Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa

Huyền Trang - Chí Toàn,
Chia sẻ

50 năm gắn bó với những bông hoa lụa dâng tặng cuộc đời, người phụ nữ Hà thành ấy vẫn trọn vẹn đam mê.

Làm nghề từ thuở mười ba…

Hẹn gặp nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mai Hạnh không dễ, dù cửa hàng hoa lụa của bà ở ngay phố Chả Cá, giữa lòng phố cổ Hà Nội. Nghệ nhân chia sẻ, trừ những khi ra ngoài cắm hoa cho khách hoặc đi dạy nghề, bà thường… “trốn” trên tầng, dành thời gian nghiên cứu các kỹ thuật làm hoa.

Người phụ nữ tài hoa này đã bước đến nửa dốc bên kia của cuộc đời. Hơn nửa thập kỷ yêu và cống hiến cho cái đẹp, dù những dấu vết của thời gian không giấu nổi, nhưng nụ cười đôn hậu, giọng nói dịu dàng vẫn còn tươi tắn, trẻ trung.

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 1
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mai Hạnh.

Bà tự hào chia sẻ: “Mẹ tôi – cố nghệ nhân Đoàn Thị Thái – chính là người truyền đam mê làm hoa lụa cho tôi. Bà cụ được phong danh hiệu ‘nghệ nhân Đông Dương’ – một danh hiệu cao quý thời đó”. Nghệ nhân Mai Hạnh bồi hồi kể lại, hồi bà 13 tuổi, trong một lần đi sơ tán cùng gia đình, bà bị thương ở chân. 6 tháng phải nghỉ học điều trị vết thương, chính những bông hoa lụa của mẹ đã là niềm an ủi, nguồn vui của Mai Hạnh.

Nghệ nhân Đoàn Thị Thái đã dạy không chỉ kỹ thuật làm hoa lụa mà còn truyền tình yêu nghệ thuật và bài học về phong thái của con gái Hà Thành cho cô con gái nhỏ.

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 2
50 năm bén duyên với hoa lụa nghệ thuật, với bà, hoa chính là con người.

Ngay từ những cánh hoa đầu tiên, mẹ đã dạy tôi rất kỹ, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Vừa chỉ kỹ thuật, bà vừa dặn: ‘Mỗi bông hoa con làm ra phải thể hiện tâm hồn của con, tình cảm, phong thái của con trong đó. Đã làm hoa nghệ thuật, con hãy nhớ lúc nào cũng phải giữ khuôn mặt tươi tỉnh, ngay dáng điệu cắm hoa cũng phải thể hiện sự thanh nhã, tâm hồn trong sáng, sao cho người khác nhìn vào con, nhìn vào hoa cũng có thể nhận ra tâm hồn Hà Nội’. Cả đời tôi luôn tâm niệm lời dặn này, và việc tôi làm nghề, giữ nghề cũng như một niềm tri ân gửi tới mẹ…” – nghệ nhân xúc động nói.

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 3
Bàn tay nghệ nhân như múa...

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 4
... tỉ mẩn uốn từng nhánh cành...

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 5
... ve vuốt từng nếp hoa.

Ngắm bàn tay trắng ngần như múa lượn trên từng cánh hoa, uốn từng dáng cành hoa lụa của nghệ nhân Mai Hạnh, ta không chỉ thấy một đôi tay nghệ nhân mà như thấy cả hồn cốt của biết bao loài hoa đã dồn tụ, tỏa hương. 28 tuổi, bà Mai Hạnh đoạt Huy chương Vàng trong cuộc trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc với tác phẩm hoa dâm bụt bằng lụa.

35 tuổi, bà chính thức được phong tặng danh hiệu nghệ nhân và sau này là nghệ nhân ưu tú. Từ khi còn trẻ, bà đã được mời chu du đến Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Mông Cổ… để giới thiệu cũng như giảng dạy cho bạn bè quốc tế cách làm hoa lụa thủ công của Việt Nam.

Đến mỗi nơi, bà lại tìm tòi về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc đó, để ý các loài hoa, phong cách chơi hoa đặc trưng của họ cũng như mang những cánh sen, bông hồng, cúc đại đóa, lay-ơn mang hồn phách Việt Nam tới khách tham quan xứ người.

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 6
Những bông hoa được làm thủ công sống động như thật.

Cười giòn tan, nghệ nhân Mai Hạnh khoe: “Nhớ hồi 1998, khi tham gia triển lãm nghề truyền thống dân gian 12 nước châu Á tại Fukuaka - Nhật Bản, hành trang của tôi chỉ là mớ vải vụn và cây kéo, trong khi nghệ nhân các nước bạn thì đầy đủ các dụng cụ hiện đại. Cả ngày tôi ngồi bó gối trong gian hàng, vừa trình diễn làm hoa, vừa trình diễn cắm hoa mà như người say, gần như không chú ý đến xung quanh.

Bạn biết theo chuẩn mực của Nhật Bản truyền thống, một người phụ nữ mẫu mực phải ngồi bó gối 3 giờ đồng hồ trong bộ kimono, vậy mà tôi ngồi được 12 giờ cơ đấy! Người Nhật rất kỹ tính và tinh tế trong nghệ thuật, vậy mà cuối cùng, tôi đã chinh phục được họ. Tôi còn được Nhật Hoàng tặng bằng khen ngợi nữa”.

Tủm tỉm cười, bà nói thêm: “Lúc ấy tôi ngoài 30, đã có hai con rồi. Ông trưởng đoàn người Nhật quý hóa quá còn trêu: ‘Tiếc quá, nếu chị còn độc thân, chúng tôi nhất quyết bắt cóc chị
”.

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 7
Được mời đến cắm hoa, bà vừa làm vừa giảng giải ý nghĩa từng loài hoa và ý nghĩa tác phẩm cho khán giả.

Hay như lần tôi sang Pháp biểu diễn, một ông thị trưởng đã đến xem hai lần, mua hoa về tặng vợ rồi, hôm sau còn dẫn cả vợ ra để trực tiếp xem tôi làm. Ông ấy bảo: ‘Chỉ cần nhìn chị làm hoa, tôi cũng biết chị là một phụ nữ Hà Nội chính gốc” khiến tôi rất xúc động. Chỉ trong ngày đầu triển lãm, tất cả chỗ hoa tôi mang sang cũng như làm tại chỗ bán hết sạch.

Hôm sau, một số Việt kiều mới biết tin, đến gian hàng của tôi mua hoa. Họ còn nói dỗi rằng tôi không chịu ưu tiên người Việt trước. Có người nhìn thấy những bông sen quê hương đã bật khóc. Thấy tình cảm nồng hậu và sự say đắm của họ với những tác phẩm của mình, tôi không ngần ngại ngồi cả ngày tạo ra những bông hoa
” – bà tiếp lời.
 
Người “cổ hủ” trong thời công nghiệp

Có thể nói, nghệ nhân Mai Hạnh là người rất cổ hủ - một sự cổ hủ đáng yêu. Trong thời công nghệ hiện đại, việc sản xuất ra hàng loạt những bông hoa giống hệt nhau đến từng chi tiết nhỏ, mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ chẳng lấy gì khó khăn, nhưng nghệ nhân Mai Hạnh vẫn tỉ mẩn với bàn tay để sáng tạo những tác phẩm của riêng mình.

Bà tâm sự: “50 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi ngừng sáng tạo và làm hoa theo cách của một người thợ quen tay. Mỗi bông hoa, với tôi, đều phải là một sản phẩm độc bản, kể một câu chuyện riêng, mang tâm hồn riêng. Mặt khác, nghệ thuật là sự tinh xảo, vi tế chứ tuyệt nhiên không phải những thứ sự vĩ đại, hoành tráng. Tôi chẳng ngại cạnh tranh và cũng không lo bị cạnh tranh với hàng công nghiệp. Nói thực, tôi có khách hàng riêng, ngày nào cũng miệt mài làm việc mà còn không đủ hàng để cung cấp cho họ nữa là...

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 8
Nghệ nhân Mai Hạnh là một phụ nữ Hà Thành "cổ hủ"...

Có những loài hoa xưa rất quen thuộc với người Hà Nội, giờ đã “tuyệt chủng” cũng được bà khôi phục từ trong ký ức. Nghệ nhân kể, bà có nhiều tác phẩm mà bản thân gìn giữ như bảo vật, ví dụ như lọ hoa sen chỉ cao 1 cm hay những cụm hoa bưởi nhỏ li ti trắng muốt, bên trong là nhị vàng tươi và có cả mùi thơm thoang thoảng.

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 9
... bà gần như làm thủ công toàn bộ những tác phẩm của mình.

Trầm ngâm chia sẻ về nghề, bà bảo: “Ngày trước, các mẫu hoa ít hơn, nguyên liệu làm hoa lụa cũng không sẵn có, không đa dạng như bây giờ nhưng người xưa chơi hoa lại rất sành, chơi lấy tinh chứ không trọng số lượng hay sự hoành tráng. Đôi khi chỉ cần một nhánh hoa nhỏ là đủ, nhưng nhánh hoa ấy phải được làm kỹ, tinh xảo đến từng chi tiết. Chẳng riêng người làm hoa, người chơi hoa cũng phải là nghệ sỹ, phải có tâm hồn”.

Nghệ nhân tiết lộ thêm: “Hoa lụa là giả, hương thơm phủ lên hoa cũng sẽ chóng phai, nhưng nó còn tiềm ẩn có một thứ hương thơm khác mà chơi tinh sẽ thấy. Hoa lụa khi mới mua về, đẹp thì đẹp thật nhưng nhìn vẫn ra đồ giả, nhưng nếu được ‘ở’ với người chơi vài năm, sắc hoa sẽ thấm đượm hồn chủ nhân và bất chợt tỏa hương”.
 
Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 10
"Tôi không sợ cạnh tranh với hoa giả công nghiệp".

Sự tự tin “không lo bị cạnh tranh” của nghệ nhân Mai Hạnh có lẽ không chỉ bởi danh tiếng và sự mến mộ của người yêu hoa dành cho bà, mà còn bởi những bí quyết nghề nghiệp riêng có. Bà cho hay, để những bông hoa lụa vừa sống động, vừa bền màu, không chỉ dựa vào màu vải, kỹ thuật pha màu, vẽ màu lên vải hay uốn cành, tỉa lá mà còn cần chú trọng vào việc “gò” từng cánh hoa, tạo viền, tạo nếp… tương ứng với từng loại.

Ví dụ, bông cúc đại đoá không chỉ rực rỡ màu của nắng mà còn bởi tỉ lệ xếp cánh giữa những lớp hoa, còn vì độ nở của từng cánh nhỏ: cánh e ấp cuộn vào đài hoa, cánh chúm chím rướn mình khoe sắc, cánh vươn lên, xòe tung kiêu hãnh; hay như sen, chỗ phơn phớt hồng nhạt, chỗ trắng muốt pha chút ửng hồng, chỗ đượm nồng như lửa…

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 11
Để hoa sống động, nghệ nhân không chỉ cần chú ý đến màu sắc, bố cục...

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 12
... tỉ mỉ từng chi tiết mà còn phải nắm được hồn hoa và phả hồn mình vào đó.

Ngoài ra, “cái khác của hoa lụa là được làm thủ công, và đó còn là vẻ đẹp của sự tưởng tượng, của tâm hồn nghệ nhân. Chính trải nghiệm cuộc sống và sự lãng mạn của người làm hoa mới quyết định cái đẹp của hoa lụa. Nó quan trọng hơn vẻ đẹp cân đối về mỹ thuật hay sự giống thật của bông hoa. Nếu người làm hoa không đặt cả tâm hồn mình như tác phẩm, đóa hoa có thể vẫn đẹp nhưng chẳng khác gì một bông hoa nhựa vô hồn được rập khuôn” – nghệ nhân khẳng định – “chính vì thế, giá thành của một bông hoa làm tỉ mẩn bằng tay luôn cao hơn, nhưng cũng xứng đáng hơn”.

Không chỉ ấp ủ tình yêu trong trái tim và chuyển vào tác phẩm, nghệ nhân Mai Hạnh còn truyền ngọn lửa đam mê cho những người yêu hoa lụa nghệ thuật. Cách đây gần 30 năm, bà đã đi dạy nghề ở khắp nơi, tổ chức các lớp học từ thiện cho những trẻ em mồ côi, nhiễm chất độc màu da cam cũng như mở lớp đào tạo thế hệ kế cận.

“Học trò” đặc biệt nhất của bà có lẽ là cô con gái Minh Hằng. Chị đang theo chân mẹ nối tiếp nghề và tình yêu của cả gia đình. Nghệ nhân Mai Hạnh chia sẻ, đã ở cái tuổi nghỉ hưu, bà vẫn miệt mài với việc nghiên cứu và sáng tác, không chỉ để kiếm sống mà còn bởi khát vọng luôn làm mới mình, khát vọng cống hiến cho nghệ thuật cũng như gìn giữ và nhân rộng niềm đam mê hoa lụa.

Gặp gỡ người phụ nữ dành nửa thế kỷ biến vải vụn thành hoa 13
Nghệ nhân Mai Hạnh cùng học trò cắm hoa.

Ngay cả những ngày này, dầu đang ốm, nhưng nể những người yêu hoa, bà vẫn miệt mài sáng tạo. Niềm say mê công việc của bà, có lẽ cũng bắt nguồn từ một niềm riêng sâu kín khác. Sở hữu vẻ đẹp mặn mà và cái duyên của phụ nữ Hà Thành, nhưng trong cuộc sống riêng tư, bà đã nếm trải không ít cay đắng: hôn nhân của bà với cha của những người con thành đạt không suôn sẻ.

Đã nhiều năm, ngoài tình cảm dành cho ba người con và những đứa cháu nội, cháu ngoại, nghệ nhân Mai Hạnh dồn cả tình yêu vào những cánh hoa. Bà lặng lẽ đi về trong căn nhà nhỏ, miệt mài lọ mọ bên ánh đèn đêm, nghiên cứu sách vở, miệt mài sáng tạo và dâng hiến cho đời những mùa hoa…
Chia sẻ