Gia tăng ca mắc sởi: Bác sĩ chỉ cách nhận biết và phòng ngừa các biến chứng

Hồng Thu,
Chia sẻ

Theo Bộ Y tế, hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển. Bên cạnh bệnh cúm đang chiếm sự quan tâm của đa số chúng ta, bệnh sởi cũng là một nguy cơ cần cảnh giác cao.

Thông tin từ Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 của Bộ Y tế cho biết hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao...

Triệu chứng nhận biết sớm bệnh sởi

TS.BS. Nguyễn Văn Lâm (BV Nhi Trung ương) cho biết, bằng cách hiểu rõ những triệu chứng bệnh sởi , bạn có thể nhận biết và phát hiện bệnh sởi sớm hơn để có phương pháp điều trị thích hợp. Bệnh thường bắt đầu với sự gia tăng của nhiệt độ cơ thể. Người bệnh sốt cao (39-40°C), đột ngột, liên tục, kéo dài từ 2-7 ngày. Đi kèm với sốt là những dấu hiệu cho thấy bệnh sởi đã tấn công cơ thể con người. Đó là: Ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng; Mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng; Hạt Koplick trong niêm mạc má: màu trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, xuất hiện sau 1-2 ngày sốt; Phát ban ngoài da: Ban dát sẩn màu hồng nhạt xuất hiện từ mặt, lan xuống cổ, ngực, tay chân sau 2-4 ngày sốt, tồn tại từ 6-8 ngày sau bay dần theo thứ tự mọc.

Gia tăng ca mắc sởi: Bác sĩ chỉ cách nhận biết và phòng ngừa các biến chứng - Ảnh 1.

Bệnh sởi lành tính nhưng đáng ngại nhất là các biến chứng.

Một số người nhiễm bệnh sởi có thể bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng… Một số người có thể đau ngực, khó thở, tím tái, suy hô hấp do viêm phổi.

Bệnh sởi lành tính nhưng đáng ngại nhất là các biến chứng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… do đó sởi rất dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư, dễ gây thành dịch.

Sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên người mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này. Có thể nói, tình trạng đáng ngại nhất của căn bệnh sởi là các biến chứng.

Viêm não - màng não - tủy cấp là biến chứng thần kinh, biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, gây tử vong và di chứng cao. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của người bệnh. Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.

Những biến chứng của bệnh sởi ở cơ quan hô hấp cũng thường để lại di chứng nặng nề. Trong đó, viêm phế quản-phổi rất nguy hiểm và thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ. Biến chứng tai - mũi - họng thường gặp là viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai và viêm tai xương chũm. Nguy hiểm nhất là khoảng 1/10 bệnh nhi sởi sẽ bị nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) và có thể gây điếc vĩnh viễn nếu không điều trị đúng và kịp thời.

Viêm loét giác mạc có thể gặp ở trẻ mắc sởi bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể gây mù vĩnh viễn.

Phòng tránh bệnh sởi bùng phát, đáp án nằm ở sự hiểu biết và ý thức của mỗi người

Sởi không chỉ là bệnh của trẻ em, người lớn chưa tiêm phòng vẫn có nguy cơ mắc và lây lan. Tiêm vaccine là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi. Việc tiêm chủng sởi đảm bảo cung cấp kháng thể chống lại virus sởi, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Theo đó, trẻ em cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine (mũi 1 lúc 9 tháng, mũi 2 lúc 18 tháng); Người lớn chưa tiêm đủ cũng cần tiêm vaccine bổ sung theo tư vấn bác sĩ.

Để phòng tránh bệnh sởi, mỗi cá nhân cần lưu ý tiêm vaccine đúng lịch. Bên cạnh đó, cần hình thành và duy trì những thói quen vệ sinh tốt như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Che miệng khi ho/hắt hơi, dùng khăn giấy rồi bỏ vào thùng rác; Tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm sởi, hạn chế đến nơi đông người khi có dịch; Cách ly người bệnh tại nhà hoặc bệnh viện để tránh lây lan.

Chia sẻ