Ai cần đi tiêm vắc xin cúm?

Lê Nguyễn,
Chia sẻ

Có khoảng 800 nghìn ca mắc cúm mùa tại Việt Nam hằng năm, gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn. Vì vậy, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm mùa có thể gây ra những biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng tai, tim mạch và đột quỵ. Tiêm vắc xin ngừa cúm là một giải pháp xây dựng “lá chắn thép” để bảo vệ sức khỏe. Vậy đối tượng nào cần tiêm vắc xin cúm?

Những con số báo động

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm cúm mùa cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người trên thế giới, với khoảng 10 triệu ca nhập viện. Những con số của quá khứ cho thấy, dịch cúm có những tác hại khủng khiếp. Theo WHO, đại dịch cúm H1N1 vào năm 1918 gây ra 500.000 – 700.000 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ, trong đó khoảng 200.000 trường hợp xảy ra chỉ riêng vào tháng 10 năm 1918 – và ước tính khoảng 30-40 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, đa số xảy ra ở tuổi 15-35.

Tiếp đó, đại dịch cúm H2N2 năm 1957 cướp đi sinh mạng khoảng 70.000 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ và khoảng 1-2 triệu người trên toàn thế giới. Đại dịch cúm H3N2 năm 1968 đã khiến 34.000 người tử vong tại Hoa Kỳ và khoảng 1 triệu cái chết trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, cúm mùa gây ra gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn, trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, số ca mắc thường gia tăng mạnh vào các thời điểm giao mùa. Đặc biệt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, nhiễm trùng tai, co giật,…. và những hệ lụy không ngờ như đau tim, đột quỵ,…

Ai cần đi tiêm vắc xin cúm? - Ảnh 1.

Người lớn tuổi mắc bệnh nền gặp nhiều nguy cơ một khi mắc cúm

Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, bởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi vắc xin cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.

Ai nên tiêm vắc xin cúm?

Vắc xin cúm không chỉ quan trọng với trẻ em, mà còn cần thiết cho cả người lớn. Bác sĩ Bạch Thị Chính- Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, tiêm vắc xin ngừa cúm là một giải pháp toàn diện xây dựng “lá chắn thép” để bảo vệ sức khỏe. “Hầu hết những người mắc cúm thường ở tình trạng nhẹ, không cần chăm sóc y tế hoặc thuốc kháng virus và nhanh chóng hồi phục trong vòng vài ngày đến dưới 2 tuần. Tuy nhiên, cúm mùa lại không đơn giản như nhiều người lầm tưởng, bởi cúm có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như: viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai,… thậm chí là tử vong”- bác sĩ Chính nói thêm.

Đại diện Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TPHCM của cho rằng, cúm cũng khiến các bệnh lý mãn tính trở nên nặng hơn, như người mắc bệnh hen suyễn mãn tính dễ bị các cơn hen suyễn kịch phát hành hạ nếu mắc bệnh cúm, bệnh nhân suy tim sung huyết mãn tính có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn dưới sự tác động của cúm.

Ai cần đi tiêm vắc xin cúm? - Ảnh 2.

Trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng được khuyến khích tiêm vắc xin cúm hiện nay

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ ai cũng có thể mắc cúm mùa, không phân biệt độ tuổi, giới tính,… đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nhất, được khuyến khích cần tiêm phòng cúm mùa càng sớm càng tốt. Theo đó, những người trên 65 tuổi; Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai; Trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi; Người có các bệnh lý mãn tính: hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư,…Người nhiễm HIV/AIDS; Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.

Bên cạnh các đối tượng được khuyến khích tiêm vắc xin cúm, tuy nhiên có một số trường hợp chống chỉ định bao gồm: Trẻ em dưới 6 tháng tuổi; những người bị dị ứng nghiêm trọng, có thể phản ứng quá mẫn nặng đe dọa tính mạng hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin, có thể bao gồm gelatin, kháng sinh hoặc các thành phần khác. Ngoài ra, những đối tượng nên thận trọng và trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi chích ngừa cúm như: Người bị dị ứng với trứng và người mắc Hội chứng Guillain-Barré (một căn bệnh liệt nặng, còn được gọi là GBS); người đang cảm thấy sức khỏe không tốt như đang điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, bị sốt vừa hay sốt cao.

Lựa chọn vắc xin cúm ra sao?

Hiện Việt Nam đang có 4 loại vắc xin cúm gồm 4 gồm Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và vắc xin tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp).

Theo đó, vắc xin Tứ giá Vaxigrip tetra do tập đoàn dược phẩm hàng đầu Sanofi Pasteur của Pháp nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 2016, cho đến nay vắc xin này đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên toàn Thế giới. Vắc xin có hiệu quả bảo vệ lên đến 80% phòng bốn chủng virus cúm gây gánh nặng bệnh tật lớn hiện nay là chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và chủng cúm B (Yamagata, Victoria). Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC là đơn vị đầu tiên triển khai tiêm vắc xin này. Theo các nghiên cứu mới nhất, tiêm vắc xin cúm mùa có thể giúp cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân COVID-19, giảm gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đã quá tải do đại dịch.

Ai cần đi tiêm vắc xin cúm? - Ảnh 3.

Rất đông người dân đến Trung tâm tiêm chủng VNVC để tiêm vắc xin cúm trong sáng nay 10/2

Với vắc xin cúm Tứ giá Influvac Tetra của Hà Lan, là loại vắc xin Tứ giá thế hệ mới được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi hãng Abbott của Hà Lan, được sử dụng phổ biến để ngăn ngừa bệnh cúm mùa có nguy cơ cao bùng phát vào thời điểm giao mùa như Xuân – Hè hoặc Thu – Đông. Hiện nay, vắc xin cúm Tứ giá thế hệ mới Influvac Tetra có khả năng phòng được 4 chủng virus cúm nguy hiểm, bao gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria) với hiệu quả bảo vệ cao, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh, dẫn đến biến chứng, nhập viện và tử vong.

Ngoài ra, vắc xin tam giá Ivacflu-S của Việt Nam là loại vắc xin phòng bệnh cúm mùa hiệu quả, được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa cúm ở người lớn từ 18 đến 60 tuổi. Phác đồ tiêm dành cho người lớn (từ 18 tuổi đến 60 tuổi với 1 liều tiêm 0,5 ml và sau đó nhắc lại hằng năm. Trong khi đó, vắc xin GC Flu của Hàn Quốc là loại vắc xin phòng cúm mùa được sử dụng rộng rãi cho trẻ em từ 36 tháng tuổi và người lớn. Phác đồ tiêm chủng vắc xin GC Flu được khuyến cáo tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng, sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

Chích ngừa vắc xin cúm có tác dụng gì?

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, cúm là bệnh lý nằm trong nhóm 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở mọi đối tượng, việc chủng ngừa cúm hằng năm mang đến những lợi ích gồm: Tiêm chủng cúm là biện pháp ngăn ngừa bệnh cúm hiệu quả; vắc xin cúm là "chìa khóa" phòng ngừa quan trọng cho những đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là người mắc bệnh mãn tính; chủng ngừa cúm cho bà bầu mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả người mẹ và thai nhi.

Ngoài ra, vắc xin cúm cho mẹ bầu là dạng vắc xin liều đơn, điều chế từ virus bất hoạt, vì vậy vắc xin an toàn cho cả mẹ và bé trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Lợi ích cuối cùng tiêm phòng cúm không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn cho gia đình và cộng đồng, giúp tránh tình trạng quá tải lên hệ thống y tế.

Ai cần đi tiêm vắc xin cúm? - Ảnh 6.

Chia sẻ