Dâu mới nên chuẩn bị và sắm sửa gì đón Tết ở nhà chồng cho chu toàn, đảm đang?
Câu hỏi của nàng dâu trẻ mới về nhà chồng khiến hội chị em được dịp trổ tài tư vấn.
Câu chuyện sắm Tết, biếu gia đình chồng chưa bao giờ giảm độ nóng. Sau câu chuyện biếu Tết gia đình nhà chồng bao nhiêu mới đủ, thì câu hỏi của nàng dâu mới về nhà chồng gần đây cũng đã thu hút sự chú ý không nhỏ của các bà nội trợ.
Cụ thể, nàng dâu mới T.C đã đăng câu hỏi băn khoăn lên một diễn đàn kín với các chị em mới về nhà chồng. Chị T.C cho biết: "Các dâu đã ai có kinh nghiệm làm dâu ngày Tết chưa? Chỉ giáo mình với ạ. Năm đầu làm dâu thì nên chuẩn bị gì và sắm sửa gì đón Tết vậy mọi người?".
Câu hỏi của chị T.C cũng là điều dễ hiểu. Bởi với những cô dâu mới về nhà chồng, chưa có kinh nghiệm thì việc sắm sửa cho một ngày lễ Tết lớn và trọng đại nhất trong năm chính là một bài toán khó. Chưa kể, nếu gia đình chồng đông người, mỗi người mỗi tính thì việc mua sắm lại càng khó hơn. Nếu cô dâu trẻ không biết khéo léo sắp xếp không chỉ rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan mà còn có thể làm phật lòng các thành viên trong nhà sẽ càng khó giải quyết hơn.
Để tư vấn cho nàng dâu trẻ, nhiều bà nội trợ có kinh nghiệm "chinh chiến" chuyện sắm Tết nhiều năm cũng đã "xắn tay áo" lên đưa ra lời khuyên chân thành.
Chị Nguyễn Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Năm đầu chị cũng khá chật vật với việc mua sắm Tết vì còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Cũng phải hỏi người thân để chuẩn bị cho chu đáo.
"Mình thì tính khá đại khái nên sau khi hỏi và tham khảo nhiều người đã mua hoa quả bày trên bàn thờ tổ tiên. Mua thêm đồ ăn cần thiết phục vụ ăn uống ngày Tết như bánh mứt, rau dưa, thịt, đồ khô. Và mùng 1 Tết thì mừng tuổi và lì xì. Mình còn chuẩn bị thêm quà Tết cho nội và ngoại ở bên chồng nữa. Dĩ nhiên những điều mình làm bên chồng như thế nào thì bên nhà ngoại mình cũng chuẩn bị y chang như vậy. Hơi tốn kém một chút nhưng bản thân mình thấy nên làm như vậy", chị Nguyễn Nguyễn chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải nàng dâu nào cũng có thể chuẩn bị kỹ càng được như chị Nguyễn Nguyễn. Nhiều cô dâu trẻ vào thú nhận, năm đầu tiên về nhà chồng không kịp chuẩn bị gì và cũng không biết phải mua gì nên mọi sự cứ "nhờ cậy" vào mẹ chồng. Vì không ai hiểu nếp sống, "ăn ở" bằng chính chủ nhân gia đình. Chỉ cần bám chắc vào cây cột lớn này bạn có thể an nhàn mà không sợ sai sót, thiếu trước, sót sau.
Chị Amy NgoVu chia sẻ: "Nên chuẩn bị mấy phần quà Tết để nịnh ông bà cô dì chú bác nhà chồng và chuẩn bị bao lì xì cùng chồng là được. Phần còn lại mẹ chồng đi đâu thì tò tò đi theo. Mẹ kêu làm gì thì làm đó, làm sai mẹ la thì làm lại".
Cũng có nhiều dâu số hưởng, về nhà chồng gặp ngay những vị phụ huynh tân tiến, con dâu cứ lo công việc, chuyện sắm Tết đã có bố mẹ lo. Chính vì thế, việc sắm Tết cũng không cần lo lắng gì nhiều, bớt áp lực dịp cuối năm.
Đó là trường hợp của chị Lan Hương. Chị chia sẻ: "Năm ngoái mình về làm dâu lần đầu tiên. Tối 30 vẫn phải làm việc, xong mệt quá ngủ từ 9h tối. Lúc giao thừa bố mẹ cũng để mình ngủ không gọi. Sáng hôm sau dậy thì mẹ làm xong hết rồi. Trước Tết thì chồng mình đã đưa mẹ đi sắm Tết, mình chỉ ở nhà dọn nhà thôi.
Năm nay vợ chồng mình đã ra riêng, ăn Tết cũng riêng nên định biếu bố mẹ tiền tiêu Tết và sắm quà biếu bố mẹ hai bên. Nói chung mỗi nhà mỗi cảnh, như gia đình mình thì bố mẹ khá thoải mái cũng không đặt nặng vấn đề thủ tục. Mọi người cứ lựa theo tính tình và lối sống trong nhà để chuẩn là được".
Thế đấy, câu chuyện sắm Tết của mỗi người, mỗi gia đình lại khác nhau. Nhưng điều quan trọng là các dâu mới cần lưu ý là phải biết lựa nếp sống và tính cách của nhà chồng để chọn ra được giải pháp phù hợp nhất.