Dịch cúm mùa lan rộng: Người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tăng cao, có nơi tăng gấp 10 lần so với ngày thường

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Thông tin từ VNVC cho biết, số lượng người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tại đây hiện tăng gấp 10 lần so với bình thường.

Lượng người tiêm vắc-xin cúm tăng cao gấp 10 lần so với ngày thường tại VNVC

Ngày 10/2, BSCKI Bạch Thị Chính (Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, số lượt khách chủ động tiêm vắc-xin cúm tăng cao, gấp 10 lần so với ngày thường.

Trong đó, khách đến tiêm gồm trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ trọng lớn. Đây là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, nhiều gia đình và đại gia đình đã đến VNVC để tiêm vắc-xin, trong đó có đại gia đình hơn 20 thành viên cùng đến.

Dịch cúm mùa lan rộng: Số người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tăng cao, VNVC hiện tại tăng gấp 10 lần so với ngày thường - Ảnh 1.

Bác sĩ Chính nhận định, việc người dân tăng cường tiêm vắc-xin cúm cho thấy ý thức tiêm vắc-xin là phương pháp bảo vệ tối ưu trước các bệnh truyền nhiễm của người dân ngày càng nâng cao và nhân rộng ra cộng đồng. Tiêm chủng phòng bệnh không chỉ tạo miễn dịch bảo vệ bản thân mà còn đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người yếu thế, chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng như trẻ sơ sinh, thai phụ, người mắc các bệnh lý cấp tính...

Bác sĩ Chính cho hay, mặc dù tiếp nhận người đến tiêm vắc-xin cao gấp nhiều lần so với thông thường nhưng vấn đề an toàn tiêm chủng, đảm bảo chất lượng vắc-xin và hiệu quả phòng bệnh cao sau tiêm chủng luôn được VNVC đặt lên hàng đầu. VNVC vẫn đảm bảo tất cả khâu khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm tại chỗ chặt chẽ cho tất cả khách hàng. VNVC cũng tăng cường đội ngũ tổng đài hỗ trợ xử trí phản ứng sau tiêm để kịp thời xử lý những thắc mắc của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng tiêm chủng lần đầu, còn mới mẻ với kiến thức sau tiêm.

"Tiêm chủng phải đảm bảo an toàn không chỉ ở thời điểm tiêm mà còn ở khâu theo dõi sau tiêm, đảm bảo vắc-xin phát huy hiệu quả phòng bệnh tối ưu và lâu dài sau tiêm. Đây là vấn đề cốt lõi, trọng yếu nhưng thường ít được người dân quan tâm", bác sĩ Chính phân tích.

Dịch cúm mùa lan rộng: Số người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tăng cao, VNVC hiện tại tăng gấp 10 lần so với ngày thường - Ảnh 3.

Theo bác sĩ Chính, không chỉ tăng cường đội ngũ nhân sự bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, VNVC còn tăng cường nhân sự và biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các khâu như kho vận, logistics… nhằm đảm bảo mức an toàn cao nhất. 

"Nếu như cán bộ, nhân viên tăng công suất gấp 5 lần thì lực lượng đảm bảo chất lượng, kho vận, logistics tại VNVC phải gia tăng hiệu suất công việc gấp 10 lần. VNVC tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khâu, từ nhỏ nhất như mở tủ bảo quản vắc-xin chuyên dụng tại mỗi phòng tiêm cho đến quá trình cấp phát vắc-xin liên tục diễn ra ngày đêm, bảo quản vắc-xin trong thùng chuyên dụng, kho lẻ, kho tổng…", bác sĩ Chính cho biết.

Ngoài các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, di chuyển trên phương tiện công cộng, sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng, khám bệnh sớm khi có triệu chứng, không nên tự ý điều trị…, bác sĩ Chính tư vấn người dân nên lựa chọn các đơn vị tiêm chủng an toàn, đảm bảo chất lượng vắc-xin để được bảo vệ tối ưu và lâu dài.

Để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêm chủng, tiết kiệm thời gian cho khách hàng nhất là vào khung giờ cao điểm, bác sĩ Chính cho biết VNVC đang áp dụng khung giờ làm việc sớm hơn từ trước 7h30 và kéo dài đến 18h tối, xuyên trưa không nghỉ để hỗ trợ thuận tiện hơn cho khách hàng tại 108 trung tâm trên toàn quốc. 

Đồng thời, VNVC có hệ thống đặt lịch tiêm chủng qua hệ thống website, fanpage, tổng đài, mobile app tiêm chủng VNVC, giúp khách hàng được sắp xếp tiêm chủng nhanh chóng khi đến trung tâm.

Dịch cúm mùa lan rộng: Số người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tăng cao, VNVC hiện tại tăng gấp 10 lần so với ngày thường - Ảnh 4.

Cúm mùa gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao trong cộng đồng, thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch. Bệnh do virus cúm gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%). 

Mầm bệnh có thể tồn tại hàng giờ ở bên ngoài môi trường, đặc biệt lâu hơn ở nhiệt độ lạnh, môi trường ẩm thấp. Từ 0 đến 4 độ C, virus có thể sống trong vòng vài tuần. Ở âm 20 độ C và đông khô, virus có thể sống đến vài năm.

Triệu chứng ban đầu của cúm gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể phục hồi sau 2 - 7 ngày, dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh thông thường. Vì vậy, người dân còn chủ quan cho rằng bệnh nhẹ, làm chậm trễ thời gian phát hiện và điều trị. Trong khi bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. 

Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ cao trở nặng hơn.

Dịch cúm mùa lan rộng: Số người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tăng cao, VNVC hiện tại tăng gấp 10 lần so với ngày thường - Ảnh 5.

Một trong những biến chứng nặng của cúm là viêm phổi. Bệnh nhân có thể mắc viêm phổi do virus cúm hoặc kèm theo bội nhiễm virus, vi khuẩn khác như phế cầu hoặc tụ cầu vàng. Ví dụ, người bệnh vừa bội nhiễm virus cúm và phế cầu khuẩn, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên gấp 8 lần. Khi trở nặng, người bệnh xuất hiện cơn khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, lơ mơ. Nhóm nguy cơ cao đối diện nguy cơ tăng nặng bệnh nền, tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Theo Hiệp hội Hô hấp châu Âu, ở người cao tuổi, cúm mùa có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, nguy cơ đau tim và nhồi máu cơ tim gấp 10 lần, nguy cơ viêm phổi gấp 8 lần. Còn Viện Y tế Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng, cúm mùa có thể dẫn đến nguy cơ biến cố bất thường liên quan đến đường huyết lên đến 74%.

Virus cúm cũng có thể tác động lên các cơ quan khác như xương, tim, hệ thống thần kinh. Thư viện Y khoa Mỹ trích dẫn một nghiên cứu cho thấy một nửa số bệnh nhân cúm ở người lớn không có bệnh tim có kết quả điện tâm đồ bất thường khi nhập viện.

Mẹ bầu mắc cúm cũng thường lâu khỏi bệnh hơn và có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn. Trong đó, viêm phổi là biến chứng nguy hiểm nhất. Mẹ bầu viêm phổi có nguy cơ phải thở máy, dùng kháng sinh liều cao hoặc điều trị bằng hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể được chỉ định phẫu thuật để đưa em bé ra sớm hơn khiến bé chào đời non tháng.

Virus cúm còn tác động lên thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, thai ngừng phát triển hoặc giới hạn tăng trưởng trong tử cung, thai nhỏ hoặc mắc dị tật như hở hàm ếch, tim bẩm sinh, rối loạn tâm thần và một số khiếm khuyết khác trên cơ thể.

Dịch cúm mùa lan rộng: Số người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tăng cao, VNVC hiện tại tăng gấp 10 lần so với ngày thường - Ảnh 6.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc cúm, có nhiều ca viêm phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn nặng.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, nước ta ghi nhận nhiều ca mắc cúm mùa. Các ca mắc cúm hiện tại chưa ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. 

Cơ quan này khuyến cáo bên cạnh các biện pháp giữ vệ sinh như thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tiếp xúc người có dấu hiệu mắc bệnh; cần chủ động tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh cũng như các bệnh khác có thể gia tăng vào mùa lễ hội đầu năm như sởi, ho gà…

Vắc-xin cúm giúp giảm nguy cơ biến chứng, tử vong do cúm

Theo bác sĩ Chính, vắc-xin cúm giúp giảm tỷ lệ nhập viện, nguy cơ trở nặng, tử vong do cúm. Như trong mùa cúm năm 2019-2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết vắc-xin đã giúp giảm khoảng 7 triệu ca mắc, 100.000 bệnh nhân nhập viện và 7.000 ca tử vong do cúm.

Dịch cúm mùa lan rộng: Số người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tăng cao, VNVC hiện tại tăng gấp 10 lần so với ngày thường - Ảnh 7.

Các nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm vắc-xin cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vắc-xin giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm cúm giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.

Hiện Việt Nam có 2 loại vắc-xin cúm tứ giá thế hệ mới, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…

Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.

Vắc-xin cúm cần tiêm nhắc lại hàng năm một mũi do cấu trúc kháng nguyên của virus cúm thay đổi mỗi năm và kháng thể bảo vệ từ vắc-xin giảm dần theo thời gian.

Bác sĩ Chính lưu ý, người dân có triệu chứng bệnh như ho, sốt, nhức mỏi cần khám sớm để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị sớm. Mọi người không nên tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định có thể khiến bệnh trở nặng hơn.

Ngoài phòng cúm, các bệnh như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng có xu hướng gia tăng vào mùa xuân, người dân nên chủ động tiêm thêm các vắc-xin khác để phòng ngừa.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.

7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.

Dịch cúm mùa lan rộng: Số người dân chủ động đi tiêm vắc-xin cúm tăng cao, VNVC hiện tại tăng gấp 10 lần so với ngày thường - Ảnh 9.

Chia sẻ