Đông y xem đây là 3 'bảo bối' quan trọng để làm sạch đường ruột, ai cũng có thể thực hiện
Làm sạch đường ruột là việc đơn giản nhưng nhiều người không để ý để thực hiện hàng ngày, để lâu chất cặn bã tích tụ sẽ sinh ra bệnh. Theo Đông y, đây là 3 giải pháp hiệu quả.
Vì sao cần phải loại bỏ "rác" trong đường ruột?
Loại bỏ "rác" trong đường ruột là một khái niệm làm sạch đường ruột đã được mọi người nhắc đến hàng ngày. Theo góc nhìn của Đông y, khi nói đến thanh lọc đường ruột là nói đến việc làm cho chức năng bài tiết và đào thải chất bẩn của đường ruột được hoạt động hiệu quả, thông suốt một cách tự nhiên.
Sách "Hoàng đế nội kinh" nổi tiếng Trung Quốc viết rằng, đại tràng, đường ruột là cơ quan để chuyển hóa thức ăn rồi đào thải nó ra khỏi cơ thể. Đó cũng là khái niệm khái quát chức năng hoạt động hàng ngày của hệ tiêu hóa.
Chức năng chính của đường ruột là hấp thụ thức ăn, chọn lọc và đào thải nước cũng như chất cặn bã dư thừa sau khi hấp thụ những chất dinh dưỡng thiết yếu.
Khi chức năng đường ruột hoạt động thông suốt và hiệu quả, thì cơ thể sẽ hoạt động thuận lợi theo, đường ruột sạch sẽ bao nhiêu thì nguy cơ bệnh tật sẽ hạn chế bấy nhiêu, các hoạt động bài tiết cũng sẽ diễn ra bình thường.
Ngược lại, khi có các dấu hiệu bất thường ở đường ruột như táo bón, đi ngoài phân khô, chất thải trong cơ thể không được đào thải ra ngoài kịp thời hoặc có các dấu hiệu bệnh khác như hôi miệng, đau đầu, khô miệng, thiếu nước bọt, nghiêm trọng hơn là đau bụng, táo bón, đầy bụng, đau đớn ở một số nơi khác trên cơ thể.
Ngoài ra, nếu thường xuyên ăn thực phẩm chứa chất béo hoặc đồ ngọt quá mức, hoặc người cao tuổi âm hư, khí huyết kém cũng rất dễ rơi vào trạng thái đường ruột hoạt động kém hiệu quả, tắc nghẽn.
Có rất nhiều loại thuốc để chăm sóc sức khỏe đường ruột bán trên thị trường, trong số đó chủ yếu là các loại thuốc Đông y có tính chất lạnh và đắng, thậm chí chứa cả các thành phần giúp chữa bệnh tiêu chảy.
Do xuất phát từ quan niệm cho rằng lạnh và đắng có thể điều chỉnh dạ dày, nên nhiều người cho rằng uống những loại thuốc này có thể giải quyết một phần tình trạng chức năng dạ dày có vấn đề, nhưng nếu không sử dụng đúng sẽ có thể gây hại cho lá lách hoặc chức năng tiêu hóa của dạ dày, dẫn đến sự bài tiết bất thường, đau bụng, tiêu chảy.
Bên cạnh đó, uống những loại thuốc này sẽ phá vỡ nhịp điệu bình thường của quá trình bài tiết tại đường ruột, kích thích đường ruột từ bên trong, sẽ dẫn đến hoạt động bất thường, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
3 giải pháp làm sạch đường ruột
Trong Đông y, các chuyên gia áp dụng 3 giải pháp để làm sạch đường ruột, bao gồm vận động, xoa bóp và ăn uống.
1. Giải pháp vận động, thể dục
Vận động để thải chất độc là khái niệm chỉ các hoạt động cơ bản như tập thể dục, nhưng lại tập trung chính vào phần bụng, tăng cường các hoạt động tại cơ bụng, kéo căng và xoắn vặn, ví dụ như gập bụng, đi bộ, uốn cong vùng bụng…
2. Giải pháp mát xa, bấm huyệt
Cách đơn giản là dùng tay xoa đều lên vùng bụng, có thể ngồi hoặc nằm ngửa, hít thở tự nhiên, hai tay úp lên nhau và đặt lên bụng, sau đó lấy rốn làm tâm điểm, xoa đều theo hình vòng tròn xuôi theo chiều kim đồng hồ khoảng 50 vòng.
Tiếp tục đứng dậy đi bộ một lát, đồng thời có thể tiếp tục mát xa day bấm huyệt Thiên Khu ở vùng bụng thì hiệu quả sẽ càng cao hơn.
Huyệt Thiên Khu nằm ở vị trí ngang bên cạnh rốn, bằng khoảng chiều rộng của 3 ngón tay. Có thể dùng ngón trỏ và ngón giữa xoa bóp và day bấm huyệt này, khi thở ra thì bấm, hít vào thả lỏng, làm như vậy trong khoảng 10 lần, lặp lại 2-3 nhịp liên tiếp.
Vị trí huyệt Thiên Khu (Cách rốn 3 ngón tay)
3. Giải pháp ăn uống
Đông y áp dụng cách này bằng việc sử dụng nước muối loãng, ăn đậu đỏ hạt nhỏ và bài thuốc đậu đen ngâm giấm.
Theo lý thuyết Đông y, buổi sáng trong khung giờ từ 5-7 giờ, kinh đại tràng thủ dương minh sẽ hoạt động mạnh mẽ nhất, khí huyết đạt ở mức cao nhất, trong thời gian này nếu uống khoảng 200ml nước muối pha loãng có thể có tác dụng đào thải và làm sạch đường ruột.
Ăn đậu đỏ có tác dụng lợi tiểu tiêu sưng, giải độc, loại bỏ chất độc. Nghiên cứu hiện đại phát hiện ra rằng đầu đỏ chứa một lượng lớn chất xơ làm giảm táo bón và có nhiều thành phần kali giúp lợi tiểu, do đó có tác dụng giải độc.
Cách ăn tốt nhất là uống nước đậu đỏ hoặc nấu thành cháo, chè để ăn.
Đậu đen ngâm giấm được xem là vị thuốc dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe có từ thời cổ đại. Người ta dùng đậu đen ngâm giấm để làm sạch đường ruột.
Trong cuốn sách "52 bài thuốc chữa bệnh" từ thời Chiến Quốc (TQ) có ghi chép rằng, đậu đen và giấm, có tác dụng tốt cho người bị bệnh thận và dạ dày, bệnh bí tiểu.
Cách chế biến món này không phức tạp. Cho một lượng đậu vừa đủ dùng vào chảo, rang lửa nhỏ cho đến khi thấy vỏ đậu nứt nẻ, giảm lửa nhỏ rang tiếp khoảng 5 phút, sau đó đổ ra để nơi thoáng gió cho đậu nguội.
Ngâm đậu rang vào lọ giấm (loại giấm màu nâu truyền thống của Trung Quốc). Chờ đến khi hạt đậu thấm hút hết giấm, có thể thêm mật ong để uống, mỗi lần nửa thìa, mỗi ngày ăn 3-6 hạt đậu.
*Theo Health/Sina