Chị em rộn ràng kế hoạch tích lũy siêu tiết kiệm
Chỉ cần trích ra một khoản bằng 10% tổng thu nhập/tháng, chị em đã có thể tích lũy siêu <a href="http://afamily.vn/tags/tiet-kiem.chn" target="_blank">tiết kiệm</a> để tạo nền tảng tài chính gia đình và tìm cách làm giàu.
Công sở rôm rả kế hoạch tích lũy "siêu tiết kiệm"
Tại công sở X, giờ cơm trưa của chị em văn phòng là cuộc buôn chuyện "dài bất tận", đến giờ làm việc thì mới tạm ngưng. Trong đó, câu chuyện về cách thức làm giàu, tích lũy siêu tiết kiệm, kinh nghiệm chi tiêu được các chị em chia sẻ thường xuyên.
Nhất là từ ngày bão giá, câu chuyện về kế hoạch tiết kiệm chi tiêu càng thu hút sự tham gia của đông đảo chị em hơn. Theo Minh Hương, 33 tuổi - thành viên của nhóm này thì: “Trước khi muốn tính toán và tìm cách làm giàu, mỗi người phải tạo cho bản thân một nền tảng tài chính cơ bản, vững chắc là tiết kiệm. Nhất là trong lúc công việc bấp bênh, kinh doanh và đầu tư khó khăn, nhiều rủi ro như bây giờ”.
Mở đầu câu chuyện sau bữa cơm trưa, một đồng nghiệp phòng kế toán tên Hải Anh, 31 tuổi, khoe: “Tối qua, vợ chồng mình cũng đề ra mục tiêu mới. Từ nay đến cuối năm 2012, 2 đứa phải tiết kiệm đủ tiền để duy trì mức sống hiện tại trong vòng 6 tháng nếu chẳng may anh bị thất nghiệp".
Nhiều vợ chồng cố gắng làm “trâu bò” để đạt được mục tiêu tiết kiệm chi tiêu phòng lúc sa cơ lỡ vận (Ảnh minh họa)
Hỏi ra mới biết lý do mà vợ chồng Hải Anh phải cố gắng làm “trâu bò” để đạt được mục tiêu tiết kiệm chi tiêu này là vì chồng chị đang có nguy cơ bị cắt giảm biên chế. Nghe nói sang năm 2013, công ty chồng chị sáp nhập với công ty mới nên dự kiến hơn một nửa nhân sự sẽ bị tinh giảm.
Âm thầm lên kế hoạch siêu tiết kiệm cùng các đồng nghiệp, Hạnh, 28 tuổi (Lương Thế Vinh, HN) tự hào cho nhóm này biết nhà Hạnh đang đi đúng tiến độ. Còn hơn 3 tháng cuối năm, nhưng tính ra khoản tiết kiệm nhà Hạnh đã được trên 70%. Giờ nhà Hạnh cũng đã "ấm" dần lên, mọi thứ đã tạm ổn. Công việc cơ quan thì vẫn đều đều.
Chưa bằng lòng ở đó, Hạnh còn tích cực tích lũy bằng cách làm thêm để lương không bị thâm hụt. Ngoài ra, Hạnh cũng tự nguyện giảm bớt khoản mua sắm mỗi tháng của mình.
Đặc biệt, cuối năm, vì phải đối mặt với một khoản lạm phát to đùng là sinh thêm tập 2 nên người phụ nữ 28 tuổi này cũng lên kế hoạch kiểm lại những đồ dùng sơ sinh còn dùng được và lên danh sách những thứ cần mua.
Vì khoản tiết kiệm nhỏ mà nhiều gia đình cũng đã "ấm" dần lên, mọi thứ tạm ổn hơn.
"Hôm qua em ngồi kiểm đồ sơ sinh. Ghi danh sách ra thấy mình không phải mua nhiều. Chỉ sắm thêm khăn xô và 1 vài vật dụng bắt buộc phải mới thôi. Thấy sung sướng rung rinh vì tiết kiệm được 1 khoản kha khá trước khi sinh nở tập 2".
Đang đau đầu tính toán lại chi tiêu để "sống sót" qua thời buổi khó khăn, Ngọc Linh (Nhân viên Marketing) cũng lên tiếng về kế hoạch siêu tiết kiệm nhỏ nhất của mình. Người mẹ 1 con này nghĩ ngay tới việc cắt giảm tiền bỉm vì con cũng đã lớn: “Tháng này, mình cho con dùng nốt bịch bỉm rồi buổi tối hẹn giờ dậy cho con đi vệ sinh để đỡ tiền bỉm".
Ngọc Linh kể lể, giờ lương 2 vợ chồng Linh chỉ đủ chi tiêu và nuôi con, trung bình hết khoảng 15 triệu/tháng. Giờ con 2 tuổi nên Linh cũng quyết định cho giúp việc nghỉ để con đi học. Thay vì mất 3,5 triệu tiền thuê giúp việc, giờ Linh chỉ mất khoảng 2 triệu/tháng chi phí cho con học hành. Tính ra, Linh đã tiết kiệm được một khoản nữa.
"Nghĩ cũng tội, mình cho con đi học sớm là vì nhiều lý do, nhưng đúng là có cả lý do tiền nong trong đấy nữa. Cuộc sống không giúp việc tuy vất vả nhưng khá thoải mái vì không có người lạ trong nhà. Con đi học cũng ổn dù vẫn ốm vặt. Giờ tiết kiệm được gần 5 triệu/tháng, tinh thần đỡ ức chế hẳn”.
Nhiều gái trẻ cũng "hóng hớt" học cách tiết kiệm chi tiêu cho cuộc sống sau này (Ảnh minh họa)
Mới cưới chồng nhưng Hoài, 24 tuổi (Lễ tân công ty) thi thoảng buổi trưa cũng "lót dép" hóng hớt các đàn chị buôn chuyện. Mục tiêu của cô lễ tân xinh xắn này là học cách tiết kiệm chút tiền nhằm chuẩn bị thai sản.
Hoài tâm sự: “Nhà mình lúc cưới tiền mừng từ 2 họ được tất thảy 70 triệu. Mình lập sổ tiết kiệm gửi vào ngân hàng nên vẫn còn nguyên. Giờ cưới nhau đã 5 tháng, vợ chồng mình vẫn cố lọ mọ để dành 50% lương mỗi tháng. Phấn đấu 2 năm nữa, chúng mình sẽ tiết kiệm được 200 triệu. Trong đó, 100 triệu để trả nợ tiền nhà và 100 triệu chuẩn bị cho em bé tương lai. Hy vọng dự định này sẽ hoàn thành được”.
Nỗi buồn khi chưa "để ra được"
Khi thấy nhiều đồng nghiệp hồ hởi chia sẻ kế hoạch tiết kiệm chi tiêu, Phương Thu, 26 tuổi mặt buồn rười rượi cho biết: dù đã ý thức tiết kiệm nhưng 1 năm qua Thu cũng không để ra được - “Tôi cũng cố gắng chi tiêu hạn chế lại, cái gì không cần dùng sẽ không mua liền, đi siêu thị cũng cân nhắc nhiều hơn. Nhưng chả hiểu sao tiền cứ tiêu đi đâu hết”.
Theo như Phương nói thì nhà cô năm nay "đen cháy". Công việc của chồng Phương liên tục gặp rắc rối do người khác mang đến, còn Phương thì phải mang tiền đi trả nợ bù. Ngay như vừa nãy Phương cũng nhận được tin nhắn của chồng báo lại gặp rắc rối to, có nguy cơ kỷ luật. Điều này đồng nghĩa với việc cuối năm nay chồng Phương không được tăng lương, không "lọ", không "chai"...
Vừa nói, Phương tỏ rõ vẻ ngao ngán: “Sao năm nay chán thế nhỉ? Nghèo mà ông trời cứ thử thách lòng kiên nhẫn, tích cóp bao nhiêu toàn đem vứt ra sông ra biển. Hức!"
Hơn 3 tháng nữa là hết năm nhưng một số chị em vẫn ủ dột vì chưa đạt được kế hoạch tích lũy
Cũng mang nỗi buồn ủ dột vì chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết một năm nhưng Vân - nhân viết thiết kế kêu trời khi chưa để được ra, bởi con gái 3 tuổi ốm đau quá nhiều.
Trước đây mỗi tháng vợ chồng Vân cũng tiết kiệm được 3 triệu/tháng. "Năm nay chi tiêu cho con ốm đau nhiều quá. Như một năm qua, con 2 lần bị viêm phổi nặng, đi khám ngoài, khám viện rồi lại điều trị theo bác sỹ tư tốn kém. Rồi răng lợi của con có vấn đề nên tạm thời đã chi hết số tiền để ra. Chỉ mong mấy tháng cuối năm không phát sinh khoản gì nữa".
Tuy không để dành được một cục mỗi tháng như trước nhưng vợ chồng Vân lại đề ra kế hoạch chi tiêu tiết kiệm mỗi ngày kiểu "kiến tha lâu đầy tổ". Vân cho biết: "Mỗi ngày vợ chồng để ra 30 nghìn đồng. Tính ra như vậy, sau vài chục năm nữa vợ chồng cũng có đến hàng tỷ ấy chứ. Chồng mình bảo như vậy sau này vừa có tiền dưỡng già vừa có thêm một người bạn đồng hành vì có thể coi chúng như một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho bản thân".