Gầy nhưng vẫn có mỡ thừa càng nguy hiểm: Đây là lý do tại sao bạn nên xử lý ngay bụng mỡ của mình

H Nguyễn,
Chia sẻ

Những người "cơ ít mỡ nhiều" (lean-fat) - có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp nhưng vòng eo lại khá "đồ sộ" - thường phải đối mặt với nguy cơ nhập viện vì suy tim và tử vong cao.

Theo một nghiên cứu trên 6.000 bệnh nhân suy tim ở 11 khu vực thuộc châu Á, những người "cơ ít mỡ nhiều" (lean-fat) - có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp nhưng vòng eo lại khá "đồ sộ" - thường phải đối mặt với nguy cơ nhập viện vì suy tim và tử vong cao hơn so những người được gọi là béo phì.

Những bệnh nhân này cũng có nhiều khả năng là phụ nữ, mắc bệnh tiểu đường và đến từ các quốc gia thu nhập thấp.

Các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu từ các bệnh nhân ở Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông và Đài Loan), Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc để tiến hành nghiên cứu này.

Viết trên tạp chí y khoa PLOS Medicine, nhóm tác giả cho biết, các chính phủ phải xây dựng chính sách quốc gia rõ ràng để ngăn ngừa tình trạng béo bụng và thúc đẩy chỉ số BMI khỏe mạnh thông qua "nhận thức, giáo dục và điều chỉnh lối sống".

Gầy nhưng vẫn có mỡ thừa càng nguy hiểm: Đây là lý do tại sao bạn nên xử lý bụng mỡ của mình - Ảnh 1.

Béo phì đặt ra một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu

Nó ảnh hưởng đến 650 triệu người trên toàn thế giới và số lượng người béo phì tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua - đặc biệt là ở những người trẻ tuổi sống tại các nước thu nhập thấp và trung bình.

Trung Quốc có tỷ lệ người béo phì cao nhất thế giới, với 46% người lớn và 15% trẻ em bị béo phì hoặc thừa cân, theo báo cáo tháng 9 đăng trên tạp chí The Lancet Global Health.

Người châu Á cũng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn chịu các tác động xấu đến sức khỏe do sở hữu điểm BMI thấp hơn trong tương quan với tiêu chuẩn quốc tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị giảm chỉ số BMI xuống mức thấp hơn khi định nghĩa về béo phì ở người châu Á.

Béo phì là yếu tố nguy cơ gây suy tim, nhưng các nghiên cứu phương Tây chỉ ra rằng, những người có chỉ số BMI cao hơn có sức khỏe khả quan hơn.

"Cơ ít mỡ nhiều" - Hiện tượng này được gọi là nghịch lý béo phì

Tuy nhiên, người ta biết rất ít về nghịch lý béo phì ở châu Á, nơi bệnh nhân có nhiều khả năng sở hữu thân hình mảnh dẻ hơn so với bệnh nhân phương Tây, đồng thời có chỉ số BMI thấp hơn - dưới 24,5.

Các nhà nghiên cứu, trong đó có Giáo sư Carolyn Lam của trung tâm y tế National Heart Center Singapore, đã kiểm tra mối liên quan giữa béo phì và tình trạng suy tim ở châu Á.

Gầy nhưng vẫn có mỡ thừa càng nguy hiểm: Đây là lý do tại sao bạn nên xử lý bụng mỡ của mình - Ảnh 3.

Họ nghiên cứu 5.964 bệnh nhân bị suy tim có triệu chứng và xem xét kết quả, bao gồm số lần nhập viện, tỷ lệ tử vong 1 năm sau đó.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, việc có chỉ số BMI tương đối thấp (trọng lượng cơ thể bạn tính bằng kilôgam chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét), nhưng tỷ lệ vòng eo/chiều cao tương đối cao (chu vi vòng eo chia cho chiều cao; lý tưởng là mức từ 0,5 hoặc thấp hơn) liên quan đến các kết cục sức khỏe tồi tệ nhất bất kể loại suy tim là gì.

Nhóm "ít cơ nhiều mỡ" chiếm 14% những người bị suy tim ở châu Á, có nhiều khả năng là phụ nữ (35%), đến từ các quốc gia có thu nhập thấp (48%) chủ yếu ở Nam và Đông Nam Á, có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao nhất (46%).

Những bệnh nhân này cũng có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cao nhất do suy tim - cao hơn nhóm người béo phì với chỉ số BMI cao và tỷ lệ vòng eo / chiều cao thấp.

Theo WHO, bệnh tim gây tử vong cho phụ nữ nhiều gấp 7 lần so với ung thư vú và ít nhất 9/10 phụ nữ có ít nhất một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.

Bệnh tim và đột quỵ chiếm gần một nửa số ca tử vong ở phụ nữ tại Trung Quốc, theo nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Siemens Healthineers Global - bất kể ranh giới về địa lý, giới tính hoặc kinh tế xã hội.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, cần có một cách tiếp cận khác để hiểu và kiểm soát suy tim, thay vì chỉ đơn thuần dựa vào các phép đo BMI.

Chia sẻ