Giáo sư ĐH Mỹ nghiên cứu 30 năm tiết lộ: Tài năng không phải yếu tố quyết định, phương pháp đặc biệt này mới giúp trẻ thành công vượt trội
Theo vị giáo sư nổi tiếng, năng khiếu bẩm sinh không phải yếu tố quyết định giúp một người thành công trong lĩnh vực nào đó.
K. Anders Ericsson – nhà tâm lý học người Thụy Điển, học giả, giáo sư tâm lý học nổi tiếng của trường đại học bang Florida, Mỹ đã công bố một nghiên cứu tầm cỡ. Ericson dành 30 năm để nghiên cứu những cá nhân xuất chúng ở mọi lĩnh để tìm ra bí quyết thành công của họ. Ericson rút ra kết luận: Trong mọi trường hợp, tài năng đều không phải yếu tố quyết định. Thành công đến từ cách họ luyện tập.
Không phải cứ dành càng nhiều thời gian luyện tập thì càng tốt. Theo vị giáo sư nổi danh này, mọi người cần phải "luyện tập có chủ đích" – một phương pháp luyện tập có mục tiêu phấn đấu rõ ràng.
Để luyện tập có chủ đích, người thầy cần giúp học trò nâng cao chuyên môn bằng cách liên tục đưa ra những lời nhận xét. Đồng thời học trò cũng cần liên tục tập luyện, thử thách những mục tiêu ngoài vùng an toàn của mình và tự đánh giá năng lực.
Nói cách khác, "luyện tập có chủ đích" được định nghĩa: "Không quan trọng bạn tập luyện bao nhiêu. Quan trọng là bạn tập luyện như thế nào!".
Theo Ericsson, "tập luyện có chủ đích" có thể đem đến thành công vượt trội hơn so với tài năng bẩm sinh. Điều này cũng tương tự với cách dạy con của các "bà mẹ hổ" ở Trung Quốc: Bất kỳ đứa trẻ nào có đủ nỗ lực tập luyện, bỏ thời gian, tiền bạc, công sức thì có thể trở thành nghệ sĩ piano biểu diễn tại các buổi hòa nhạc hoặc vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic.
Việc "tập luyện có chủ đích" từ nhỏ có liên quan mật thiết đến sự ưu tú khi trưởng thành bởi nó sẽ dẫn đến quá trình hình thành vỏ myelin xung quanh tế bào thần kinh ở các vùng não đặc biệt của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Những minh chứng sống về tác dụng của "tập luyện có chủ đích"
Năm 1973, Mozart khi ấy mới 7 tuổi đã có một chuyến du lịch châu Âu và trình diễn khả năng chơi nhạc cụ của mình. Ông lúc đó đã chơi một bài nhạc hoàn hảo và xác định được mọi nốt trên bất kỳ nhạc cụ nào. Người ta tin rằng, đây là tài năng cực kỳ hiếm và chỉ có 1/10.000 người làm được điều này.
Tuy nhiên theo Ericsson, so với những đứa trẻ ngày nay được tập luyện phương pháp piano Suzuki (phương pháp học piano của nhạc sĩ Nhật Bản Shinichi Suzuki) thì Mozart cũng chỉ được coi là trung bình khá.
Hơn 250 năm sau khi Mozart làm kinh ngạc thế giới, nghiên cứu cho thấy khả năng chơi cao độ hoàn hảo đang phổ biến hơn nhiều so với thời trước. Và mọi người hoàn toàn có thể học được kỹ năng này.
Trong một thí nghiệm tại trường âm nhạc ở Tokyo, Nhật Bản, 24 trẻ em từ độ tuổi 2-6 được học cách nhận biết các hợp âm của piano. Những đứa trẻ tham gia 4-5 tiết học ngắn mỗi ngày, mỗi tiết chỉ vài phút cho đến khi có thể đặt tên cho 14 hợp âm. Trong vòng 1 năm rưỡi, cả 24 trẻ đều làm được điều này.
Thiên tài âm nhạc Mozart cũng từng luyện tập có chủ đích. Ông bắt đầu chơi nhạc từ rất sớm và liên tục. Thầy dạy nhạc của Mozart chính là cha ông, người đã tận tâm giúp Mozart cải thiện khả năng của bản thân.
Ericsson cũng đưa thêm một số minh chứng khác cho thấy luyện tập có chủ đích thực sự đem lại thành công lớn. Điển hình như trường hợp của chị em đại kiện tướng cờ vua nhà Polgar hay Steve Faloon – một người từng chỉ nhớ được 7 chữ số nhưng sau khi tập luyện, đã nhớ được đến 82 chữ số. Và còn nhiều trường hợp thành công khác nhờ luyện tập có chủ đích.
Lợi ích của việc luyện tập có chủ đích là không thể phủ nhận. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu của giáo sư Ericsson cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Giáo sư tâm lý học Douglas K. Detterman của Đại học Case Western, Mỹ cho rằng việc thông báo với mọi người họ có thể hoàn thành bất cứ điều gì nhờ tập luyện là không đúng. Trong khi một giáo sư khác cho biết, nghiên cứu của Ericsson có thể khiến nhiều người lãng phí thời gian khi cố gắng đạt chuyên môn cao ở một lĩnh vực họ không thể.
Zach Hambrick, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Michigan, Mỹ đã tìm và phân tích tác dụng của luyện tập có chủ đích trong một số cuộc nghiên cứu. Kết quả là nó có đóng vai trò trong hiệu suất nhưng không quá nhiều như Ericsson nói.
Zach cho rằng, sự hiểu biết rõ ràng về giới hạn khả năng của bản thân sẽ giúp mọi người quyết định sử dụng thời gian và sức lực của mình tốt hơn.