Góc khuất đằng sau phim học đường lung linh màn ảnh Hàn: Bị bạn học bắt nạt đến diện mạo biến dạng, phải tự tử để giải thoát
Sự phát triển của đất nước chính là nguyên nhân chính khiến nạn bạo lực học đường ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc.
Nếu là "mọt" phim Hàn, chắc hẳn không ai xa lạ với những thước phim diễm tình, đậm màu hồng trên màn ảnh nhỏ xứ kim chi. Boys over flowers và The heirs là 2 đại diện của tác phẩm Hàn Quốc đáng nhớ nhất trong khoảng gần 2 thập kỷ trở lại đây. Không chỉ xoay quanh cuộc sống vương giả của những cậu ấm cô chiêu mà 2 bộ phim này có cùng điểm chung là phản ánh nạn bạo lực học đường, vấn đề vốn vẫn luôn gây nhức nhối ở xã hội Hàn Quốc.
Boys over flowers và The heirs gây choáng ngợp với lối sống sang chảnh của giới nhà giàu, nhưng cũng không quên khắc họa những mảng tối ở nhà trường là nạn bắt nạt lẫn nhau giữa các học sinh. Nạn nhân thường là những người thân cô thế cô, không có khả năng chống trả còn kẻ bắt nạt luôn đi theo một nhóm, lấy số lượng để uy hiếp đối phương.
Trong Boys over flowers, cô nàng Geum Jan Di đã phải gánh chịu những trò đùa ác độc của bạn bè như ném bột mì, trứng gà... ngay từ ngày đầu tiên đến trường. Và nếu như cô sau này không trở thành người yêu của Goo Jun Pyo, thủ lĩnh F4, thì có lẽ vẫn sẽ phải cắn răng cam chịu bị bắt nạt. Tương tự như The heirs, Choi Young Do là học sinh cá biệt, có cho mình một băng đảng đàn em sẵn sàng hỗ trợ anh bắt nạt bạn học.
Ai cũng biết phim ảnh thường dựa trên thực tế nhưng đôi khi vì được tô vẽ quá kỹ càng nên khiến sự thật bị biến tướng. Bằng chứng là nạn bạo lực học đường ở Hàn Quốc ngoài đời thực còn kinh khủng hơn rất nhiều lần, nó góp phần làm tăng tỷ lệ tự tử tại nước này vì nạn nhân không còn chịu nổi những trò bắt nạt nữa.
Theo khảo sát của Văn phòng giáo dục thành phố Seoul đối với hơn 700 nghìn học sinh từ tiểu học đến cấp 3, công bố trên Korea Herald vào tháng 8 năm ngoái, số lượng học sinh thừa nhận từng bị bắt nạt đã tăng 25,4% so với năm 2017. Trong đó, bắt nạt bằng miệng chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là tấn công bạo lực theo dõi và lăng mạ trên mạng. Thông thường những vụ bắt nạt xảy ra vào giờ nghỉ giải lao, sau giờ tan học, trong giờ nghỉ trưa hoặc thậm chí là ngay tại lớp học.
Năm 2011, nam sinh Park Han Wool, 17 tuổi, là nạn nhân bị bắt nạt trong suốt 6 năm. Theo đó, cậu bị các bạn cùng lớp cô lập, bị đánh trong chuyến đi dã ngoại và bị nhốt trong phòng học. Khi đó, Park Han Wool có nói với bố mẹ nhưng chẳng ai chịu tin cậu vì chỉ đơn giản cho rằng đó là chuyện bình thường giữa bạn bè với nhau.
Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn ngày qua ngày đến khi Park Han Wool không còn chịu nổi nữa đã quyết định nhảy lầu tự vẫn trước mặt giáo viên chủ nhiệm. May mắn là sau đó, cậu được cảnh sát thuyết phục và từ bỏ ý định tự kết liễu đời mình. Sau đó, Park Han Wool trở thành thành viên tích cực trong hoạt động giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự.
Năm 2015, xã hội Hàn Quốc một lần nữa xôn xao trước thông tin một học viên bị một nghiên cứu sinh bị quát mắng thậm tệ chỉ vì ngủ gật trong quá trình học việc. Trong thời gian 3 năm học đại học, người này cũng bị đàn anh khóa trên ép uống nước bồn cầu và bị hắn dùng gậy bóng chày đánh khiến cơ thể anh đầy vết thương. Sau khi vụ việc được phanh phui, kẻ bắt nạt đã bị cảnh sát bắt giữ nhưng thương tổn về mặt tinh thần vẫn như bóng ma, không ngừng đeo đuổi nạn nhân.
Tháng 9/2017, một nữ sinh 14 tuổi bị bạn cùng trường đánh đập đến nỗi mặt mũi biến dạng ở Busan trở thành tâm điểm quan tâm của xã hội Hàn Quốc. Sau khi bị cảnh sát triệu tập điều tra, nhóm côn đồ thừa nhận hành vi bạo lực của mình và nguyên nhân khiến họ hành xử như vậy chỉ đơn giản là "không thích cách nói chuyện và thái độ của bạn ấy".
Trước một loạt những vụ việc liên quan đến nạn bạo lực học đường trên, nguyên thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik đã phải lên tiếng xin lỗi người dân nước này đồng thời hứa hẹn sẽ tổ chức hệ thống cảnh báo để ngăn chặn các băng nhóm học sinh quấy rối trong nhà trường. Ngoài ra, cảnh sát cũng phải vào cuộc giúp đỡ, như tăng cường điều tra để ngăn chặn bạo lực và hỗ trợ nạn nhân kịp thời. Bộ giáo dục Hàn cũng tổ chức chương trình tư vấn tâm lý cho nạn nhân và huấn luyện cho giáo viên, phụ huynh để họ có thể đưa ra hướng giải quyết hiệu quả cho vấn nạn này cũng như có thể tăng cường sự bảo vệ con em hơn.
Dù chính phủ vẫn đang nỗ lực hết sức mình nhưng nạn bạo lực học đường vẫn không ngừng tăng cao. Gần đây nhất là vào tháng 5/2019, dư luận Hàn Quốc rúng động trước tin nam sinh 14 tuổi bị 4 người bạn học bắt nạt đến nỗi phải nhảy lầu tự tử ngay tại chung cư nhà riêng. Nguyên nhân khiến em bị các bạn đồng trang lứa không ưa vì mang trong người 2 dòng máu Hàn - Nga. 4 kẻ thủ ác bị bắt ngay sau đó nhưng chỉ nhận về mức án khá nhẹ nhàng, cao nhất 7 năm tù giam. Điều này càng khiến dư luận bức xúc nhưng tòa án vẫn nhất quyết với phán quyết của mình.
Theo Tiến sĩ Bae Joo-mi, một chuyên gia tại Viện Tư vấn Thanh niên Hàn Quốc, 1 trong những nguyên nhân khiến nạn bạo lực học đường tăng cao là do xã hội nơi đây đang phát triển theo chiều hướng cực kỳ cạnh tranh. Điều này khiến các em học sinh xem những người xung quanh là đối thủ, thay vì bạn bè thân thiết.
Trong môi trường học tập, các em buộc phải nỗ lực để chứng tỏ bản thân và thường hay tỏ ra tự mãn trước những bạn có thành tích không tốt. Trong khi đó, phụ nữ chỉ mong cầm trên tay bảng thành tích của con mà chẳng hề quan tâm đến việc xây dựng tính cách và quan điểm của chúng.
Giữa lúc chính phủ cố gắng đưa ra phương án giải quyết thì giáo viên và phụ huynh lại cố gắng bao che những vụ bắt nạt, một tay giúp kẻ bắt nạt chạy tội. Tiến sĩ Bae cho rằng người lớn có nhiệm vụ tạo ra môi trường học tập tốt hơn, trang bị tâm lý cũng như hướng giải quyết mỗi khi rơi vào tình huống ấy đối với những đứa trẻ. Tuy nhiên, việc giúp cho các em nhận biết tình hình của bản thân không hề dễ dàng và một khi dồn đến đường cùng thì chắc chắn chúng sẽ nghĩ quẩn. Các chuyên gia tâm lý cũng bày tỏ hy vọng mong muốn chính phủ giúp đỡ một tay, trừng trị kẻ bắt nạt thật nặng đồng thời bảo vệ nạn nhân thật tốt.
(Nguồn: CNN, Korea Herald)