Những nàng dâu út mang "trọng trách" dâu trưởng

Thùy Liên,
Chia sẻ

Đâu cứ phải là dâu trưởng thì vất vả, dâu út thì được cưng chiều sung sướng. Có những chị em làm dâu út vẫn phải chịu cực hơn cả dâu trưởng vì “làm em ăn thèm vác nặng”.

Chị Nga (Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) lấy chồng là con út trong gia đình có 4 anh em trai, nhưng phải mang trách nhiệm nặng nề như một dâu trưởng trong gia đình. Chị Nga kể: “Bố mình là con trai trưởng trong gia đình đông anh em nên mẹ mình vất vả lắm. Mẹ cũng luôn nói với mình rằng khi lập gia đình thì chọn anh nào làm con út trong nhà mà yêu. Và chồng mình đúng là con trai út, nhưng vẫn chẳng tránh được trách nhiệm nặng nề như con trưởng”. 

Chẳng là gia đình chồng chị Nga có 2 anh em trai, chồng chị Nga là út và anh chị đang sống cùng bố mẹ chồng do anh trai chồng sinh sống ở trong Nam. Bố mẹ chồng chị già yếu muốn sống gần họ hàng nội tộc nên không muốn theo con trưởng vào Nam. Và tất nhiên khi ông bà ở lại, đồng nghĩa với việc vợ chồng chị Nga được anh chồng "nhờ cậy" chăm lo việc nhà và chăm lo cho bố mẹ. Chị Nga tâm sự: “Mình lấy chồng từ năm 24 tuổi, đến giờ được gần 5 năm. Ngày thứ hai sau khi về nhà chồng, mình được mẹ chồng trao tay cho cuốn sổ ghi lại tất cả những ngày quan trọng của gia đình, họ hàng: nào là đám giỗ, lễ Tết ở trong nhà; giỗ bên họ hàng nội ngoại, nào là ngày cưới bố mẹ chồng, ngày cưới anh chồng, rồi sinh nhật bố mẹ chồng, sinh nhật anh chồng, chị dâu, và 2 đứa cháu... Năm nào cũng như năm nào, cứ đến ngày gì là răm rắp mà làm”. 

Là nhánh trưởng trong họ, nên một năm, chị Nga tính ra ngót nghét gần hai chục đám giỗ phải lo. Chưa kể họ hàng cưới xin, chị lại được bố mẹ chồng huy động về quê giúp các bác - cô - dì vài ngày. Chị cười khổ: “Mình là công chức, làm việc giờ hành chính nhưng nhiều khi đám cưới, đám giỗ lại phải lập cập tính toán thế nào cho chu toàn. Anh chồng và chị dâu ở xa, năm về nhà thăm bố mẹ chồng một lần vào dịp Tết, cho nên mọi trách nhiệm dồn hết vào vợ chồng mình. Không lo thì áy náy với bố mẹ chồng, mà lo thì đúng là mệt bở hơi tai".

Những nàng dâu út mang
Chị Nga cho biết: "Không lo mọi việc trong nhà thì áy náy với bố mẹ chồng, mà lo thì đúng là mệt bở hơi tai" (Ảnh minh họa).

Cũng là dâu út như chị Nga, chị Tâm (Long Biên, Hà Nội) chịu cảnh vất vả không khác gì dâu trưởng. Bố chồng chị Tâm là người khá tình cảm, ông luôn muốn các con mình sống quây quần hòa thuận với nhau nên đại gia đình đều sống chung dưới một mái nhà. Chồng chị là con thứ, lại lập gia đình sau anh trưởng và nhà còn cô út chưa đi lấy chồng, thế nên khi chị về làm dâu nhà anh cũng chịu nhiều thiệt thòi. Chị Tâm kể về cuộc sống ở nhà chồng: “Nhà mang tiếng là có chị dâu và thêm cả em chồng nhưng mọi việc đều đến tay mình hết. Chị dâu làm kiểm toán, công việc bận bịu tối ngày, có nhiều khi còn phải công tác nước ngoài. Còn em chồng thì cũng đang mải ăn mải chơi. Chính vì thế, mình về làm dâu là bố mẹ chồng giao luôn cho chức 'tay hòm chìa khóa'. Công việc cứ thế mà lên kế hoạch và làm".

Theo đó, một ngày của chị Tâm bắt đầu bằng việc hẹn chuông đồng hồ từ lúc 5h sáng, chuẩn bị đồ ăn sáng cho 9 người. Thời gian đầu chị dâu và em chồng còn lúm xúm trợ giúp dọn bàn, lấy đồ ăn ra. Về sau công việc được mặc nhiên thoái thác và trách nhiệm nấu cơm, đi chợ, lo đồ ăn sáng rồi mời gọi từng người khi bàn đã tinh tươm đầy mâm... thuộc về chị Tâm. "Mặc dù có chị dâu, có em chồng đấy nhưng họa hoằn lắm họ mới vào bếp. Còn lại ngày mưa cũng như ngày nắng, khi ốm cũng như lúc khỏe, tất cả mọi việc trong nhà đều do mình sắp xếp" - chị Tâm cho hay. Đôi khi chị Tâm có mệt mỏi và kêu ca với chồng, thì anh cũng chỉ cười trừ và nói rằng: "Biết làm thế nào được!"

Cũng bởi tin tưởng và hợp tính nết với con dâu thứ nên bố mẹ chồng chị Tâm cũng cứ thế "chọn mặt gửi vàng", giao toàn bộ trách nhiệm lo toan công việc cho cả gia đình vào tay con trai - con dâu thứ. Nào là giỗ Tết, nào là những dịp ăn uống tụ tập, hay trong họ có việc gì bố mẹ chồng chị đều bảo anh chị đứng ra “chủ chi, chủ trì”. Chị Tâm kể khổ: “Mà cũng đến là lạ, chị dâu mình cũng hoạt bát ấy thế mà bố mẹ chồng cứ có việc gì là lại gọi mình và nói 'Anh chị bận, con lo...'. Được bố mẹ chồng tin tưởng thì cũng ấm lòng, nhưng quả thật nếu san sẻ được công việc thì tốt. Chứ nhiều khi cỗ bàn, khách khứa mà chỉ có một mình quay như chong chóng cũng thấy ấm ức"

Chị Tâm chia sẻ thêm rằng, bản thân chị tự biết là không nên so đo tính thứ bậc gì trong công việc gia đình. Thế nhưng có người có tiếng, hỗ trợ nhau thì sẽ vui vẻ hơn. "Mình không so đo thứ bậc trong gia đình để thoái thác công việc. Tuy nhiên mỗi người cùng có trách nhiệm chia sẻ trọng trách với nhau thì công việc vừa thuận lợi, hòa khí trong gia đình cũng tốt hơn" - chị Tâm bộc bạch.
Chia sẻ