Ức “nổ mắt” với bác sĩ đanh đá, vô duyên

Trang Linh,
Chia sẻ

Có bệnh thì phải đi chữa, nhưng không ít người đi khám chữa bệnh còn rước thêm bực mình khi gặp phải bác sĩ vô duyên, đanh đá.

Ngượng chín mặt đi khám phụ khoa

Không ít phụ nữ rất ngại ngần khi đi khám phụ khoa, phần vì những lý lo tế nhị, phần vì ngại bác sĩ… vô duyên. Một số chị em chia sẻ, nếu đi khám phụ khoa và vô tình trúng vào bác sĩ nam, họ sẽ… quay về, đợi hôm khác đến khám vì ngại. Nhưng ngay cả khi gặp các bác sĩ nữ, cùng cảnh chị em với nhau, đôi khi các nữ bệnh nhân cũng rước bực khi bị hoạnh họe.

Chị T.T.M.Thu (40 tuổi, Hưng Yên) kể lại, chỉ trừ hai lần sinh nở, chị gần như không đi khám phụ khoa bao giờ. Cách đây ít lâu, do bị viêm nhiễm nặng, chị đành lên Hà Nội khám “để người ta không biết mình là ai”. Đang hí hửng vì gặp được bác sĩ nữ, chị ngượng tê mặt với những bệnh nhân ngồi chờ trong phòng khám vì sau khi lấy dịch cho chị xong, bác sĩ quát: “Giời ơi, 40 tuổi rồi mà không biết vệ sinh hằng ngày đúng cách à? Sao để viêm nhiễm nặng thế này mới đi khám? Dịch vàng khè đây này!”.

Chị lúng búng giải thích: “Em ở nông thôn, chưa có nước máy nên…” thì bác sĩ đốp luôn: “Mình giữ vệ sinh đã đành, phải dặn chồng tắm rửa sạch sẽ trước khi quan hệ nữa, kiểu này là do chồng chị ở bẩn đây! Thôi, đem ống dịch ra phòng xét nghiệm đi”. 
  
Ức “nổ mắt” với bác sĩ đanh đá, vô duyên 1
Nhiều phụ nữ ngượng "chín mặt" khi bị bác sĩ mắng trong phòng khám phụ khoa. (Ảnh minh họa)

Dễ “đỏ mặt” và bức xúc hơn khi đi khám phụ khoa là khi chị em phải làm thủ thuật siêu âm đầu dò. Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ dùng một dụng cụ có hình cây gậy đầu tròn để đưa vào người bệnh nhân theo đường âm đạo. Siêu âm đầu dò cho phép quan sát dạ con và buồng trứng rõ hơn là siêu âm đường bụng và thường được bác sĩ chỉ định với những phụ nữ đã có gia đình, nhưng không phải nó hoàn toàn dễ chịu với chị em.

Như chuyện của N.T. Loan chẳng hạn. Chị bức xúc kể, có lần mình đi siêu âm đầu dò ở một bệnh viện Hà Nội, sau khi đợi mòn mỏi mới được vào siêu âm. Nhìn thấy dụng cụ siêu âm lạ, chị tỏ vẻ ngượng ngùng, lúng túng thì bị mấy nhân viên ở đó lườm nguýt, lẩm bẩm: “đã có bệnh đi khám lại còn ỏn ẻn”.

Chị không nói gì, nhưng lúc nhân viên y tế chọc máy siêu âm vào, chị bị đau nên kêu ầm lên. Thế là bị họ cho ngay một câu: “Dạng to ra, như lúc quan hệ ý! Cái que bé tí thế này mà kêu đau, thế lúc cái đấy của chồng cho vào thì có thấy đau không?” Bực lắm, nhưng chị đành nén lại để làm họ cho xong thủ thuật, chứ chẳng nhẽ đang đau thế lại vùng dậy cãi nhau.

Không kiên nhẫn như chị Loan, chị Đ.T. Bình đã bỏ về trước khi nhân viên y tế thực hiện thủ thuật. Chị cho hay: “Sau khi kết hôn, tôi có đi khám sức khỏe sinh sản để chuẩn bị mang thai. Bác sĩ chỉ định siêu âm đầu dò, lúc đó tôi cũng không biết siêu âm đầu dò là gì, chỉ thấy chị tôi kêu nó đau và kinh khủng lắm, em đừng làm. Nhưng bác sĩ đã viết giấy siêu âm rồi nên tôi vẫn đi. Đến lượt tôi vào khám, một cô bé (chắc là sinh viên thực tập) bảo tôi ra ngoài mua một cái bao cao su, tôi đã lờ mờ hiểu siêu âm đầu dò là gì.

Khi quay lại, tôi choáng khi nhìn thấy trong phòng khám là cả đám sinh viên thực tập, dễ có hơn chục người, hầu như là nam đang cười cười nói nói. Thấy tôi bước vào, họ còn trêu ghẹo, đùn đẩy nhau rồi phá lên cười hô hố. Tôi không thể chấp nhận được thái độ ấy nên chẳng khám xét gì nữa, bỏ về luôn”.

Rước bực mình vì con bị chê

Các bà mẹ đi khám thai hay khám dinh dưỡng cho con cũng kể nhiều chuyện bực mình ở bệnh viện, phòng khám. Chị T.M. Chi, đang mang thai tuần 37 bức xúc kể, khi con được 35 tuần, chị đi khám tổng quát và siêu âm hình ảnh thai nhi. Những lần trước, mọi chỉ số của em bé đều ổn nên chị khá yên tâm. Lần này, vừa nhận kết quả siêu âm xong, bác sĩ phán: “Thai nhi của chị mới từng này tuần mà đã 2,9 cân rồi, so với thai cùng tuổi là hơi to đấy. Tôi là tôi không thích con to đâu nhé! Chắc mẹ ham ăn, ăn nhiều đồ bổ quá nên con mới to thế này. Thai to là khó đẻ lắm đấy biết không?” khiến chị tức điên người.

Ức “nổ mắt” với bác sĩ đanh đá, vô duyên 2
Ảnh minh họa

Bị chê thế đã bực, với những bà mẹ có thai nhi hơi nhẹ cân một chút, những lời phán của bác sĩ cũng dễ khiến họ điên tiết. Còn chưa đầy 1 tháng nữa, em bé của chị T.T. Nga sẽ chào đời. Trong suốt thai kỳ, chị bị nghén nặng, ăn gì cũng bị nôn ra, lả hết cả người. Đi siêu âm, chị đã buồn rười rượi vì con mới được 1,9 cân lại còn bị bác sĩ quát sau khi hỏi thực đơn hằng ngày: “Cô ích kỷ vừa thôi, ăn kiêng cho lắm vào để đẹp với ai không biết! Người đã gầy đét như mo nang thì chớ! Còn ít ngày nữa thôi, liệu mà chịu khó uống sữa, tẩm bổ vào nhá, không thì đẻ con ra bé như lõi ngô!”   

Đem con đi khám dinh dưỡng, kèm theo thuốc men, chế độ dinh dưỡng cho con, nhiều bà mẹ cũng đem về ức chế, nhất là những mẹ có con hơi còi. Chị P.T.T. Phương kể, bé nhà chị được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, nhưng không hiểu sao tăng cân rất chậm, hơn 4 tháng mới có 5 cân, chưa biết lẫy, hay rụng tóc, đổ mồ hôi trộm...

Vừa vào phòng khám, chị đã choáng vì bác sĩ đanh đá kinh khủng. Bác sĩ nhìn chị chằm chặp, hỏi chị đã cho con dùng thuốc gì chưa, chế độ ăn của mẹ thế nào, ngày cho con bú bao nhiêu cữ… Chị nói nhầm, nói chậm một tí là bị mắng té tát.

Sốt ruột vì con bé quá, chị hỏi bác sĩ về chuyện có nên cho ăn dặm sớm để con cứng cáp không, bác sĩ trợn mắt quát luôn cả tràng: “Thế cô là bác sĩ hay tôi đây? Không biết cho con ăn dặm sớm là hỏng hết đường ruột à? 6 tháng đầu chỉ sữa mẹ thôi nhé! Sữa mẹ không đủ chất thì tìm cách mà bổ sung vào cho nhiều sữa, đủ chất mà cho con bú. Con còi là do cô đoảng, cô không biết chăm, chứ cứ thấy còi là tống bột vào cho con ăn à?...

Chốt lại, bà bác sĩ bảo: “Vẫn biết lương y phải như từ mẫu, nhưng con hư, lại thiếu hiểu biết thế thì ai mà hiền được (?!)”. Chị Phương cho biết, ra khỏi phòng khám, chị vẫn còn vừa run vừa tức vì bị bác sĩ mắng, nhưng may mà theo thực đơn và thuốc bác sĩ kê, tình trạng của con chị đã được cải thiện.  

Coi bệnh nhân như… con ghẻ

Nhiều bệnh nhân nằm điều trị tại một số bệnh viện cũng chia sẻ, không ít lần họ bị bác sĩ đối xử như… con ghẻ, nhất là với những bệnh nhân khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế. Nhiều người tiết lộ, để được đối xử nhẹ nhàng, họ vẫn phải “lót tay” cho bác sĩ, y tá hoặc chịu chi phí cao để chuyển sang khám chữa bệnh dịch vụ.

Anh N.H.Quân chia sẻ, bố anh bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, vào bệnh viện khi đã di căn. Dù có người quen “gửi gắm” nhưng bác sĩ khám và chữa trực tiếp cho ông cụ chỉ cho thuốc uống hàng ngày, hỏi cái gì cũng quát nhặng lên. Thậm chí, bác sĩ này còn nói thẳng với bố anh: “Bệnh của bác nặng quá, có lẽ tôi không chữa được”. Hiểu ý, anh lót tay một ít cho bác sĩ thì lập tức vị này thay đổi hoàn toàn thái độ, niềm nở hỏi han tình hình bệnh nhân, khuyên người nhà nên cho ăn uống thế nào thì tốt cho quá trình điều trị.

Mới đây, sáng 23/1, bệnh nhân Chu Thị Tuyết Nhung (70 tuổi, Bắc Giang) hôm đó đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã “tố” với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhân dịp Bộ trưởng đến thăm, chúc Tết bệnh viện và các bệnh nhân tại đây. Bà Nhung cho biết, bà đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng đau đầu, sốt cao và mệt mỏi hôm 10/1, và từ đó đến tối 12/1, bà được tiêm vài mũi nhưng không có ai khám cho. Đến ngày 13/1, bà vẫn sốt 39 độ, bủn rủn tay chân, đau đầu chóng mặt song vẫn không có ai đến khám.

Ức “nổ mắt” với bác sĩ đanh đá, vô duyên 3
Bà Nhung "tố" với Bộ trưởng Bộ Y tế việc mình bị bác sĩ mắng nhiếc. (Ảnh: Vietnamnet)

Bà kể với Bộ trưởng: “11 giờ trưa hôm đó (13/1), có người đến tiêm, đo huyết áp, tôi nhờ gọi bác sĩ khám giúp vì mệt quá. Cô bác sĩ sang thì mắng tôi xơi xơi: “Không có người nhà ở đây thì không tiêm nữa, nhỡ tiêm mà bà chết ra đấy thì chúng tôi cũng chết à?” và chỉ cho thuốc kháng sinh và bảo tôi: “bà không có bệnh, nằm đây bằng thừa” trước mặt bao nhiêu người. Bác sĩ đó chỉ bằng tuổi con út của tôi”.

Một tuần sau chuyến gặp gỡ đó, ngày 30/1, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã quyết định điều chuyển công tác bác sĩ Nguyễn Thị Huệ và điều dưỡng Nguyễn Thị Ngát (người bị bà Nhung tố cáo) từ Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp về Khoa Chống nhiễm khuẩn do có thái độ chưa đúng mực, chưa giải thích đầy đủ về tình trạng bệnh tật, cách sử dụng thuốc với bệnh nhân.

Trước đó, cuối năm 2013, một bác sĩ làm việc ở khoa Chăm sóc trước sinh (Bệnh viện Từ Dũ – TP. Hồ Chí Minh) cũng bị kỷ luật, chuyển vị trí công tác vì đã có thái độ cáu gắt trong giao tiếp, thiếu giải thích một số thắc mắc về bệnh lý cho một sản phụ tại quận 8.

Tuy nhiên, những trường hợp bị kỷ luật như trên chưa nhiều. Không ít người vẫn còn phiền muộn, bực bội vì vớ phải những bác sĩ đanh đá, vô duyên, ít kiên nhẫn với bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh.

Chia sẻ