông D, tuy nhiên ông Nam đủ điều kiện tham gia ban quản trị, bởi vì có giấy ủy quyền mua nhà, là người sinh sống và ở căn hộ trên, không sai với quy chế.
Chia sẻ thêm về việc thành viên mới của ban quản trị mua nhà không đúng tiêu chí, ông Long không bình luận gì thêm nhưng cho rằng, không phải đây là trường hợp ngoại lệ mà tại dự án nhà ở Rice City còn có đại gia cũng sở hữu đến 2 căn.
Cụ thể, từ năm 2017, báo chí đã phản ánh và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra về trường hợp người đàn ông tên K đang ở nhà biệt thự, ông K có con gái nổi danh là một nữ đại gia nhưng vẫn sở hữu 2 căn hộ tại tòa Bắc và tòa Nam (Chung cư Rice City Linh Đàm), khiến dư luận quan tâm.
Băng rôn đỏ rực tòa nhà đòi quỹ bảo trì, Bộ Xây dựng vào cuộc
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ nhiều nhăm nay người dân đã rất bức xúc đòi quyền lợi liên quan đến quỹ bảo trì, yêu cầu chủ đầu tư trả lại phần diện tích sân vườn. Cùng với những nội dung trên vẫn đang được treo đỏ rực trên các bức tường.
Liên quan đến các vấn đề trên, vừa qua Bộ Xây dựng cho biết sẽ thực hiện thanh tra 2 chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, trong đó có thành phố Hà Nội, về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn.
Chuyên đề thứ nhất về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hiện nay, nhiều chung cư trên địa bàn các thành phố lớn xảy ra tình trạng tranh chấp phí bảo trì, quyền quản lý, vận hành quỹ bảo trì. Thậm chí, các bên liên quan đã phải đưa nhau ra tòa khi không có được tiếng nói chung.
Cụ thể, kinh phí bảo trì do người mua nhà chung cư đóng, bằng 2% giá trị hợp đồng mua căn hộ. Chủ đầu tư đứng ra thu kinh phí bảo trì khi làm hợp đồng mua bán và bàn giao lại sau khi chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng và cư dân bầu ra ban quản trị.
Mâu thuẫn chủ yếu là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư cố tình "ôm quỹ" không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì chiếm khoảng 36%, đứng thứ hai trong tổng số vụ tranh chấp tại các chung cư. Nổi lên là tranh chấp xảy ra giữa cư dân - chủ đầu tư và giữa cư dân - ban quản trị do quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chưa đúng quy định.
Chung cư Rice City Linh Đàm tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, đã bàn giao và cho cư dân vào ở từ tháng 12/2016.
Nhưng theo phản ánh của trưởng ban quản trị và nhiều cư dân tại đây thì đến nay chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí bảo trì, trong khi đó, nhiều căn hộ đang bị xuống cấp.
Chuyên đề thứ hai là thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành trên. Đối tượng thanh tra là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội
Căn cứ Điều 49 Luật Nhà ở 2014, các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện theo quy định (điều kiện được trình bày ở mục sau) thì được hưởng chính sách hỗ trợ:
1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn.
3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân.
7. Cán bộ, công chức, viên chức.
8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 Luật Nhà ở 2014 (người trả lại nhà ở công vụ nếu không thuộc diện bị thu hồi nhà ở do có hành vi vi phạm theo quy định và chưa có nhà ở tại nơi sinh sống sau khi trả lại nhà công vụ thì cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng người này có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết cho thuê, cho thuê mua, mua nhà ở xã hội).
9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập.
10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Theo quy định tại Điều 62, Luật Nhà ở năm 2014: Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở. Nếu bên thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội bán, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian thuê, thuê mua hoặc bán lại nhà không đúng quy định thì đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Về trách nhiệm của các cơ quan trong việc để xảy ra tình trạng này, căn cứ theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP), UBND cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.
Như vậy, theo quy định dự án nhà ở xã hội chỉ được mua bán sau 5 năm bàn giao đưa vào sử dụng.
Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm,tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai gồm 3 tòa: Bắc, Trung, Nam, với 736 căn hộ. Năm 2018, dự án nhận được giải thường Nhà ở xã hội tốt nhất do nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao tặng và là niềm tự hào của cư dân tại đây khi được ở tại một chung cư chất lượng cao, giá thành phù hợp, ngay tại trung tâm.