Dâu trưởng và "thế vận hội" giỗ chạp ở nhà chồng
Dường như trong gia đình Hải đã ngầm mặc định, đã làm dâu trưởng, phải đảm nhận trách nhiệm chu toàn mọi việc mà không cần ai san sẻ hay giúp đỡ.
Lấy chồng đã hơn 10 năm, nhưng Lan (Đống Đa, Hà Nội) vẫn chẳng thể nào quen với chuyện giỗ chạp nhà chồng. Với cô, mỗi lần chồng thông báo về quê ăn giỗ là cả nỗi lo lắng lớn đè nặng.
Ngày lấy Hải, mẹ cô rào đón chuyện con gái thành phố về làm dâu ở nông thôn. Bà sợ con gái bà vụng về, làm sao quán xuyến được vai trò dâu trưởng ở quê Hải, nhất là quê Hải vốn coi trọng chuyện lễ giáo, phong tục. Nhưng Lan chỉ cười trấn an mẹ, cô lấy Hải ở quê nhưng hai vợ chồng làm việc và sinh sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về quê lo chuyện giỗ chạp, nên cô chẳng lo chuyện phong tục nặng nề. Chẳng ngờ, về làm dâu nhà Hải cô mới thấm thía nỗi lo lắng của mẹ. Chuyện giỗ chạp thực sự là nỗi ám ảnh mà đến giờ đã hơn 10 năm, cô vẫn không thôi hoảng sợ.
Trong tưởng tượng của cô, vợ chồng cô ở xa chỉ cần có mặt những ngày giỗ quan trọng, có mặt để thắp hương gia tiên rồi tham dự bữa cơm với họ hàng. Nhưng ngay sau ngày cưới, vợ chồng đã được “lệnh” về quê làm giỗ ông cố nội của chồng. Thấy mình mới kết hôn, Lan cũng coi chuyện về quê làm giỗ như dịp để dâu mới chào hỏi họ hàng. Hai vợ chồng Lan về quê trước ngày giỗ 2 ngày. Buổi tối đầu tiên, bố chồng gọi hai vợ chồng đến “trao trả” nghĩa vụ: “Giờ Hải đã lập gia đình, bố mẹ yên tâm gửi lại trách nhiệm con trưởng cho hai con. Đây là lịch ghi rõ những ngày cúng giỗ trong năm, bố đưa lại cho hai con, hai con từ nay thay bố mẹ làm giỗ cho ông bà tổ tiên sao cho chu đáo, theo đúng tập tục quê mình”. Lan nhận cuốn sổ tay từ bố chồng mà không khỏi bất ngờ, gần như tháng nào cũng có đánh dấu ngày giỗ, có những ngày giỗ của ông bà phải cách chồng cô đến 5-6 đời nhưng bố chồng đều yêu cầu phải mời đầy đủ họ hàng, làng xóm.
Sau cuộc nói chuyện với bố chồng, cô đem thắc mắc chuyện vợ chồng ở xa, chẳng lẽ dịp nào cũng phải về trước một ngày để lo chuyện đi chợ, mời hàng xóm, lo cỗ bàn thì chỉ nhận được câu trả lời bình thản của chồng: “Anh chị là con trưởng, chuyện này phải làm là chuyện bình thường ở quê anh”.
Không chỉ mệt mỏi vì thủ tục giỗ chạp nặng nề, rườm rà, mà mọi khoản chi tiêu lớn đều phải do vợ chồng Lan trang trải (Ảnh minh họa).
Nhưng với Lan, chuyện làm giỗ chẳng phải “chuyện bình thường”. Trước ngày giỗ, vợ chồng Lan phải có mặt ở quê, đến từng nhà họ hàng, làng xóm mời giỗ. Sau đó phải đi chợ, giao nhiệm vụ từng người nấu nướng, dọn dẹp. Giỗ to, giỗ nhỏ đều phải đủ 15 mâm. Đã thế chồng Lan chẳng giúp gì, cứ về là chè chén với anh em, mặc Lan lo toan hết mọi việc. Không chỉ mệt mỏi vì thủ tục giỗ chạp nặng nề, rườm rà, Lan còn phải lo mọi khoản chi tiêu lớn nhỏ. Đã thế, nếu cỗ bàn không như ý, mọi người chẳng ngại chê trực tiếp với vợ chồng cô. Dường như trong gia đình Hải đã ngầm mặc định, đã làm dâu trưởng, phải đảm nhận trách nhiệm chu toàn mọi việc mà không cần ai san sẻ hay giúp đỡ. Làm tốt không sao, làm không tốt là mang tội làm xấu mặt bố mẹ với họ hàng, làng xóm.
Hôm nay vừa về nhà, chồng cô đã nhắc cuối tuần về quê làm giỗ, Hải còn báo: “Năm nay bố nói có ông chú họ bên Anh lâu ngày mới về thăm quê, giỗ năm nay sẽ mở rộng mời 20 mâm khách, em chuẩn bị cho chu đáo”. Lan nói dịp này Công ty đang có thanh tra thuế đột xuất không xin nghỉ phép được, dịp giỗ này anh giúp cô mang tiền về đóng góp, nhờ cô chú ở nhà giúp. Hải bực tức ra mặt: “Em làm thế thì bố mẹ biết giấu mặt vào đâu, mình là con trưởng, không thể thoái thác nhiệm vụ cho người khác”. Bao dồn nén bấy lâu, Lan nói thẳng với chồng: “Em không phải là đứa con không có hiếu hay không biết điều, nhưng nếu không thu xếp được công việc, mọi người cũng nên thông cảm cho em. Bao năm nay chưa giỗ nào em không làm tròn trách nhiệm dâu con, nếu chỉ vì một cái giỗ mà nói em làm xấu mặt bố mẹ là không đúng. Nhân tiện em cũng nói cho anh biết, chuyện cúng giỗ của nhà mình em thấy quá nặng nề và tốn kém, mình em kham không nổi. Anh thương vợ con thì cũng nên dùng vị trí con trưởng của mình đưa ra tiếng nói góp ý ông bà, chứ đừng để giỗ chạp trở thành gánh nặng cho con cháu. Anh cũng đừng một câu con trưởng, hai câu trách nhiệm để áp đặt mọi nhiệm vụ cho em”.
Lan bỏ về phòng trong sự ngỡ ngàng của Hải. Nhưng cô không ân hận khi nói ra suy nghĩ của mình. Bao năm qua cô đã cố gắng làm tròn trách nhiệm được bố mẹ chồng giao phó, nhưng khi những lề thói trở nên quá nặng nề, cô ước gì có cách để giải thoát cho mình. Cô biết Hải có lẽ sẽ chẳng giúp cô giảm bớt được áp lực dâu trưởng trong gia đình. Chưa bao giờ cô lại ân hận vì quyết định lấy chồng là con trưởng thế này. Cô hoang mang và lo sợ cho phúc gia đình cô đã vun đắp hơn 10 năm qua...