Để sau 5 rưỡi chiều không một ai phải mở laptop lên làm việc, đây là 4 bước chị em phải thực hiện ngay!
Phải chăng chị em đang dễ dãi với chính mình để rồi phải lâm vào tình cảnh lúc nào cũng bù đầu trong công việc?
Công việc chồng chất cuốn chị em vào vòng xoáy bận bịu ngày này qua tháng khác, khiến chúng ta không sao dứt ra được để phục hồi năng lượng và có sự cân bằng trong cuộc sống. Thành ra khi đi làm về, chúng ta vẫn phải mở máy lên và dán mắt vào màn hình đến tận đêm.
Nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia, nghỉ ngơi giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì chất lượng cuộc sống, giúp chị em cảm thấy tràn đầy nhiệt huyết và làm việc tốt hơn. Có lẽ, 4 bước sau sẽ có ích đối với những chị em đang gặp khó khăn khi không thể tách biệt thời gian nghỉ ngơi và công việc văn phòng.
Bước 1: Xác định rõ thời gian “không dành cho công việc”
Nếu chị em làm việc trong môi trường truyền thống tan sở 5 giờ hay 5 rưỡi chiều, thời gian cá nhân sẽ được cố định hơn. Nhưng nếu đang làm việc trong một môi trường với thời gian linh hoạt, có lẽ chị em sẽ cần phải suy nghĩ và lên kế hoạch cho “thời gian sau công việc” hợp lý. Nếu sếp bắt buộc bạn phải làm việc vào một số giờ nhất định mỗi tuần, hãy cố sắp xếp quỹ thời gian sao cho phù hợp với cuộc sống nghỉ ngơi cá nhân.
Ví dụ như giờ làm việc sẽ không trùng với lịch đưa đón con đi học, hoạt động ngoại khóa, tham gia lớp yoga. Hãy xác định rõ thời gian biểu bắt đầu và kết thúc công việc.
Mặt khác, nếu công ty không đưa ra một khoảng thời gian cụ thể mà thường giao việc rất đột xuất, khiến công việc chiếm gần hết thời gian cả ngày, hãy tiếp cận theo cách khác. Thử tính toán xem chị em cần ít nhất bao nhiêu giờ để đáp ứng các hoạt động cá nhân cho việc ngủ, thể dục, gia đình, bạn bè, dọn dẹp... Sau đó, chia sắp xếp chúng theo ngày và theo tuần sao cho phù hợp với công việc.
Bước 2: Xây dựng lịch trình hàng ngày
Tiếp theo, hãy chắc chắn rằng chị em rõ ràng về những gì cần phải hoàn thành và khi nào sẽ hoàn thành nó. Thử viết ra những điều chúng ta cần làm, ví dụ như sử dụng một cuốn sổ tay, app quản lý cá nhân, lịch... thay vì chỉ cố ghi nhớ thôi! Sau đó, khi có danh sách những việc cần làm, hãy lên kế hoạch cụ thể hơn. Kế hoạch này làm giảm sự lo lắng và giúp chị em đương đầu với những rủi ro có thể xảy đến.
Cuối cùng, chị em hãy dành thời gian để kết thúc một ngày làm việc. Trong thời gian này, chúng ta có thể xem lại danh sách việc cần làm hàng ngày và đánh dấu tiến độ, kiểm tra nhanh email để đảm bảo mọi tin nhắn khẩn cấp được xử lý trước khi bạn rời văn phòng. Từ đó, quãng thời gian sau công việc sẽ thoải mái và bớt âu lo hơn!
Bước 3: Thẳng thắn với đối tác/đồng nghiệp
Trong một số tình huống, chị em có thể đặt ranh giới sau giờ làm việc là 6 giờ chiều. Lúc đó, hãy trình bày thẳng thắn với đồng nghiệp hoặc đối tác của bạn. Ví dụ, chị em có thể nói: “Tôi sẽ về nhà vào 6 giờ chiều, nếu bạn liên lạc với tôi sau thời gian đó thì hãy thông cảm nhé, vì tôi có thể sẽ trả lời bạn khoảng 9 giờ sáng ngày mai!”
Nhưng không phải mọi chuyện lúc nào cũng rõ ràng như vậy! Nhiều công việc đòi hỏi có sự kết nối liên tục. Chị em cũng có thể đưa ra một số nguyên tắc để giảm thiểu những sự liên lạc không cần thiết. Ví dụ, sau 6 giờ chiều, thay vì gọi điện trực tiếp, hãy yêu cầu đối tác, đồng nghiệp nhắn tin hoặc gửi email trừ tình huống khẩn cấp.
Bước 4: Hoàn thành công việc trước khi về nhà
Nghe có vẻ vô lý, nhưng sự thật là nhiều người chỉ thực sự tập trung làm việc chỉ sau khi rời văn phòng hoặc đến tận khi xử lý xong việc nhà, cho con đi ngủ.
Chị em thường có suy nghĩ này vì đây là khoảng thời gian duy nhất trong ngày mà chẳng có ai giục deadline hay bị làm phiền. Trong khi ở văn phòng, chị em dễ để cho mình phân tâm bởi nhiều vấn đề nhỏ nhặt. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng ta đang tốn thời gian cả một ngày để làm việc.
Hãy quý trọng và dành thời gian cho những gì đáng giá hơn, nhất là việc thư giãn, nghỉ ngơi bảo vệ đầu óc. Để tập trung xử lý công việc khi còn ở văn phòng, có lẽ chị em cần thắt chặt và nghiêm khắc hơn với những thói quen của mình.
Thử đặt thời gian cho dự án. Đặt nhắc nhở để trả lời email của khách hàng. Thường xuyên tham gia các buổi họp với sự nghiêm túc. Hãy hoàn thành dần dần các nhiệm vụ. Bởi sự phân tâm đôi khi đến từ nỗi lo lắng và căng thẳng khi không hoàn thành công việc trước đó!
Theo HBR