Giới trẻ Hàn Quốc quyết tâm nghỉ hưu sớm trước 40 tuổi vì quá căng thẳng

L.T,
Chia sẻ

Nghỉ hưu sớm đang trở thành trào lưu nở rộ trong giới trẻ Hàn Quốc.

Được sống theo ý mình là điều ai cũng mong muốn, chính vì vậy mà anh chàng Kim Min-jae đã từ bỏ công việc mơ ước tại một trong những công ty phát triển trò chơi điện tử lớn nhất Hàn Quốc để được thỏa ước nguyện tự do.

Kim và bạn gái hiện đang tận hưởng những chuyến du lịch, tập yoga thư giãn, nâng cao sức khỏe, đi dạo buổi tối. Họ gạt hẳn công việc sang một bên và không còn nghĩ đến chuyện kiếm tiền nữa.

Quyết tâm nghỉ hưu sớm trước 40 tuổi vì căng thẳng quá, giới trẻ Hàn Quốc "thắt lưng buộc bụng" thực hiện bằng được mục tiêu - Ảnh 1.

Anh chàng Kim Min-jae đã từ bỏ công việc mơ ước tại một trong những công ty phát triển trò chơi điện tử lớn nhất Hàn Quốc để được thỏa ước nguyện tự do.

Anh chàng 35 tuổi này chỉ là một trong số khá nhiều thành viên của một nhóm theo đuổi lối sống FIRE - Financial Independence, Retire Early (Tạm dịch: Độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm). Xu hướng này đang thịnh hành không chỉ ở riêng Hàn Quốc mà còn nở rộ tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. FIRE lần đầu được phổ biến bởi tựa sách Your Money or Your Life (1992).

Những người theo đuổi FIRE thường hướng tới cuộc sống thanh đạm và tiết kiệm tối đa để có thể bỏ việc trước tuổi nghỉ hưu thông thường. Sau đó, họ dành phần còn lại của cuộc đời để sống tự do tự tại bằng số tiền đã tiết kiệm được.

Dè sẻn để được nghỉ hưu sớm

Kim sở hữu khối tài sản ròng khoảng 1,8 tỷ won (tương đương hơn 33 tỷ VNĐ). Đó là số tiền mà anh tích cóp được bằng cách tiết kiệm tối đa lương hàng tháng trong suốt những năm tháng thanh xuân. Ước tính anh tiết kiệm khoảng 90% khoản lương mỗi tháng.

Anh chàng này nói rằng anh đã đạt được mục tiêu với số tiền tiết kiệm khổng lồ bằng cách chỉ ăn cơm trong căng tin của công ty, tránh chi tiêu cho những thứ "xa xỉ" như quần áo hàng hiệu và cà phê đắt tiền, sử dụng thẻ tín dụng của công ty bất cứ khi nào có thể. Để rồi, số tiền chi tiêu hàng tháng của anh chỉ rơi vào khoảng 200 USD (tương đương khoảng 4,6 triệu đồng).

Quyết tâm nghỉ hưu sớm trước 40 tuổi vì căng thẳng quá, giới trẻ Hàn Quốc "thắt lưng buộc bụng" thực hiện bằng được mục tiêu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

"Tôi có những đồng nghiệp tuyệt vời ở công ty mà tôi từng mơ ước được vào làm. Tuy nhiên, tôi không thể kiểm soát khối lượng công việc và không có gì đảm bảo rằng mọi thứ sẽ tốt hơn trong tương lai", Kim nói. Anh đã làm việc với tư cách là nhà phát triển trò chơi trong 11 năm.

Trong suốt 5 năm, anh đã suy đi tính lại đến chuyện nghỉ hưu sớm. Cuối cùng, bạn gái là người đã thuyết phục Kim đưa ra quyết định cuối cùng. Bản thân cô gái ấy cũng đã từ bỏ công việc trong lĩnh vực sáng tạo trò chơi vào tháng 11 năm 2021.

"Tôi đã rất lo lắng trong 3 tháng đầu tiên sau khi nghỉ việc vì cảm thấy không quen", Kim nói. "Trong khi đó, bạn gái tôi lại khá thư giãn sau khi bỏ việc".

Cặp đôi hiện chi khoảng 2 triệu won cho chi phí sinh hoạt và không có kế hoạch kết hôn cho đến khi ít nhất 55 tuổi. Đó là độ tuổi họ có thể vay tiền bằng cách thế chấp nhà ở. Đó là chính sách do chính phủ tài trợ.

"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tiêu hết số tiền tiết kiệm được trước khi chết", Kim nói. "Chúng tôi đã quyết định không có con chung".

Nghỉ hưu sớm vì căng thẳng quá!

Ở phương Tây, những người theo đuổi lối sống FIRE thường có xu hướng là những người có tài sản tích cóp nhiều như Kim. Tuy nhiên, ở xứ kim chi, nhiều người thuộc nhóm FIRE là "những người lao động thường xuyên không hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hoặc thậm chí là những người trẻ thất nghiệp". Đó là nhận định của cựu nhà báo tài chính Shin Hee-eun.

Năm 2021, một cuộc khảo sát với 707 người lao động của trang web việc làm Hàn Quốc Incruit cho thấy mức lương trung bình hàng tháng của những người theo FIRE là 2,67 triệu won (gần 50 triệu VNĐ). Hơn 1/4 số những người được khảo sát xác định sẽ nghỉ hưu sớm và cho biết họ có kế hoạch tiết kiệm khoảng 40% chi khoản lương mỗi tháng.

Cựu nhà báo Shin cho biết phong trào này bắt đầu "bén rễ" ở Hàn Quốc vào năm 2017, khi các chiến lược đầu tư chủ động và bitcoin trở nên "rôm rả" hơn bao giờ hết. Ngược lại, ở phương Tây, phong trào này bắt đầu có được sức hút sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

"Không có một con số cụ thể về lượng người theo đuổi phong trào FIRE ở Hàn Quốc, nhưng một số cộng đồng FIRE trực tuyến có hàng chục nghìn thành viên", Shin nói.

Quyết tâm nghỉ hưu sớm trước 40 tuổi vì căng thẳng quá, giới trẻ Hàn Quốc "thắt lưng buộc bụng" thực hiện bằng được mục tiêu - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Lee Taek-gwang, một nhà bình luận văn hóa và là giáo sư tại Đại học Kyung Hee của Hàn Quốc, cho biết: "Việc chịu đựng sự quấy rối tại nơi làm việc và làm việc quá sức đã khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc muốn tìm kiếm tự do tài chính trước tuổi nghỉ hưu thông thường".

Ông nói: "Sự trỗi dậy phong trào FIRE ở Hàn Quốc là kết quả của sự xung đột giữa các giá trị, giữa nơi làm việc và văn hóa tổ chức cứng nhắc, cả những gì người trẻ thực sự muốn. Cũng như các nước châu Á khác, Hàn Quốc có khoảng cách về lương khá lớn. Những người mới được tuyển dụng tại các tập đoàn lớn có thể kiếm hơn 100 triệu won/năm (tương đương 1,8 tỷ VNĐ). Trong khi các nhân viên giao hàng và những người lao động phổ thông khác thậm chí không có đủ khả năng trả tiền thuê nhà". Con số thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc năm 2021 là 37,44 triệu won.

Quyết tâm nghỉ hưu sớm trước 40 tuổi vì căng thẳng quá, giới trẻ Hàn Quốc "thắt lưng buộc bụng" thực hiện bằng được mục tiêu - Ảnh 5.

Jeong Hyo-won (phải) là người sáng lập ra Linchpin.

Không hài lòng với công việc là nguyên nhân khiến Jeong Hyo-won theo đuổi lối sống FIRE. Cô bỏ công việc tại một công ty nghiên cứu vào năm 2018 để thành lập Linchpin - một nhóm thanh niên tổ chức các câu lạc bộ sách hàng tuần về đầu tư và đạt được sự độc lập về tài chính. Linchpin hiện có khoảng 400 thành viên trên khắp Hàn Quốc.

"Tôi cứ thích đọc sách trong bữa trưa, các đồng nghiệp đã rất tò mò tại sao tôi lại làm vậy", cô nhớ lại. 

"Tôi cảm thấy rằng chính nơi tôi làm việc đang kéo tôi xuống và không có bất kỳ động lực gì. Tôi cần phải tìm một cách khác. Những người trẻ đang thay đổi cách họ muốn sống", Jeong nói.

Jeong cho biết cô tin tưởng rằng phong trào FIRE ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục thu hút thành viên mới. 

Tuy nhiên, ông Lee lại chỉ ra rằng "mục tiêu tích cóp để có tài chính vững vàng sẽ khó được thực hiện" trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát cao trong nước và khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.

Kim và bạn gái của anh không hề lo lắng. Ngoài số tiền tiết kiệm, cặp đôi không có khoản nợ nào và tự tin vào khoản đầu tư chủ yếu tập trung vào bất động sản.

"Phong trào FIRE không chỉ là rời bỏ công việc, mà còn là trao quyền kiểm soát cuộc sống vào tay bạn. Bạn cần học cách quản lý tài chính, cân bằng cuộc sống của chính mình", anh nói.

Nguồn: SCMP

Chia sẻ