KHI ĐÀN ÔNG LÊN TIẾNG

Đây là Minh. Minh có sự nghiệp, vợ đẹp con khôn nhưng vẫn "khổ đủ đường". Hãy như Minh.

Lynk,
Chia sẻ

"Ở cơ quan anh có thể làm sếp, làm gã nhân viên văn phòng quần là áo lượt nước hoa thơm phức, nhưng bước chân vào đến nhà, thì anh phải sẵn sàng để làm thợ điện, đầu bếp, quét dọn, thợ sơn, thợ mộc… và thậm chí là cả vú em."

Trước đây ông cha ta thường trọng nam khinh nữ, từ quốc gia đại sự đến chuyện trong nhà quyền phép đều trong tay đàn ông. Người ta mặc định rằng đàn ông là trụ cột của nước nhà, của gia đình, tất cả trọng trách lớn lao đều phải do đàn ông gánh vác. Có 3 việc lớn trong đời mà một trang nam nhi phải làm được theo quan niệm người xưa: thứ nhất tậu trâu, thứ 2 cưới vợ, thứ 3 làm nhà – lần lượt tương ứng với sự nghiệp, hôn nhân, nơi ăn chốn ở.

Tuy nhiên, xã hội bây giờ đổi khác, người ta đấu tranh cho bình đẳng giới, nữ quyền “lên ngôi” từ trong nhà ra đến tận chốn công sở. Điều này ai cũng phải thừa nhận khi thực tế ngày càng nhiều phụ nữ thành đạt, nổi tiếng và quyền lực, thuộc đủ ngành nghề trong xã hội. Và phụ nữ cũng trở thành nguyên nhân gây ra bao nỗi sợ hãi ám ảnh cho đàn ông, còn khổ hơn cả gánh vác mấy việc lớn kia.

những nỗi khổ thời @ của đàn ông
Ông bố 2 con Phan Đức Minh đã có chia sẻ rất vui nhộn về những nỗi khổ của đàn ông bây giờ

Đây là anh Phan Đức Minh (Thanh Sơn, Phú Thọ), anh là một trong số những người đàn ông hay “tủi thân” vì khổ đủ đường. Như tìm được chỗ “xả hơi”, “động thổ” đúng chỗ bức xúc, anh tuôn một tràng tù tì về những nỗi khổ đổ ụp xuống đầu chỉ vì anh là đàn ông. Anh thay mặt phái mạnh bày tỏ:

“Mình là nhân viên ngân hàng địa phương. Công việc liên quan đến tiền tệ khá khô khan và rắc rối, đòi hỏi sự cẩn trọng nữa. Làm việc luôn căng thẳng, và nhiều khi mệt mỏi đến mức về đến nhà là không thiết tha gì nữa. Thế mà nỗi khổ chưa chấm dứt. Về nhà mặt vợ tăng diện tích, độ dày cả phủ bì khuôn mặt nặng hơn cái đĩa hoa quả, nhìn mà ức chế! Không khí bắt đầu nặng nề thêm thì mình lại lâm vào khủng hoảng trầm trọng khi con cái nô nghịch phá phách, chạy khắp nhà, đứa bé tí thì bò lổm ngổm trên sàn.

Ấy vậy mà vợ toàn quát bắt bế con. Mình cũng đồng ý giúp thôi, và để thể hiện tấm lòng hi sinh thì mình còn nấu cơm cho vợ bán hàng. Vợ còn nấu không ngon bằng mình. Nhưng cơm ngon canh ngọt xong còn chẳng được khen, lắm lúc vợ gặp khách hàng thuộc dạng “chày cối, mặt trơ trán bóng, kiêu chảnh” thì quay sang cáu chồng vô cớ, giận cá chém inox.”

Anh Minh bảo, làm đàn ông thời nay, đi đâu, làm gì nơi công cộng cũng phải nhường chị em phụ nữ, nhường ghế trên bus, nhường chỗ xếp hàng ăn uống, mua đồ... Cái gì cũng mặc định là "lady first", thể hiện các anh là người đàn ông lịch thiệp, cư xử văn minh. Thế nhưng, nhiều khi chị em lợi dụng điều này hơi quá, chen lấn xô đẩy, to tiếng với người khác để được nhường lấy đồ nhanh hơn. Nếu các anh có để ý nhắc khéo, thì kiểu gì cũng bị lườm nguýt, mắng vốn vào mặt. Ai bảo các anh sinh ra là đàn ông, phải biết thương hoa tiếc ngọc chứ! Nỗi khổ này biết kêu ai??

Có thể thấy, anh Minh là người đàn ông vô cùng gương mẫu, điển hình của “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Tuy nhiên suốt 6 năm “tù chung thân” với cô vợ xinh đẹp nổi tiếng Thảo Xù, thì anh gia tăng sức chịu đựng lên một level khá cao. Bằng chứng là anh sẵn sàng “nhân đôi nỗi khổ đau” bằng nụ cười ngọt ngào khi ở nhà với vợ con.

“Mình luôn là người tắm vệ sinh cho con, chơi với con, dọn dẹp bãi chiến trường sau mỗi lần chúng quậy phá. Tắm nhiều quá nên giờ chuyện nghiệp hơn cả mấy bà cô chuyên tắm thuê cho trẻ sơ sinh tại nhà, còn các con thì cứ eo éo bố Minh tắm cho con cơ!! Khổ nhưng mà vui các ông ạ, chỉ người làm bố mới hiểu!”.

những nỗi khổ thời @ của đàn ông
Đi làm thì chỉn chu lịch sự thế này...

những nỗi khổ thời @ của đàn ông
...nhưng về nhà anh lại bận rộn với con cái và đủ thứ việc khác, chẳng kém các mẹ bỉm sữa
.

Những chuyện anh Minh kể chắc hẳn người đàn ông nào cũng từng trải qua, đọc xong cảm thấy như được soi một tấm gương phản chiếu y xì mình ở trong đó. Soi xong anh nào cũng than trời, “đàn ông chúng mình sao khổ thế”, còng lưng đi làm về nhà còn phải phục vụ vợ, trông lũ con quỷ sứ, rồi ti tỉ việc khác nữa. 

Ở cơ quan anh có thể làm sếp, làm gã nhân viên văn phòng quần là áo lượt nước hoa thơm phức, nhưng bước chân vào đến nhà, thì anh phải sẵn sàng để làm thợ điện, đầu bếp, quét dọn, thợ sơn, thợ mộc…và thậm chí là cả vú em. Quần áo thì lôi thôi, đầu tóc thì bô nhếch, mặt thì nhàu hơn cái tã của con. Ra đường là chú là anh – Về nhà với vợ làm anh cu Tèo! Thế đấy!

Kinh khủng hơn nữa là bị quản tiền lương. Hầu như  cánh mày râu đều biết "sự tích con sâu róm", ấy là giai thoại hùng hồn lưu truyền trong giới mày râu về một anh dũng cảm bỏ sâu róm vào trong khắp túi quần túi áo để vợ không dám “trấn lột” tiền. Anh nào bản lĩnh không sao, nhưng đa số các anh đều “nể” người yêu hoặc vợ, toàn phải chủ động đưa sổ lương, thẻ ATM cho họ giữ hộ, miệng cười tươi mà “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”! Ra đường mà không có nổi trăm nghìn dằn túi, đi café, trà đá với mấy ông bạn thân thật tủi. Đàn ông làm ra tiền mà hầu bao lúc nào cũng trong tình trạng “vô hình”, đấy không là khổ thì là gì nữa!

1
Kể chuyện vui vẻ thế thôi, chứ anh Minh vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống và công việc hiện tại.

Vợ anh Minh còn là người tạo ra một trường phái "suy diễn vô cùng nghệ thuật", làm anh đau đầu khổ tâm suốt một thời gian dài, mãi mới uốn nắn được: “Cái xấu nhất của vợ là mỗi lần mình đi uống rượu là cô ấy gọi réo liên tục. Anh ăn ở đâu? Với ai? Có nữ không? Bao nhiêu tuổi? Xinh không? Mặc váy màu gì?

Mình trả lời “màu xanh” thì gật gù, được, con này không sao. Nhưng nếu say say phê phê lỡ khai thật "màu đỏ với tím” thì thôi rồi, vợ phán con này loè loẹt có vấn đề, về nhà ngay! Mình không hiểu phụ nữ dựa vào tư duy logic thế nào mà lại suy diễn được như vậy? Thế là toi bữa nhậu. Khổ thân tôi…”.

Đó là vài mẩu chuyện vui của người đàn ông "vợ đẹp, con khôn, có sự nghiệp" Phan Đức Minh, chia sẻ về những nỗi khổ "ngọt ngào" mà anh từng trải qua với vai trò là người đàn ông. Còn rất nhiều điều khổ sở nữa mà nếu để cánh mày râu tự sự chắc còn dài hơn cả sớ Táo quân. Có thể kể đến như việc "bị đòi quà" vào các ngày lễ tết như 14/2, 8/3, 20/10...và thậm chí chẳng cần lý do gì cũng vẫn thích đòi quà. Chị em bảo thế là ga lăng, là quan tâm phụ nữ, là người đàn ông lý tưởng, kể cả là đồng nghiệp hay anh em, bạn bè...thì chị em đều có thể nũng nịu hết. Chỉ bởi...là đàn ông thôi!

Cuối cùng, anh gửi lời "nhắn nhủ": "Nhưng thôi các anh em ạ, “nhàn cư vi bất thiện”, thà bận rộn vất vả một chút nhưng chúng ta có thể tự hào rằng mình gánh vác được tất cả những trọng trách đó, ra dáng đại trượng phu ngoài xã hội, và là trụ cột của gia đình. Các anh cũng cần ghi nhớ một điều, dù có bất mãn thế nào đi nữa, dù bị chị em, đồng nghiệp, vợ mình đè đầu cưỡi cổ khiến mình khổ hơn đi làm thuê, thì sự thực phụ nữ vẫn luôn cần đàn ông làm chỗ dựa. Các chị vẫn sợ ma, sợ gián, sợ leo trèo, sợ béo, sợ xấu...và thích được đàn ông khen ngợi, cưng chiều. Thế nên khổ mấy cũng vẫn là sướng các anh ạ!"

Chia sẻ