2 phụ nữ Sài Gòn và kế hoạch tiêu Tết 20 triệu
Cùng tiêu Tết trong khoảng 20 triệu, nhưng tùy từng hoàn cảnh mà chị Thư và chị Dương có phương án khác nhau để vừa có cái Tết vui, vừa không chi quá tay trong tình hình kinh tế khó khăn năm nay.
Đã gần Tết nhưng nhiều chị em cho biết vẫn chưa biết mức lương thưởng dịp Tết Nguyên đán như thế nào. Ai cũng mong ngóng, hồi hộp, hi vọng nhưng vì tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều người phải tính toán sẵn trường hợp mức lương thưởng không như mong muốn. Bởi vậy, trong danh sách chi tiêu Tết này, chị em chỉ giữ lại những khoản không thể không có, còn lại thì cắt giảm tối đa.
Kế hoạch tiêu Tết 20 triệu của hai vợ chồng có một bé trai
Trần Thị Ngọc Thư, 27 tuổi, làm việc tại Công ty Truyền hình cáp SCTV chia sẻ: “Tết này 2 vợ chồng xài trong khoảng 20 triệu. Mọi thứ phải tính toán và cố gắng không vượt khỏi định mức. Vì thưởng năm nay không cao nên tụi mình cũng không dư nhiều.”
"Mọi thứ phải tính toán và cố gắng không vượt khỏi định mức."
Vợ chồng chị không có ý định sửa sang hay mua thêm nhiều đồ mới như mọi năm, những gì còn dùng được thì vẫn giữ lại. Chị chia sẻ: “Có em bé rồi, nhiều thứ phải lo lắm. Năm ngoái, mình mua đồ cho nhà nhiều hơn vì nghĩ mua quần áo, giày dép mới dịp Tết vừa mặc du xuân, vào năm lại mặc đi làm cũng được. Nhưng năm nay thì hạn chế, giá mọi thứ đều tăng, mua hết thứ mình thích thì chắc phá sản quá”.
Chị tính sơ sơ các khoản Tết năm nay gia đình chị phải chi gồm:
- Biếu ông bà 2 bên nội ngoại để sắm Tết: 6 triệu
- Lì xì anh chị em, các cháu, người quen, họ hàng: 5 triệu
- Mua đồ ăn, bánh kẹo, đồ trang trí, đi chơi Tết: 4 triệu
- Sắm đồ mới cho bé, cho mình và ông xã: 4 triệu
Tổng cộng là 19 triệu.
Nếu có khoản nào xài quá thì sẽ bớt từ khoản khác đắp vào.
“Mong là không có khoản nào phát sinh. Tùy tình hình mà mình có thể bớt tiền ở khoản này đắp vào khoản kia. Ví dụ tiền lì xì nếu thấy mua đồ Tết thiếu, thay vì bỏ phong bao 20.000 đồng thì mình chỉ bỏ 10.000 đồng để mọi người lấy hên thôi chẳng hạn”, chị Thư cười.
Định mức 20 triệu của đôi vợ chồng xa quê
Hai vợ chồng chị Vũ Thị Thùy Dương (26 tuổi, Q.8) lại ở vào hoàn cảnh khác. Chị Dương cho biết: “Vợ chồng mới cưới, còn tay trắng, quê lại ngoài Bắc. Ban đầu mình muốn đi tàu cho tiết kiệm nhưng lại không đặt được vé. Năm nay mình phải ra mắt khắp lượt họ hàng 2 bên, mất nhiều thời gian, nên bấm bụng mua vé máy bay vào ra. Thế nên các khoản quà cáp, biếu xén bị cắt giảm vì khả năng có hạn mà”.
Vì tiền vé đi lại khá tốn nên các khoản chi khác sẽ được cắt giảm để vừa đủ số tiền 2 vợ chồng có.
Vậy là cũng cùng quỹ Tết khoảng 20 triệu, kế hoạch chi tiêu của chị Dương khác chị Thư, gồm các khoản như sau:
- Vé ra vào Sài Gòn của 2 vợ chồng: 9 triệu
- Quà cáp hai bên để ra mắt: 2,5 triệu
- Biếu ông bà nội ngoại sắm Tết: 2 triệu
- Lì xì ông bà nội ngoại mỗi người 500.000 đồng, tổng cộng là: 2 triệu
- Lì xì, quà bánh cho anh chị em, các cháu: 1,5 triệu
- Lì xì trẻ con, người già: 1 triệu
- Sắm quần áo 2 vợ chồng: 1,5 triệu
- Các khoản hội hè, họp lớp của 2 vợ chồng: 1 triệu
Tổng cộng là 20,5 triệu.
Chị Dương định trước một số thứ cần thiết để không bị hét giá lúc cận Tết.
“Thưởng Tết của mình ít vì mới qua thử việc, nhưng được cái là lương tốt hơn chỗ cũ, cộng với lương thưởng của chồng nữa nên cũng tàm tạm”, chị Dương nói.
Để cân bằng chi tiêu, chị Dương đã tranh thủ mua một số đồ quà bánh, bia bọt, quần áo mới... từ sớm để không bị hét giá khi cận Tết. Ngoài ra, chị cũng có một cuốn sổ lên danh sách những thứ phải mua và giới hạn tiền cụ thể. Nhờ vậy, chị giảm thiểu tối đa khả năng... vỡ kế hoạch.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, người khá thì chi tiêu Tết mạnh tay hơn một chút, mua nhiều đồ hơn một chút, còn người có thu nhập bình thường, chi tiêu cẩn thận, tính toán hơn. Nhưng dù hoàn cảnh ra sao, cái hồn của Tết Nguyên đán vẫn là không khí sum vầy, vui vẻ hạnh phúc bên gia đình. Đây là khoảng thời gian người ta cảm nhận tình thân chứ không phải để đua giàu nghèo qua mâm cỗ.