Giải cứu thanh long - làm ngay bánh mì thanh long với công thức cực hot từ cô Ba miền Tây!
Thanh long ruột đỏ ngon ngọt đang được chị em chung tay "giải cứu" - cùng làm ngay bánh mì thanh long nhé!
Bạn đọc thân mến,
Trong những năm qua, chúng ta đã nhiều lần nghe đến chữ "giải cứu" mỗi khi nông sản Việt gặp nạn. Và ngay tại thời điểm đầu năm 2020 này, hai chữ "giải cứu" ấy đã và đang trở nên ý nghĩa, thiết tha hơn bao giờ hết. Để trái thanh long, dưa hấu, tôm hùm tươi ngon... đến với người tiêu dùng Việt thay vì chịu thua và bất lực trước cảnh không xuất khẩu được. Khó khăn là thế, nhưng chắc chắn rồi tất cả sẽ qua. Bởi sự chung tay, đồng lòng từ từng người dân trên khắp cả nước, từ từng hành động như làm bánh mì thanh long, "giải cứu" dưa hấu 8k/kg đi bà con, "giải cứu" tôm hùm không cần lợi nhuận của doanh nghiệp Việt...
Bài viết này xin gửi đến bạn cách làm bánh mì Việt sử dụng trái thanh long ruột đỏ cùng những tâm tình đằng sau món ăn này, cũng là cảm xúc của một người con miền Tây khi chứng kiến trái cây của ba mẹ, của cô bác quanh xóm làng không bán được, mang cho cá ăn không hết hoặc phải bán với giá rất thấp. Một món ăn giản dị và quen thuộc từ trái thanh long Việt nhưng là minh chứng cho điều không bao giờ thay đổi rằng thiên thời có khắc nghiệt và thử thách người nông dân Việt bao nhiêu thì:
"Tôi yêu người Việt Nam này
Cười vui để quên đớn đau
... ngàn nụ hôn trong tim
Dành tặng quê hương Việt Nam"
(Trích lời bài hát Tôi yêu của nhạc sĩ Phương Uyên)
*****
"Ba mẹ mình là nông dân, nhà trồng nhiều trái cây. Mình đã lớn, lập gia đình và làm việc ở xa quê. Tết này về nhà, nhìn ba mẹ mà tội lắm. Bà con trong xóm cũng buồn rầu. 80% trái cây quê mình là xuất sang Trung Quốc. Nhưng năm nay vì virus corona, cửa khẩu Trung Quốc không thể đi hàng nên thương lái xuất khẩu không mua. Trái cây mang cho cá ăn không hết. Ai về Tiền Giang quê mình mùa này sẽ thấy thanh long đỏ rực dọc 2 bên đường quốc lộ huyện Châu Thành, bán với giá 10k 3 kí. Còn nếu đến thu mua tại vườn thì chỉ 500 đồng - 1000 đồng 1 kí. Không bán được, người ta mang đổ đi hàng tấn. Thương lắm!
Mình đọc báo thấy tin tức ông chủ thương hiệu bánh kẹo Á Châu ABC làm bánh mì thanh long giải cứu người nông dân. Mình ủng hộ lắm, rất thích. Giống như sự đồng cảm khi có 1 điều chạm đúng nỗi đau ấy. Mình quyết định lên mạng, vào các hội nhóm nấu ăn tìm công thức làm bánh mì Việt Nam. Trong công thức này có 2 nguyên liệu chính là bột mì và nước. Và mình đã dùng thanh long thay nước, giảm lượng bột mì lại. Cũng như tuỳ vào độ chua ngọt của trái thanh long để cân bằng các nguyên liệu khác như muối, đường, men. 3 ngày mình tập làm bánh mì ở nhà. Dù chỉ là học hỏi theo mọi người nhưng vậy là đã vui lắm.
Mình thay 100% nước bằng thanh long. Bánh có vị ngọt thanh nhẹ, chua chua và thêm chút bùi bùi của hạt thanh long. Màu sắc bánh cũng đẹp. Nếu chỉ ăn không thôi, mình sẽ cho thêm vào nguyên liệu ít sữa đặc để bánh thơm ngọt. Còn nếu ăn kèm với thịt, rau củ thì tăng lượng muối lên chút xíu để bánh đậm đà hơn. Bánh gần giống với bánh mì Việt Nam truyền thống, rất gần gũi".
Có lẽ chính từ sự gần gũi đó, cách làm bánh mì Việt Nam truyền thống mà Phạm Thị Kim Ngân chia sẻ sau khi học hỏi, tìm hiểu thành công đã thu hút số lượng ủng hộ lớn chỉ sau thời gian ngắn đăng tải. Kim Ngân cũng là gương mặt được cộng đồng yêu bếp đặc biệt mến mộ với cái tên giản dị "Bếp nhà cô Ba".
Và dưới đây, mời bạn đến với cách làm chi tiết của món bánh mì Việt Nam truyền thống từ trái thanh long ruột đỏ mà Kim Ngân đã chia sẻ. Mong rằng, từ những món ăn hợp khẩu vị đời thường như thế này, bạn và tất cả chúng ta sẽ có thêm thật nhiều lần "giải cứu" thanh long, dưa hấu, tôm hùm... Từng hành động nhỏ góp lại sẽ là sự chung tay vô cùng ý nghĩa với nông sản Việt thời điểm này.
CÁCH LÀM BÁNH MÌ VIỆT NAM TỪ TRÁI THANH LONG RUỘT ĐỎ TẠI NHÀ
Nguyên liệu
Chú ý: Nguyên liệu và cách làm này cho ra các phần bánh mì nặng 80g.
- 280g bột mì số 13
- 200g thanh long ruột đỏ
- 8g men nở
Chú ý: Dùng men nở (men instant) sẽ không cần kích hoạt trước.
- 10g đường
- 3g muối
- 8g giấm
- 5g dầu ăn
Cách làm
- Trộn các nguyên liệu trên lại với nhau.
- Cho tất cả vào máy nhồi bột chuyên dụng khoảng 10 phút với tốc độ chậm để bột quyện lại. Cho bột nghỉ 5 phút.
- Trộn bột lần 2 với tốc độ nhanh đến khi mặt bột mịn hơn. Bạn thấy bột có thể kéo màng mỏng gần giống như kẹo cao su là đã đạt.
- Chú ý: nếu bạn nhồi bột bằng tay thì sẽ cần thời gian lâu hơn. Miễn kết quả là bột có thể kéo màng mỏng gần giống kẹo cao su là đã đạt.
- Chuẩn bị 1 âu rộng có quét nhẹ 1 lớp dầu ăn để bột không bị dính.
- Đưa khối bột vào âu trên, bọc bằng màng thực phẩm và đem ủ đến khi thấy khối bột nở gấp đôi.
- Lấy khối bột ra bàn/ khay và chia thành 6 phần bằng nhau.
- Với mỗi phần bột, dùng tay nhẹ nhàng dàn mỏng và đều. Sau đó gấp 2 mép và cuộn lại như hình trên. Bạn chú ý ve bột sao cho phần bột ở giữa sẽ to hơn 2 đầu 2 bên. Làm lần lượt cho tới khi hết các phần bột.
- Đặt các phần bột cách xa nhau lên khuôn nướng bánh hoặc giấy nến vì bột sẽ còn nở gấp đôi tiếp.
Chú ý: Bánh được làm chín bằng khay nướng sẽ giòn hơn là sử dụng trên giấy nến.
- Để bột nghỉ đến khi nở gấp đôi, thường là cần khoảng 30 phút- 40 phút (tuỳ theo nhiệt độ môi trường).
- Khi các phần bột nở gấp đôi thì xịt nước lên bề mặt bánh.
- Dùng dao sắc rạch nhẹ bề mặt bánh và đem đi nướng.
- Cách nướng bánh: 5 phút đầu bạn nướng bánh ở mức nhiệt 230 độ C. 5 phút sau đó bạn nướng ở mức 200 độ C. Và 5 phút tiếp với mức 180 độ C. Cuối cùng, để bánh nghỉ thêm trong lò 3 phút sẽ giúp bánh được giòn lâu.
Thành phẩm bánh mì Việt Nam truyền thống từ thanh long ruột đỏ:
Những kinh nghiệm rút ra của Kim Ngân khi làm bánh:
- Điều chỉnh lượng đường, muối tuỳ theo độ chua, ngọt của trái thanh long.
- Mỗi trái thanh long có lượng nước khác nhau nên khi làm, bạn nên điều chỉnh lượng bột tăng giảm theo cho phù hợp.
- Nếu bánh to hơn định lượng 80g thì cần thời gian nướng nhiều hơn.
- Dùng giấy bạc che kín mặt bánh sẽ giúp bánh giữ được màu tươi của thanh long sau khi nướng xong. Còn nếu không che mặt thì bánh sẽ giòn hơn.