'Giảm sốc' chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường siết chặt đầu vào?

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Mùa tuyển sinh 2022, nhiều trường đại học phía Bắc cho biết sẽ giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết qủa thi tốt nghiệp THPT và coi đó là công cụ sơ tuyển.

Giảm sâu chỉ tiêu tuyển sinh bằng xét kết quả thi tốt nghiệp THPT

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa ra 3 phương án tuyển sinh cho năm 2022 và thay đổi đáng kể về số chỉ tiêu.

Cụ thể, trường này dành 10% - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (năm ngoái, dành 80% - 85% cho phương thức này); 60 - 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

Như vậy, có thể thấy trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã khá “mạnh tay” trong việc giảm sâu chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển truyền thống và bổ sung và triển khai thêm nhiều phương án khác trong tuyển sinh.

Nếu như năm ngoái Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành từ 80% - 85% để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT thì mùa tuyển sinh năm nay trường này dự kiến dành từ 10% - 15% cho phương thức này. Chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức tuyển thẳng và xét tuyển theo đề án riêng của trường.

PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – cho biết: Nhà trường đang đi theo khuyến nghị của Bộ GD&ĐT là các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung.

'Giảm sốc' chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường siết chặt đầu vào? - Ảnh 1.

Nhiều trường coi xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là công cụ sơ tuyển.

“Chúng tôi đã nghiên cứu, nếu coi điểm thi tốt nghiệp THPT làm công cụ để sơ tuyển, sau đó nhà trường tổ chức thêm một kỳ thi nữa để chọn lọc thì sẽ rất vất vả cho trường và thí sinh, phụ huynh. Cách tốt nhất là lập nhóm các trường với nhau để tổ chức thi chung hoặc sử dụng kết quả từ các kỳ thi có uy tín, bảo đảm chất lượng.

Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn phương án, sử dụng phương thức xét tuyển từ kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia và Kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì”, PGS.TS Bùi Đức Triệu chia sẻ.

Ông Triệu phân tích thêm, 2 năm nay, kỳ thì tốt nghiệp THPT không còn là kỳ thi THPT quốc gia nữa. Do đó, mục tiêu để tuyển sinh chỉ là thứ yếu.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hoan nghênh một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá năng lực, tư duy của thí sinh và đây là tín hiệu hiệu tốt.

Tuy nhiên, thực tế không phải trường nào cũng đủ khả năng để tổ chức kỳ thi. Hơn nữa, nếu mỗi trường có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng, học sinh muốn thi 3 trường sẽ phải tham gia 3 đợt thi mất nhiều thời gian, công sức. Do đó, cũng cần đánh giá, nhìn nhận xem trường nào đủ và không đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi.

Sẽ không còn tình trạng 1 thí sinh đỗ nhiều trường

Tuyển sinh năm 2021 tồn tại tình trạng thí sinh ảo, một em đỗ vào nhiều trường đại học khác nhau trong cùng đợt xét tuyển. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), thực tế này làm ảnh hưởng tới cơ hội trúng tuyển của thí sinh khác và gây khó khăn cho công tác dự báo trong tuyển sinh của cơ sở đào tạo...

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ phân tích, nguyên nhân của tình trạng trên là do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với số lượng đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh và gây một số hệ quả không tốt trong dư luận xã hội.

Ngoài ra, các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng chưa có đủ biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Có trường tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo gia tăng. Cũng có trường chưa thực sự tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên và có năng lực nhất.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo khai báo chỉ tiêu tuyển sinh chưa thống nhất giữa các hệ thống, hoặc chưa thực hiện đúng kế hoạch, đủ hết quy trình đối với việc xác định chỉ tiêu. Cũng có trường chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển.

Do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi thí sinh tiến hành nhập học. Một số trường nhập thông tin về điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố…

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ thông tin, năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng; trong đó có dự kiến xây dựng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường đại học thay vì chỉ lọc ảo theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT như trước.

“Như vậy, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ 1 nguyện vọng ở 1 phương thức, không còn tình trạng 1 thí sinh đỗ vào nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như các năm trước”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ chia sẻ.

Chia sẻ