Dâu trưởng thời nay

T.H,
Chia sẻ

"Từ ngày mới yêu, bạn bè mình đã can ngăn là lấy chồng mình về thì sẽ có ngày phải lao đao vì cái chức dâu trưởng. Mình cũng không nghĩ là thời hiện đại này vẫn còn nặng nề chuyện này đến vậy".

Theo quan niệm của người xưa, con trai trưởng luôn nhận được sự kỳ vọng và xem trọng lớn lao của gia đình và dòng họ. Đi kèm theo đó đương nhiên sẽ là những trách nhiệm nặng nề mà họ phải đóng góp cho dòng tộc. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, tất nhiên người dâu trưởng cũng phải san sẻ những trọng trách và nghĩa vụ nặng nề khi lấy chồng là con trưởng.

Chị Hạnh (Lào Cai) là một trong những người thấm thía cảnh làm dâu trưởng đã gần chục năm nay. Chồng chị không những là con trưởng mà còn là cháu đích tôn của dòng họ, thành ra nói đến sự vất vả thì quả là trăm bề khốn khó. Họ nhà chồng vốn đông anh chị em, lại duy trì cái lệ là toàn bộ công to việc lớn gì đều phải làm rình rang ở nhà con trưởng rồi đến cháu trai trưởng. Trước là bố chồng chị, giờ thì trách nhiệm đó chuyển qua chồng chị. Thành ra mỗi lần nhà có công có việc, ma chay cưới hỏi gì đó là nhà chị lại trở thành nơi tụ họp của cả trăm người.

Dâu trưởng thời nay 1
Mấy năm đầu tiên mới về nhà chồng, tôi gần như bị sốc, cứ nghĩ đến giỗ là sợ (ảnh minh họa).

Cả trăm người ăn uống cỗ bàn, không phải là chuyện đơn giản. Thường thì đàn ông sẽ lo chuyện tiếp khách khứa, còn phụ nữ thì lo cơm nước, hậu cần. Tôi là dâu trưởng nên đương nhiên sẽ phụ trách cỗ bàn cho ngần ấy người, chưa kể đám nào có mời thêm khách bên ngoài. Ôi thôi thì chả có nỗi khổ nào bằng. Mấy năm đầu tiên mới về nhà chồng, tôi gần như bị sốc, cứ nghĩ đến giỗ là sợ. Cũng may sau này, khi đã có chút tiếng nói và sống được lòng mọi người thì tôi cũng được san sẻ nhiều việc hơn”, chị Hạnh than phiền.

Chưa kể đến chuyện đóng góp, ở quê tiếng là sống đơn giản nhưng các khoản đóng quỹ họ, tiền xây sửa nhà thờ họ thì lại chẳng đơn giản chút nào. Chị Hạnh kể, hai vợ chồng chị, chân trong chân ngoài, nhưng có khi cả năm làm quần quật cũng chỉ đủ ăn và chi phí cho các loại tiền đóng góp. Có lần, vừa phấn khởi mang được ít tiền thưởng Tết về nhà, thì đã thấy bố chồng chị thẽ thọt nói bóng gió về khoản tiền sửa nhà thờ cả trăm triệu, vợ chồng chị là con trưởng thì mức đóng nhẹ nhàng cũng hơn hai chục triệu đồng. Vậy là, hai vợ chồng chị Hạnh vẫn phải bấm bụng đưa cả số tiền thưởng cho bố lo công việc.

Cả chục năm nay, chị Hạnh phải “sống chung với lũ”, mệt mỏi vô ngần nhưng nghĩ tới trách nhiệm với gia đình, bộ mặt của cả họ mà cố gắng. Tuy vậy, chẳng thể tránh được những khi tinh thần uể oải. “Nhà có 3 chị em dâu nhưng chẳng ai giống ai. Cùng là phận đi làm dâu nhưng dâu trưởng với dâu thứ lại khác nhau một trời một vực. Trong khi các cô ấy chỉ chăm chăm lo kiếm tiền làm giàu thì nhà tôi lại méo mặt với đủ thứ giỗ chạp liên miên, tiền góp đã là một chuyện, còn công sức đổ vào thì không biết đâu mà kể. Có tháng nhà có tới 4 đám giỗ, loanh quanh cũng hết cả tuần trời cả làm lẫn chuẩn bị, thử hỏi tâm trí nào mà nghĩ đến chuyện làm ăn nữa”, chị Hạnh phân trần.

Cùng cảnh dâu trưởng như chị Hạnh, chị Thương (Quảng Ninh) cũng xây xẩm mặt mày với đủ thứ trách nhiệm nặng nề mà cả dòng họ giao phó. Nhà chồng chị vẫn còn rất nặng nề chuyện lễ nghĩa, thành ra dù con cháu đã góp lời lẫn khuyên can nhưng các cụ lớn tuổi thì vẫn cứ “bổ đầu” con trưởng, dâu trưởng. Chẳng nói đâu xa, dù không ở gần nhà chồng nhưng trung bình một năm, chị Thương phải xin nghỉ phép trung bình khoảng 1 tháng để lo liệu các công việc chung của nhà chồng.

Ngoài mấy đám giỗ chạp có lịch cố định thì cứ vài bận lại thấy mẹ chồng gọi điện nhắc khéo ngày này ở quê tổ chức sang cát cho ông trẻ, ngày kia có hội làng mà nhà nào cũng phải có mặt đầy đủ con cháu… Vậy là phải nghĩ cớ xin xỏ sếp cho nghỉ để về, nghỉ không lương nhưng vẫn thấy ngại ngùng vì số ngày nghỉ của mình lúc nào cũng đứng đầu cả phòng”, chị Thương giãi bày.

Dâu trưởng thời nay 2
Ông bà còn nhắc khéo về việc sẽ giao lại toàn quyền làm giỗ chạp, lễ bái trong họ cho con trai trưởng (ảnh minh họa)

Mỗi lần về quê gặp gỡ họ hàng, chị Thương lại thêm một lần lo ngay ngáy vì sợ “lỡ miệng” khi chào hỏi. Sợ nhất là lần nào nhớ nhầm tên một người hay trót gọi “cô” với một người ở vai “bà trẻ” trong họ, nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng thì kiểu gì cũng phàn nàn lên tới tai bố mẹ chồng. Mới đây, ông bà còn nhắc khéo về việc sẽ giao lại toàn quyền làm giỗ chạp, lễ bái trong họ cho con trai trưởng trong một tương lai gần, làm cả hai vợ chồng được dịp xanh mặt.

Nghĩ đến trách nhiệm nặng nề của vai trò dâu trưởng, nhiều lần chị Thương cảm thấy uể oải thực sự. Nhưng nghĩ tới chồng, chị lại tặc lưỡi tự dặn mình phải cố gắng. “Từ ngày mới yêu, bạn bè mình đã can ngăn là lấy chồng mình về thì sẽ có ngày phải lao đao vì cái chức dâu trưởng. Mình cũng không nghĩ là thời hiện đại này vẫn còn nặng nề chuyện này đến vậy. Đến giờ thì thực sự thấy mệt mỏi, có khi áp lực công việc và tiền bạc, mình còn nghĩ tới chuyện buông tay. Nhưng cũng may là chồng mình hiểu chuyện, lúc nào cũng nghĩ đến vợ, thương yêu và luôn động viên. Chứ không thì…”, chị Thương ngán ngẩm chia sẻ.

Chia sẻ