Giáo viên mầm non xinh đẹp và chuyện nghề đằng sau chiếc camera vô cảm
"Bọn mình cứ ví von với nhau là được cái mác giáo viên mầm non thôi chứ thực tế không khác gì ôsin cao cấp, vì công việc ở trường mẫu giáo không hề đơn giản..."
Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1991) hiện đang là giáo viên mầm
non tại một trường tư khá nổi tiếng và uy tín tại Sóc Sơn, Hà Nội. Gắn bó 3 năm
với công việc chăm sóc dạy dỗ trẻ nhỏ, Hồng Nhung luôn coi trường lớp là mái
nhà thứ 2 của mình. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, thụ động, thiếu tự tin, Hồng
Nhung ngày càng yêu thích công việc của mình, nó làm thay đổi cả cuộc sống lẫn suy
nghĩ của Nhung, đem lại cho cô nhiều trải nghiệm thú vị mỗi ngày lên lớp.
Thực tế phũ phàng và
hành trình tìm lại lòng tin yêu với nghề gõ đầu trẻ
Nhiều năm trước, khi đang băn khoăn trước lối rẽ quan trọng của cuộc đời lúc 17 tuổi, Hồng Nhung không biết mình nên học ngành gì, làm nghề gì. Nhà có tận 5 chị em gái, các chị lớn mỗi người một nghề, chị cả dạy mầm non, chị hai làm báo…Nhung thích học phiên dịch, ngoại giao hơn, nhưng vẫn đăng ký thi Cao đẳng Sư phạm trung ương, chỉ nghĩ là thi chơi. Người tính không bằng trời tính, Nhung trượt Đại học, cuối cùng nghe lời mọi người trong nhà đi học mầm non, vì tính chất công việc hợp với chị.
“Mọi người nói tương
lai hoa mỹ lắm nên mình nghe theo, quyết định đi học. Nhưng rốt cục mọi việc
không như tưởng tượng, càng không giống những gì mình được nghe. Đi học thì vất
vả, lúc thực tập thì…không khác gì đồng nát. Lại còn vỡ mộng hoàn toàn, đến 90%
bạn cùng lớp lúc ấy muốn bỏ học.
Bọn mình cứ ví von với nhau là được cái mác giáo viên mầm non thôi chứ thực tế không khác gì ôsin cao cấp, vì công việc ở trường mẫu giáo không hề đơn giản. Ngày trước mình ngây thơ lắm, chẳng nghĩ ngợi gì, bụng bảo làm giáo viên thì chắc chỉ có dạy thôi, không ngờ là ngoài dạy múa hát vẽ, còn phải vệ sinh cho các cháu, làm đồ chơi, bón cho ăn, ru cho ngủ, mà một lớp thì có ít bé đâu.
Các bé nghịch ngợm quấy phá, mỗi đứa 1 tính. Chán nản cực độ là chuyện quá thường xuyên, ban đầu mình thấy suy sụp tinh thần và thể lực vô cùng, nhưng vẫn cố gắng chịu đựng, kiềm chế. Mấy lần quyết tâm bỏ nghề rồi, mình lúc ấy ít kinh nghiệm nên cảm thấy bất lực lắm. Nhưng đến giờ thì đỡ hơn nhiều. Và mình thấy môi trường ở trường công lập lúc thực tập rất khác so với trường tư hay mầm non quốc tế”.
Hồng Nhung đã trải qua những ngày tháng làm quen với vai trò giáo viên mầm non khá vất vả và “ngoài sức tưởng tượng”. Nhà có chị cả dạy mầm non trước mấy năm rồi, nhưng đến lượt mình “nếm trải”, Nhung mới thấy thực tế “nghiệt ngã” thế nào. Ấy thế mà câu “nghề chọn người” có vẻ đúng, sau một thời gian chính thức trở thành cô nuôi dạy trẻ, Nhung dần thay đổi cảm nhận và lòng tin với công việc của mình.
“Càng hiểu về trường
và phương pháp dạy học tiên tiến mà trường đang áp dụng, mình càng yêu nghề
hơn. Chưa lập gia đình, nhưng mình đã tích luỹ được kha khá hiểu biết cho việc
chăm sóc dạy dỗ trẻ. Muốn quản các cháu tốt, rất đơn giản, không cần áp đặt điều
gì cả, mình chỉ hướng dẫn cho bé và để các bé tự khám phá, khiến các bé ghi nhớ
nhanh hơn, lâu hơn, và luôn nghe theo mình, bởi chúng thích được tự do động chạm,
tìm hiểu tất cả mọi thứ.
Khi mới đi làm, ai hỏi
mình làm nghề gì? Trả lời là giáo viên mầm non mình cứ thấy tủi tủi. Giờ lại
khác, vừa yêu nghề, mình vừa nhận thấy cái duyên với công việc gõ đầu trẻ. Phần
lớn do môi trường làm việc chi phối tư tưởng của mình, 1 lớp chỉ có tối đa 15
bé với 2 cô cùng trông nom. Dạy các bé rất thú vị, nên mình chẳng còn tư tưởng
bỏ nghề nữa”.
Sau nhiều sự cố vỡ mộng, cô giáo 9X dần thay đổi chính mình, nhờ lòng yêu trẻ mà cô ngày càng gắn bỏ, yêu nghề hơn
Nhìn lại chặng đường đã qua, không dài cũng chẳng ngắn, Hồng Nhung thấy mình đối lập với trước đây khá nhiều, cả về tính cách lẫn quan điểm nghề nghiệp. Thay vì ngây thơ, không biết nghĩ sâu xa, luôn nhìn mọi việc dưới con mắt tiêu cực khi bị áp lực, cô giáo Hồng Nhung của hiện tại luôn cho rằng mọi thứ đều ổn và có cách giải quyết nếu như mình kiên trì cố gắng, vì Nhung hiểu, công việc nào cũng có khó khăn và niềm vui khác nhau. Mọi người xung quanh đều cảm mến nhiều hơn với cô giáo trẻ hiền dịu, xinh xắn, chăm trẻ rất khéo và luôn tươi cười như đoá hướng dương, chẳng hề giống "cô nuôi dạy hổ" như thường đùa vui.
Nỗi lòng về cái nghề bị
dư luận hiểu nhầm, soi mói, xì xào
Nhung là một cô giáo trẻ, tuy còn phải học hỏi nhiều nhưng Nhung luôn chăm sóc dạy dỗ các bé bằng tấm lòng yêu thương chân thật. Người thân và bạn bè luôn ủng hộ Nhung trong công việc, khiến cô cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên, phía sau niềm vui hàng ngày tới lớp gặp các em bé dễ thương xinh xắn, là tâm sự thật lòng ít người hiểu được cho cái danh xưng “giáo viên mầm non”. Nhất là việc xã hội lên án nghề của Nhung sau nhiều vụ bạo hành trẻ em tại lớp mẫu giáo, cơ sở tư thục, có trường hợp gây hậu quả tử vong, làm báo chí tốn giấy mực, phụ huynh thì lo nơm nớp, giáo viên thì sợ bị “bắt quả tang” nếu lỡ may có đánh một cái vào mông trẻ. Không phải ai cũng thấm, cũng hiểu công việc vất vả của những cô giáo mầm non, khi luôn bị giám sát bởi camera và luôn nằm trong "tầm ngắm" của nhưng phụ huynh khó tính... Và đằng sau những chiếc camera vô cảm, hình như hình ảnh của giáo viên luôn được mặc định là dữ dằn, ghê gớm, luôn sẵn sàng hành hạ trẻ con.
“Bản thân mình và nhiều
cô giáo đồng nghiệp khác cảm giác bị xúc phạm, tổn thương ghê gớm khi mọi người
cứ vơ đũa cả nắm rằng giáo viên mầm non hay hành hạ trẻ, tính cách dữ dằn. Không
phải cô nào cũng thế, hay trường mẫu giáo nào cũng vậy. Nhưng mình thừa nhận rằng
dư luận lên án, định kiến với giáo viên mầm non là có cơ sở thật, bởi bản thân
mình trong cuộc mình trông thấy tất cả.
Không phải giáo viên nào cũng đánh trẻ, không phải trường mầm non nào cũng đáng lo ngại
Hồi mới đi thực tập, thật sự mình rất choáng vì tận mắt chứng kiến cảnh giáo viên đánh cháu trong giờ ăn. Bé đó ăn rất chậm, sắp hết giờ cơm nhưng đồ ăn còn khá nhiều. Mình và 2 bạn nữa chung nhóm thực tập phải đứng để quan sát bữa trưa của các bé học sinh. Bỗng nhiên một cô quản lớp cầm muôi múc canh gõ ầm xuống bàn của bé ăn chậm rồi quát nhặng lên rất to, khiến bọn mình lẫn cả lớp run bắn người luôn.
Không chỉ dừng
lại ở đó, cô giáo còn xách tai bé ấy lên, kéo vào trong tủ đồ đóng lại, mặc kệ
bé gào khóc, bọn mình thì ở ngoài sợ quá mặt tái xanh tái chín, líu cả lưỡi xin
giúp bé. Cô giáo vẫn cứ quát bắt ăn hết không thì nhốt trong tủ luôn.
Bọn mình lo bé bị ngạt,
ngất xỉu, hoặc hoảng loạn mà bị thương trong tủ kín nên cố gắng can thiệp, mãi
sau cô giáo cũng cho ra, nhưng bắt ăn bằng hết mới thôi. Thương cháu thì nhiều
mà sợ còn nhiều hơn, mình 20 tuổi còn giật bắn người lên chân tay mềm nhũn, nói
gì em nhỏ mới 4-5 tuổi chưa biết gì? Lúc ấy mình không nghĩ là giáo viên một
trường chuẩn quốc gia mà lại có hành vi, thái độ như vậy. Cảm giác đúng như là
côn đồ chứ không phải bảo mẫu nữa”.
Cô giáo trẻ ước mong mọi người có cái nhìn công bằng, khách quan với nghề giáo viên mầm non
Đó chỉ là một trong số những mẩu chuyện có thật mà Hồng Nhung từng mắt thấy tai nghe khi còn là cô “sinh viên mầm non”. Bản thân cô cũng rất ám ảnh, thế nhưng đó chỉ là góc khuất rất nhỏ của nghề Nhung đang làm, thế nên cô và nhiều cô giáo khác luôn đau đáu nỗi lòng mong mọi người đừng nhìn họ bằng ánh mắt nghi ngờ, cảnh giác, hoặc suy nghĩ sai lệch rằng “cô nào cũng dễ đánh trẻ khi trẻ hư”, đánh trẻ là "bệnh nghề nghiệp".
Giáo viên là một nghề cao quý, dạy trẻ mầm non lại càng đáng quý hơn, bởi những em thơ được bố mẹ tin tưởng gửi tới trường lớp là cả thế hệ tương lai của xã hội. Phải có lòng yêu trẻ, sự nhẫn nại, tâm lý tốt thì mới có thể đảm nhiệm vai trò của một giáo viên mầm non. Mỗi bé đều giống như con đẻ của mình, các cô nâng niu không hết, sao nỡ làm các bé bị đau?
Cô giáo 9X xinh đẹp cũng chia sẻ rằng nhiều người vẫn luôn hiểu nhầm tính chất công việc của Nhung và đồng nghiệp, cho rằng lứa tuổi như các bé chưa cần dạy dỗ gì nhiều, vẫn phải đối xử nhẹ nhàng, để các bé tự nhiên phát triển, vui chơi. Đó là suy nghĩ sai hoàn toàn. Giáo viên mầm non hàng ngày tới lớp không phải chỉ làm mỗi việc đón trẻ từ tay phụ huynh buổi sáng, chiều tối trả về “nguyên tem”, đến bữa cho ăn, giờ trưa bắt đi ngủ. Hồng Nhung cũng phải dạy cả các môn văn học, toán, âm nhạc, tạo hình, thể dục, khoa học tự nhiên, làm quen chữ cái…cho các bé, soạn cả giáo án và đồ dùng thực tế cho học sinh. Đó là những điều mà chiếc camera vô cảm không soi chiếu được, Nhung trăn trở.
Nhung sẽ vẫn tiếp tục dùng trái tim nhiệt huyết, yêu nghề của mình để dạy dỗ, ăn ngủ cùng các em thơ
Nhung làm không phải vì bắt buộc, vì tiền lương hàng tháng được trả cho công việc đó, mà cô làm bằng cả trái tim yêu nghề, bằng sự nâng niu trân trọng với các em bé thông minh xinh xắn. Nhìn ngắm các bé vui chơi là quên hết mệt mỏi, được các bé ôm cổ, thơm má, bi bô nói “yêu cô”, tung tăng chạy nhảy khắp lớp, hoặc vẽ một bức tranh vô cùng “trừu tượng” tặng cô…là những món quà vô giá bù đắp cho sự hi sinh thầm lặng mỗi ngày của các cô giáo mầm non.
Thế nên, cho dù thực tế có nhiều giáo viên mầm non biến chất khiến cha mẹ mất niềm tin, nhưng không vì thế mà phủ nhận vai trò và sự cố gắng của những giáo viên hết lòng vì trẻ nhỏ. Nhung tâm sự, cô hy vọng sẽ gắn bó lâu được với nghề, được "các con" yêu quý, và xã hội có cái nhìn đúng hơn, bớt khắt khe hơn.