Điều bất ổn trước hôn lễ khiến cô dâu quyết định hủy hôn và bài học về sự rút lui trước "vũng lầy"
Trong cuộc sống, có không ít mẹ chồng thích can thiệp vào cuộc sống của các con. Sự can thiệp ấy lớn đến nỗi hàng loạt mối quan hệ tan vỡ chỉ vì gặp phải điều đó.
01
Thanh năm nay 29 tuổi, vì sắp bước vào "tuổi băm" nên gia đình thúc giục chuyện cưới xin khá gay gắt. Bản thân cô cũng không phải lười yêu, chỉ là chưa tìm được ai phù hợp.
Cuối cùng, một người bạn giới thiệu cô cho Huy. Anh sinh ra trong một gia đình gia giáo, Huy khá hiền lành, rụt rè, hơn Thanh 4 tuổi.
Hai bên nói chuyện với nhau khá hợp trong cuộc hẹn đầu tiên. Sau khi về nhà, nói chuyện với nhau, Huy có lẽ buột miệng nên nhắn: "Mẹ anh khen em hiền lành, thích em lắm". Lúc đó, Thanh chỉ nghĩ có lẽ anh cho mẹ xem ảnh mình mà chẳng hề ngờ tới ở cuộc hẹn chiều hôm đó, mẹ Huy ngồi ở một bàn khác, "dò xét" về cô bạn gái tương lai của con trai.
Về tổng thể Huy không tệ nhưng sau khi qua lại cùng nhau rồi, Thanh mới nhận ra anh có khuyết điểm đó là rất nghe lời mẹ. Bất cứ câu chuyện, sự việc nào xảy đến, anh cũng có câu cửa miệng: "Không biết mẹ anh tính sao?!".
33 tuổi, bản thân cũng là một nhân viên kiểm toán, không rõ vì sao Huy lại phụ thuộc vào mẹ đến thế. Tuy có đắn đo nhưng Thanh cho rằng sau này kết hôn, hai vợ chồng tìm cách ở riêng, kinh tế riêng, tất cả đều riêng biệt thì có lẽ mẹ anh chẳng can thiệp được nữa. Lạc quan với suy tính đó, Thanh đồng ý tính chuyện hôn nhân.
02
Chuyện tổ chức đám cưới được tiến hành khá gấp rút. Hiện tại sắp cuối năm, gia đình hai bên muốn đám cưới luôn trong năm nay. Sau buổi gặp mặt hai gia đình, mẹ Thanh ghé tai con gái hỏi: "Con chắc chưa đấy, Huy thì mẹ không thấy vấn đề gì nhưng bà thông gia có vẻ khó khăn và kỹ tính quá".
Bản thân Thanh cũng lăn tăn nhưng đến nước này, "đâm lao phải theo lao", có vấn đề gì cứ từ từ giải quyết.
Tuy nhiên, suốt hành trình chuẩn bị cho việc kết hôn, Thanh càng nhận ra rằng: Nếu như cô cố chấp cưới Huy, gạt bỏ những đắn đo khi rắc rối trong mối quan hệ với mẹ chồng cứ ngày một hiện rõ thì hôn nhân cũng tới ngõ cụt.
Từ việc lựa chọn nơi chụp ảnh cưới, chọn nhẫn cưới đến chăn ga gối đệm, bài trí phòng ngủ... mẹ chồng đều đã sắp xếp sẵn để Thanh và Huy theo. Thanh muốn đưa ý kiến thì mẹ chồng tương lai gạt đi, bảo rằng mình đã chọn từ lâu rồi, giờ thế mà theo.
Nói với Huy, anh gật gù bảo: "Mẹ chỉ có mỗi anh nên chiều đi. Với cả cuộc đời anh chưa thấy mẹ làm gì sai bao giờ cả".
Tất tần tật trong hành trình chuẩn bị, Thanh có cảm tưởng như đây không phải đám cưới của mình. Mẹ chồng tự chuẩn bị mà chẳng cần hỏi xem cô và Huy có ưng hay không. Cô mua về món đồ nào là mẹ chồng không hài lòng và không cho mang vào.
Huy chẳng bao giờ phản đối. Còn ý kiến của Thanh bị coi nhẹ đến không ngờ. Thanh cảm thấy bế tắc, đã quyết định nghĩ đến chuyện dừng lại, không cưới nữa.
Đến lúc đi thử váy cưới, mẹ chồng cũng chọn luôn 1 mẫu để Thanh thử. Quả thật, Thanh không thích kiểu này, mẹ chồng vẫn khăng khăng quyết. Sẵn những dồn nén bất mãn, Thanh nói rằng nó không hợp. Bỗng nhiên, mẹ chồng lớn tiếng: "Mẹ đã chọn con đừng có cãi. Trứng đòi khôn hơn vịt. Con làm sao mà nhìn hàng chuẩn bằng mẹ".
Mấy cô nhân viên ở tiệm váy cưới nhìn Thanh ái ngại. Huy bình tĩnh bấm điện thoại, ngẩng đầu lên một cách lén lút rồi cúi ngay xuống. Mẹ chồng thấy thái độ của Thanh thì cáu kỉnh, xách túi đi thẳng. Huy ngẩng dậy chạy ngay theo mẹ mà chẳng nhìn Thanh lấy một lần. Đây là khoảnh khắc Thanh hạ quyết tâm chấm dứt, không dây dưa thêm nữa. Chưa cưới đã thế này, cưới xong không biết sẽ bế tắc đến đâu.
03
Trong cuộc sống, có không ít mẹ chồng thích can thiệp vào cuộc sống của các con. Sự can thiệp ấy lớn đến nỗi khiến cho nhiều cặp vợ chồng tan vỡ. Càng đáng nói hơn và đáng lên án hơn cả chính là thái độ của chính người trong cuộc.
Người đàn ông không có chính kiến, không có tiếng nói, nhất nhất nghe theo lời mẹ mình bất chấp đúng sai thì rõ ràng là một điều tai hại. Đám cưới chỉ là sự khởi đầu. Cuộc sống hôn nhân về sau có rất nhiều điều xảy đến với mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.
Khi về làm dâu, người vợ chỉ có duy nhất chồng mình là "cùng phe", là một điểm tựa có thể bảo vệ, che chở. Mối liên hệ duy nhất, sợi dây kết nối của cô cùng gia đình chồng cũng chỉ có anh ấy mà thôi.
Nếu như ông chồng nghe lời mẹ, nhất nhất nghe theo tất cả các quyết định, không có chính kiến thì vợ sẽ bơ vơ tột cùng. Cô như một mình chống lại tất cả, không được ai hỗ trợ, thấu hiểu. Có người phụ nữ nào lại bước vào hôn nhân khi biết trước viễn cảnh tương lai như thế không?
Thanh quyết định dừng lại trước khi quá muộn bởi cô nhận ra những "quyền lợi" cơ bản nhất của mình trong hôn lễ cũng chẳng còn. Tất cả mọi thứ đều lấy lễ nghi ra để áp chế được nhưng váy áo cô dâu nó đơn thuần là sở thích. Cô dâu hoàn toàn được phép lựa chọn một mẫu váy nào đó theo sở thích của mình, bất chấp ý kiến của những người xung quanh.
Và có lẽ, nỗi thất vọng dâng đến tột cùng khi Huy cắm cúi chạy theo mẹ, chẳng nhận biết đâu là đúng đâu là sai, chẳng quan tâm dù chỉ một chút đến người vợ tương lai.
Thế mới nói, đứng trước một vũng lầy thì nên tỉnh táo. Đừng bao giờ bước vào hôn nhân với tâm thế "ngậm ngùi nhắm mắt đưa chân" nếu không sẽ hối hận vô cùng.