Điều gì khiến phụ nữ Trung Quốc không 'mặn mà' sinh thêm con?
Dù chính phủ Trung Quốc cho phép các cặp đôi sinh 3 con, nhưng nhiều phụ nữ không còn mặn mà với vấn đề này.
Đối mặt với nguy cơ khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh đẻ hàng năm sụt giảm liên tiếp, chính phủ Trung Quốc hiện khuyến khích người dân sinh thêm con. Nhưng vấn đề chính đặt ra là phụ nữ Trung Quốc không còn mặn mà với chủ đề này.
Cách đây hơn 35 năm, Trung Quốc đã cho siết chặt kế hoạch hóa gia đình bằng chính sách một con để đối phó với sự bùng nổ dân số và thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đến khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, Trung Quốc lại rơi vào cảnh già hóa dân số và nguy cơ thiếu lực lượng lao động.
Nhằm loại bỏ những rủi ro đối với nền kinh tế do tỷ lệ sinh đẻ giảm, vào năm 2015, Trung Quốc tuyên bố cho phép các cặp vợ chồng sinh 2 con. Nhưng từ đây, tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc vẫn không được cải thiện mà thậm chí năm sau còn giảm hơn so với năm trước. Đây là lý do chính phủ Trung Quốc quyết định nới lỏng thêm chính sách kế hoạch hóa gia đình và khuyến khích các cặp đôi sinh 3 con.
Theo CNN, trên thực tế, người dân Trung Quốc dường như không mấy mặn mà với chính sách mới của chính phủ. Luật cho phép người dân sinh 3 con chính thức được Trung Quốc thông qua hôm 20/8. Nhưng trước đó, nhiều phụ nữ đã bày tỏ sự lo lắng trước mức chi phí sống ngày càng cao, cùng tình trạng bất bình đẳng giới ở nơi làm việc khiến họ không còn muốn sinh thêm con.
Nhiều người cùng chung quan điểm nuôi dạy 3 đứa trẻ là vô cùng vất vả và tốn kém ngay cả với phần lớn các cặp đôi sinh sống ở thành thị. Trong đó, nhiều cặp vợ chồng đang đối mặt với nguy cơ tiền lương không được tăng, cơ hội việc làm ngày càng ít và tăng giờ làm.
“Tôi thậm chí giờ còn không muốn sinh 1 đứa con, chứ không nói gì tới 3 đứa”, một bình luận viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và đã nhận tới hơn 51.000 lượt like.
Bất bình đẳng giàu nghèo và làm quá giờ là vấn đề chung trên toàn thế giới, nhưng ở Trung Quốc vấn nạn này càng sâu sắc hơn. Nguyên nhân là do phụ nữ Trung Quốc vẫn là người phải đảm nhận vai trò chính làm việc nhà và chăm sóc con cái.
“Liệu rằng nam giới có được nghỉ thai sản để chăm 3 con?”, một bình luận khác viết trên Weibo và cũng đã nhận được hơn 67.000 lượt like.
Trên thực tế, Trung Quốc chưa ban hành chính thức bộ luật nào cho phép nam giới nghỉ để hỗ trợ chăm con khi người vợ sinh nở.
Trách nhiệm giữa người làm cha và làm mẹ không được chia sẻ đồng đều đồng nghĩa với việc phụ nữ khó có thể cân bằng giữa công việc và nghĩa vụ làm mẹ. Ngay cả trước khi Trung Quốc thông báo xem xét thi hành chính sách 3 con hồi đầu năm nay, nhiều cuộc tranh luận đã xuất hiện trên mạng xã hội nước này và tập trung vào vấn đề sinh thêm con sẽ khiến những người phụ nữ đi làm gặp nhiều khó khăn hơn.
Cụ thể, trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ Trung Quốc cho biết họ bị phân biệt đối xử trong công việc dựa trên tình trạng hôn nhân và sinh con. Bởi các ông chủ thường không muốn phải trả thêm chi phí nghỉ sinh cho nữ nhân viên.
Thậm chí, không ít bài báo từng nhắc tới chuyện một số công ty còn yêu cầu phụ nữ chờ tới lượt mới được sinh con. Nếu như họ có thai trước “lịch”, họ có thể bị sa thải hoặc bị phạt.
Ở một phương diện khác, những người phụ nữ trẻ tuổi ở Trung Quốc hiện có lối suy nghĩ thoáng hơn về chuyện kết hôn và sinh con. Nói cách khác, họ thích cuộc sống độc thân hơn là ràng buộc chuyện gia đình.
Theo Tân Hoa Xã, chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được những vấn đề nảy sinh khi khuyến khích người dân sinh thêm con. Do đó, chính phủ sẽ “triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính, thuế, bảo hiểm, giáo dục, nhà ở và việc làm để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình”.
Nhưng cho tới nay, văn bản sửa đổi chính thức luật kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc vẫn chưa được công bố công khai. Những bài báo được Tân Hoa Xã và truyền thông Trung Quốc đăng tải cũng không nói rõ những biện pháp hỗ trợ sinh thêm con cụ thể là như thế nào và liệu có hình phạt tăng nặng đối với những chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm quyền làm mẹ của nữ nhân viên hay không.
Hiện tại, một số tỉnh thành ở Trung Quốc đã thi hành các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ sinh đẻ ở địa phương như thành phố Thượng Hải cho phép nam công dân nghỉ 10 ngày để chăm con khi vợ sinh. Song theo các chuyên gia, những biện pháp này vẫn chỉ có hạn và chưa thể giúp cả đất nước Trung Quốc cải thiện tỷ lệ sinh đẻ.
Vào năm 2019, tỷ lệ sinh trên toàn lãnh thổ Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 70 năm. Và tới năm 2020, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc lại tiếp tục giảm 18%.
Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc, quốc gia 1,4 tỷ dân, chứng kiến tỷ lệ sinh giảm từ 5 con/phụ nữ xuống còn chưa tới 2 con/phụ nữ trong vòng 40 năm. Đây là tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới và ngang bằng với Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số trầm trọng.
“Nếu không thể bảo vệ được các quyền của người phụ nữ mà chỉ khuyến khích họ sinh thêm con, dù có được nghỉ thai sản 98 ngày hay 3 năm, chuyện này vẫn giống như việc tước đi cơ hội việc làm của phụ nữ”, bác sĩ Xu Chao ở tỉnh Sơn Đông nhận định.
Đối với phụ nữ ở Trung Quốc, những người đã mất thời gian dài đấu tranh công bằng tại nơi làm việc và đang tận hưởng cuộc sống khá độc lập, việc sinh thêm con sẽ khiến họ phải hy sinh rất lớn. Do đó, để khuyến khích phụ nữ sinh con, chính phủ Trung Quốc không chỉ đơn giản là ban bố thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình.