BS tâm sự 2 tuần không lên mạng vì bận trị bệnh cúm mùa: Tiết lộ những sự thật về căn bệnh, nhắc mọi người làm 1 việc không thừa

Tuấn Minh,
Chia sẻ

"Năm nay bệnh cúm mùa bùng phát dữ dội. 2 tuần nay gần phân nửa bệnh nhân của mình là cúm", chuyên gia chia sẻ.

BS Trương Hoàng Hưng (làm việc tại Mỹ) mới đây chia sẻ, 2 tuần nay anh không "lên sóng" (lên mạng) là vì bận đi trị bệnh cúm mùa.

"Năm nay bệnh cúm mùa bùng phát dữ dội. 2 tuần nay gần phân nửa bệnh nhân của mình là cúm, rồi thêm RSV, Strep và một mớ các thể loại virus khác nên ngày nào cũng chạy vắt giò lên cổ", chuyên gia chia sẻ.

Các bạn xôn xao vì diễn viên Từ Hy Viên bị cúm rồi viêm phổi mà chết, rồi nghe nói ở miền Bắc dịch cúm mùa đang tăng cao nên làm mọi người lo lắng.

BS tâm sự 2 tuần không lên mạng vì bận đi trị bệnh cúm mùa: Tiết lộ những sự thật về căn bệnh, nhắc mọi người làm 1 việc không thừa - Ảnh 1.

"Thật ra đây là câu chuyện cũ vì chuyện cúm mùa là câu chuyện mỗi mùa đông lại đến, chết vì Covid-19 đã là chuyện quá khứ, chứ chết vì cúm thì đều đều, mỗi năm ở Mỹ có gần 6000-7000 người chết vì cúm mùa. Công thức chung là những người có bệnh nền, già cả, suy giảm miễn dịch, y như hầu hết các loại virus đường hô hấp khác thôi", BS Hưng cho hay.

Biến chứng cúm thường gặp là gì?

Cúm thông thường thì gây sốt, đau họng, nhức đầu, nhức cơ, ói, ho, sổ mũi chừng 1 tuần sẽ hết, ho có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, biến chứng hay gặp là viêm phổi do virus cúm hay bội nhiễm vi trùng sau đó, viêm tai giữa ở trẻ em, mà trong đó viêm phổi có thể trở nặng ở người có suy giảm miễn dịch, lớn tuổi, có bệnh nền về tim phổi, cao HA, tiểu đường...

Chưa có thuốc điều trị bệnh cúm, đừng coi Tamiflu là tiên dược

Virus cúm chưa có thuốc điều trị. Thuốc như Tamiflu chỉ có tác dụng kìm hãm virus giúp giảm triệu chứng và hồi phục nhanh hơn nhưng chỉ có tác dụng trên người có triệu chứng nặng như sốt cao và trong 24-48 giờ đầu thôi, sau đó thì cơ thể tự chiến đấu với virus.

Thuốc men thì điều trị triệu chứng là chính, chủ yếu là hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước, cấm hôn hít trong 1 tuần.

BS tâm sự 2 tuần không lên mạng vì bận đi trị bệnh cúm mùa: Tiết lộ những sự thật về căn bệnh, nhắc mọi người làm 1 việc không thừa - Ảnh 2.

Phòng ngừa bệnh cúm: Làm 1 việc không bao giờ thừa

Về cách phòng ngừa chính, ngoài các biện pháp thông thường như hạn chế tiếp xúc người bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay thì vẫn là chích ngừa virus cúm vào tháng 10-11 mỗi năm trước khi dịch cúm phát triển mạnh.

Vắc-xin cúm là trò chơi đoán mò. Mỗi năm, người ta thu thập số liệu rồi dự đoán 4 chủng có thể gây bệnh và làm vắc-xin ngừa 4 chủng đó, có năm trúng nhiều có năm trúng ít. Không có năm nào trúng 100% vì virus cúm có rất nhiều chủng. Do đó không thể nào ngừa hết được tất cả các chủng cúm đang lưu hành.

"Cho nên chích ngừa cúm xong vẫn có thể bị cúm. Bị cúm rồi vẫn có có thể bị lại tuần sau do chủng khác. Tôi có bệnh nhân một mùa bị cúm 3 lần. Tuy nhiên, nếu có chủng ngừa cúm thì dù cho có bệnh cúm cũng nhẹ hơn người ta vì có kháng thể chéo", chuyên gia khẳng định.

BS tâm sự 2 tuần không lên mạng vì bận đi trị bệnh cúm mùa: Tiết lộ những sự thật về căn bệnh, nhắc mọi người làm 1 việc không thừa - Ảnh 3.

BS Hưng đánh giá, năm nay, vắc-xin cúm có vẻ có hiệu quả tốt. "Tôi năm nào cũng chích, rồi ngày nào cũng có chừng chục bệnh nhân "ho virus cúm vô mặt" nhưng không bị cúm, có bị thì rất nhẹ, 1-2 ngày là khỏe trừ ho có thể hơi lâu", chuyên gia chia sẻ.

Thanh niên trẻ khỏe cũng nên tiêm phòng cúm

Theo BS Hưng, thanh niên trẻ khỏe cũng nên đi chích ngừa cúm để bảo vệ bản thân và tránh lây bệnh cho người thân trong gia đình. 

BS tâm sự 2 tuần không lên mạng vì bận đi trị bệnh cúm mùa: Tiết lộ những sự thật về căn bệnh, nhắc mọi người làm 1 việc không thừa - Ảnh 4.

"Chuyện cúm mỗi năm vậy thôi, không có gì mới, tại năm nay bị nhiều quá nên bà con xôn xao, một phần là bà con đọc google với coi tiktok nhiều quá nên không chích ngừa cúm nhiều nên dịch tới cản không kịp", vị bác sĩ khẳng định.

(Nguồn ảnh: Internet)

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.

7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.

BS tâm sự 2 tuần không lên mạng vì bận đi trị bệnh cúm mùa: Tiết lộ những sự thật về căn bệnh, nhắc mọi người làm 1 việc không thừa - Ảnh 6.

Chia sẻ