Hà Nội: Đào Nhật Tân nở sớm đắt gấp 3 lần vẫn hút người chơi
Để phục vụ cho khách thích chơi đào dịp Tết Dương lịch sắp tới, nhiều người trồng đào ở Nhật Tân (Hà Nội) đã tìm cách cho đào nở sớm. Giá đào đắt gấp 3 lần bình thường mà vẫn không đủ cung cấp.
Năm nào cũng vậy, ngoài vụ đào chính người Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội) còn cung cấp ra thị trường hàng nghìn cành đào nở sớm dịp Tết Dương Lịch phục vụ thú chơi đào sớm của người Hà Nội.
Các chủ vườn đào đang cắt tỉa, tuốt lá để có đào nở đẹp vào đúng dịp rằm tháng Chạp cung cấp cho thị trường. Ảnh Thế Đại
Năm nay, thời tiết ấm áp và nắng ráo nên nhận định đào sẽ nở rất đẹp, tuy nhiên nhiều người lo ngại hoa sẽ bung cánh trước Tết. Ảnh Thế Đại
Chăm đào sớm tốn nhiều công hơn nhưng nếu thời tiết thuận lợi thì sẽ cho thu nhập cao. Ảnh Thế Đại
Năm nay, thời tiết nắng nhiều nên việc chăm bón, kích thích để cây đào ra hoa sớm khá thuận lợi. Chính vì thế những ngày này tại Nhật Tân không khó để bắt gặp những gốc đào bắt đầu bung hoa khoe sắc giữa nắng đông.
Nếu như một cành đào chính vụ dịp Tết cổ truyền đẹp có giá chỉ từ 200-300 nghìn đồng, đường kính vòm khoảng 60 cm thì với đào nở sớm giá "không mặc cả" là 500 - 600 nghìn đồng. Thậm chí những gốc đẹp, có thế khá cũng ngót triệu đồng, đắt gấp 2-3 lần so với giá dịp Tết Nguyên đán.
Dọc khu Nhật Tân, nhiều gốc đào đã được bày bán có giá thấp nhất từ 150.000 đồng/cành (Ảnh Thế Đại)
Thậm chí, như dịp Tết Dương lịch năm ngoái, một cành đào bé, đường kính vòm chỉ 30 cm giá cũng đã lên đến gần 300 nghìn đồng. Một số cành đào nhỏ, đường kính vòm chỉ 20 cm giá cũng từ 150.000 đồng, nếu chính vụ những cành đào bé này giá chỉ vài chục nghìn đồng, thậm chí người nông dân gom lại bán theo bó từ 15 - 30.000 đồng/bó.
Đào sớm mang lại kinh tế cao nhưng cũng khiến người nông dân dày công chăm sóc, đặc biệt phải canh thời tiết, nước, phân bón, chất kích thích tốn nhiều công hơn đào chính vụ.
Bác Nguyễn Thị Nhài, một người nông dân trông đào tại Nhật Tân cho biết: "Gia đình tôi có khoảng hơn 100 gốc đào sớm, dự tính khoảng 10-15 ngày nữa là cho thu hoạch. Trồng đào sớm tốn công, tốn sức nhưng bù lại giá cao nên chúng tôi "tăng gia" thêm. Nhưng cũng "ăn may'. Thời tiết thuận lợi thì được thêm, còn giá rét thì đành chờ tới dịp Tết Nguyên đán mới có tiền".
Anh Nguyễn Văn Hùng, người có cả trăm gốc đào cổ thụ, được nhiều gọi là "đại gia" đào ở Nhật Tân chia sẻ: "Mấy năm trở lại đây, người Hà Nội có thú chơi đào sớm. Khách hàng của tôi nói rằng, sau dịp lễ Giáng sinh là họ muốn có đào trưng tại nhà hay cơ quan. Sắc đào hồng may mắn, lúc đó nhân viên còn chưa quá bận bịu với Tết hay lòng người cũng thư thái hơn nên có thời gian ngắm nghía, thưởng thức".
Hơn thế, năm nay, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau, nên tâm lý của nhiều người muốn được thưởng thức đào sớm hơn. Ngay từ dịp Rằm tháng 11, trên nhiều con đường đã xuất hiện những cành đào e ấp nụ hoa.
Theo một số người dân, đào phai được nhập từ Tây Bắc về trồng và chủ yếu lấy cành bán.