Đế chế Samsung và căn bệnh di truyền đáng sợ mang tên teo cơ MÁC, “thừa mứa” tiền quyền cũng không thể chữa khỏi
Dù nắm trong tay quyền lực cùng khối tài sản khổng lồ, cả gia tộc Samsung vẫn không thể thoát khỏi căn bệnh di truyền đáng sợ này.
Nhắc đến cái tên Samsung nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ, "thừa mứa" tiền – quyền và được khắp thế giới tung hô. ngưỡng mộ. Năm 1938, một cửa hàng nhỏ với số vốn vỏn vẹn 25 USD (gần 600 nghìn VNĐ) được ông Lee Byung Chul mở ra. Chẳng ai có thể ngờ cửa hàng nhỏ bé năm nào nay đã trở thành tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc, vươn tầm thế giới.
Trước khi qua đời, ông Lee Byung Chul đã trao quyền quản lý tập đoàn cho người con trai thứ 3 – Lee Kun Hee. Các người con khác cũng chia nhau điều hành các "mảnh ghép" còn lại gồm nhiều lĩnh vực như xây dựng (Hansol), truyền thông (CJ Entertainment), bán lẻ (Shinsegae).
Trong danh sách 50 tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc năm 2018 theo Forbes, gia tộc họ Lee, người sở hữu Tập đoàn Samsung chiếm 7 vị trí, với tổng tài sản lên đến 41,24 tỷ USD.
Rất nhiều người tự hỏi cuộc sống vương giả bên trong gia tộc Samsung diễn ra như thế nào? Tất nhiên, kể từ khi lọt lòng, con cháu trong gia tộc quyền lực này đã được "ngậm thìa kim cương" tuy nhiên có một góc khuất ít ai ngờ tới bên trong gia tộc này mang tên căn bệnh Charcot-Marie-Tooth (bệnh teo cơ Mác).
Nỗi ám ảnh với căn bệnh di truyền hiếm gặp
Sống trong nhung lụa chẳng thiếu thứ gì nhưng người nhà họ Lee luôn mang trong mình nỗi sợ ngay ngáy về bệnh Charcot-Marie-Tooth (teo cơ Mác) – căn bệnh khiến cơ ở chân, bàn tay, bàn chân suy yếu hoặc mất cảm giác.
Theo tờ JoongAng Daily tiết lộ, ông Lee Kun Hee thực ra đã mắc chứng bệnh này từ lâu nhưng vẫn chưa tìm ra cách để giải quyết nó triệt để.
Mắc tình trạng bệnh tồi tệ hơn cả là Lee Jay Hyun – cháu trai của Lee Kun Hee. Mỗi khi đi du lịch hoặc tiếp xúc với truyền thông, họ luôn cần có người hỗ trợ mình.
Lee Jay Hyun là chủ tịch của CJ Group, đồng thời là con trai cả Lee Maeng Hee. Năm 2013, ông bị điều tra vì tội tham ô và trốn thuế, lúc này truyền thông cũng đồng loạt đưa tin Lee Jay Hyun đang phải vật lộn với bệnh suy thận và một căn bệnh hiếm gặp khác tên Charcot-Marie-Tooth. Đã nhiều lần, người ta nhìn thấy Lee Jay Hyun bỗng dưng ngã khụy xuống đất, mệt mỏi vì mang trong mình rất nhiều bệnh tật.
Khi xuất hiện tại các phiên điều tra, Lee Jay Hyun thường xuất hiện với vẻ ngoài mệt mỏi, ốm yếu, ông không tự đi lại được do tay chân co quắp vì biến chứng của bệnh teo cơ Mác mà phải sử dụng xe lăn có người hỗ trợ phía sau.
Tưởng chừng bệnh teo cơ Mác chỉ di truyền ở nam giới nhưng công chúa nhà họ Lee – cô Lee Bo Jin (con gái thứ 2 của ông Lee Kun Hee) cũng phải xoay xở để chống chọi với căn bệnh này từ trẻ. Xinh đẹp và giỏi giang xong Lee Bo Jin đành phải chấp nhận "sống chung với bệnh" vì không thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Có thông tin rằng chính "thuyền trưởng" Samsung Lee Byung-chul trước đây cũng đã mắc căn bệnh này. Bên cạnh đó người con trai cả tên Lee Maeng-hee và người con gái duy nhất tên Lee Myung-hee cũng phải khổ sở với nó.
Có lẽ chỉ khi đối mặt với bệnh teo cơ Mác, gia tộc Samsung mới thấm thía câu nói tiền không thể mua được mọi thứ, quả nhiên trong trường hợp này tiền bạc không thể giúp họ khỏi bệnh bởi hiện vẫn chưa thể tìm ra được cách chữa trị mà người bệnh phải dựa vào phương pháp vật lý trị liệu để làm giảm các triệu chứng bệnh.
Không cam tâm với việc chống chọi với bệnh tật từng ngày, gia tộc quyền uy không ngại "ném tiền" vào công cuộc nghiên cứu, tìm cách chỉnh sửa gen để chữa trị bệnh di truyền nguy hiểm cho gia đình mình. Trung tâm y tế Samsung luôn có sẵn đội ngũ các nhà khoa học và bác sĩ để phát triển dự án này.
Bệnh teo cơ Mác mà gia tộc Samsung ám ảnh là gì?
Bệnh Charcot-Marie-Tooth (CMT), hay còn gọi là bệnh teo cơ Mác, được đặt theo tên của ba bác sĩ đầu tiên phát hiện ra, đây là tên gọi một nhóm các bệnh lý rối loạn thần kinh ngoại biên do di truyền. Do các dây thần kinh ngoại biên điều khiển trực tiếp tứ chi nên rối loạn thần kinh ngoại biên sẽ khiến cơ ở chân, bàn tay, bàn chân suy yếu hoặc mất cảm giác.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh teo cơ Mác?
Đây là một căn bệnh di truyền nhưng không có triệu chứng ngay mà thường bộc phát ở độ tuổi 10-20. Cũng có trường hợp bệnh không phát sinh cho đến khi 60 tuổi.
Nam giới có tỷ lệ mắc teo cơ Mác cao gấp 3 lần nữ giới. Dù đây là căn bệnh không gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Dấu hiệu của bệnh teo cơ Mác
Bệnh teo cơ Mác không xuất hiện triệu chứng ngay sau khi sinh. Người bệnh có thể không phát hiện mình bị bệnh cho đến khi xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Yếu cơ;
- Mất trương lực cơ, nghĩa là không thể co cơ từ đầu gối xuống.
- Hình dạng bàn chân bất thường (vòm cao, cong lên ngón chân);
- Đi lại khó khăn;
- Chuột rút cơ bắp;
- Đau xương và cơ bắp;
- Các vết loét ở chân không lành.
Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể có bao gồm:
- Biến dạng ngón chân;
- Chứng bàn chân rũ, tức là không thể hoạt động cổ chân;
- Mất cảm giác (không có cảm giác khi nóng, lạnh, hoặc chạm nhẹ);
- Bị tê tứ chi;
- Cảm thấy mất thăng bằng hoặc không vững.
Phương pháp điều trị bệnh teo cơ Mác
Căn bệnh này hiện nay không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp vật lý trị liệu có thể giúp cho cơ bắp được khỏe mạnh và làm tăng tuần hoàn máu đến tứ chi.
Nếu bệnh không quá nặng, người bệnh có thể sinh hoạt với sự hỗ trợ của nẹp chân, giày đặc biệt với miếng lót giày ngăn ngừa tổn thương dây chằng và cơ gân.
Một số trường hợp sẽ được bác sĩ phẫu thuật để đặt nẹp hoặc niềng khớp để người bệnh không bị chấn thương, đồng thời, tăng khả năng vận động cho người bệnh.