Đau lưng dưới có khả năng là triệu chứng cảnh báo các vấn đề về thần kinh, nhiễm trùng, ung thư: Cần nhận biết sớm và đi khám ngay để kịp điều trị
Đau lưng dưới có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi, đặc biệt sau khi tập luyện và mang vác đồ vật nặng. Những cơn đau nhói xuất hiện đột ngột và gây nên cảm giác không hề dễ chịu.
Đau lưng dưới khiến nhiều người khó thể đứng thẳng, cúi người, leo cầu thang và thực hiện các hoạt động khác trong ngày. Mức độ tác động tùy thuộc vào công việc của mỗi người và bạn cần điều trị nếu tình trạng này ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày. Những cơn đau có thể dữ dội đến mức khiến không ít người nhầm tưởng họ đang mắc thoát vị đĩa đệm. Tình trạng này xảy ra khi lớp đệm nằm giữa những đốt sống của cột sống bong tróc ra ngoài và kích thích các dây thần kinh lân cận.
Bill Rifkin, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ nội khoa tại Trung tâm MCG Health cho biết, trước khi tới gặp bác sĩ để phẫu thuật, bạn cần xác định những cơn đau có phải do thoát vị đĩa đệm dẫn tới hay không. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đau lưng dưới có khả năng là triệu chứng cảnh báo các vấn đề về thần kinh, nhiễm trùng, ung thư và một số bệnh lý nguy hiểm khác.
Tuy nhiên, đau lưng dưới cũng có thể xảy ra do căng cơ, căng dây chằng, yếu cơ và thói quen sống. Theo chuyên gia Rifkin, nếu do những nguyên nhân này thì cơn đau có thể dễ dàng được giải quyết khi bạn nghỉ ngơi đầy đủ, chườm đá hoặc dùng thuốc chống viêm như ibuprofen. Trong một số trường hợp, thực hiện các liệu pháp vật lý trị liệu hoặc massage sẽ giúp giảm đau và tăng tốc độ hồi phục đáng kể.
Khi nào nên đi khám nếu bị đau lưng dưới?
Đôi khi tình trạng này có thể dẫn tới những cơn đau dữ dội và khiến bạn khó thể chịu đựng được. Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nằm trong những trường hợp dưới đây:
- Từng bị chấn thương nghiêm trọng, tai nạn.
- Mắc ung thư hoặc có tiền sử ung thư.
- Nhiễm HIV/AID hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Gặp khó khăn khi đi vệ sinh hoặc không kiểm soát được tiểu tiện và đại tiện.
- Đang bị rối loạn chức năng thần kinh như tê chân, yếu chân.
- Mất cảm giác xung quanh vùng háng.
- Sốt liên quan đến đau lưng.
- Đau lưng trở nên nghiêm trọng hơn khi nằm xuống.
Khi bạn đến bệnh viện, bác sĩ chắc chắn sẽ hỏi một loạt các câu hỏi để tìm ra nguồn gốc vấn đề. Các triệu chứng xuất hiện trong bao lâu, vị trí và mức độ của cơn đau là điều cần xem xét đầu tiên. Họ cũng có thể hỏi thêm về những dấu hiệu khác có khả năng liên quan tới các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Tiếp theo, bạn sẽ thực hiện một số động tác đơn giản để tìm ra nguyên nhân gây đau lưng dưới. Theo chuyên gia Rifkin, bác sĩ chú ý tới những cử động, dấu hiệu bất thường của người bệnh liên quan tới chân, cánh tay và đặc biệt là ở vùng sinh dục, vùng háng.
Nếu bị đau lưng dưới trong khoảng 6 tuần và không xuất hiện các triệu chứng đáng báo động, bạn rất có thể không cần đi khám thêm. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm, chụp CT hoặc tiến hành xét nghiệm thêm trong trường hợp chưa tìm ra bệnh hoặc nghi ngờ người bệnh mắc các vấn đề sức khỏe khác.
Những câu hỏi nên hỏi bác sĩ khi đi khám
Sau khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị hiệu quả nhất. Tuy nhiên, mọi người cũng cần chủ động tìm hiểu thêm về bệnh bản thân đang mắc phải. Bạn là người hiểu cơ thể mình nhất. Dưới đây là một số câu hỏi mọi người có thể chuẩn bị trước trước khi đến gặp bác sĩ:
- Xét nghiệm này có ý nghĩa gì?
- Tại sao cần điều trị bằng loại thuốc này và có thể thay thế bằng phương pháp khác không?
- Thuốc này có tương tác với thuốc đang dùng hay không?
- Nên dùng thuốc này khi nào và như thế nào?
- Các biến chứng có thể có và tác dụng phụ của thuốc là gì?
- Nên làm gì để tránh khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn?
- Cần làm gì khi các triệu chứng xuất hiện?
Tất nhiên, mọi người hoàn toàn có thể hỏi những câu hỏi khác nữa để biết thêm thông tin từ bác sĩ. Đau lưng dưới gây cảm giác không hề dễ chịu và bạn đừng cố gắng chịu đựng một mình. Hãy sẵn sàng chia sẻ với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Theo Prevention