Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị cô đặc máu khi sốt xuất huyết

Khánh Chi,
Chia sẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam – Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, trẻ sốt xuất huyết dễ biến chứng cô đặc máu, sốc, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.

Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam dịch sốt xuất huyết vẫn hết sức nghiêm trọng. Tỷ lệ bệnh nhân nặng cao. Tại BV Nhi đồng Thành phố có nhiều trẻ phải hồi sức tích cực, lọc máu vì sốt xuất huyết.

Mỗi ngày bệnh viện Nhi đồng Thành phố ghi nhận 200 trẻ tới khám vì sốt xuất huyết, nhiều trẻ biến chứng nặng. BS Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM cho biết có trẻ đưa đến viện bác sĩ đo huyết áp đã bằng 00, mạch bằng 0 do sốc vì sốt xuất huyết.

Với trẻ bị sốt xuất huyết, khoảng 10% trẻ cần nhập viện điều trị, còn lại trẻ được theo dõi tại nhà. Trường hợp trẻ điều trị ở nhà là trẻ bị sốt xuất huyết nhưng ở giai đoạn chưa nguy hiểm.

Theo BS Nguyễn Trần nam – sốt xuất huyết có 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 là giai đoạn 3 ngày đầu tiên, trẻ có biểu hiện là sốt nhiều phụ huynh sẽ rất lo do trẻ sốt cao, hạ sốt bằng thuốc cũng rất ít.

Giai đoạn này ít biến chứng nên bác sĩ hay yêu cầu đưa bệnh nhi về nhà theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, có trẻ sốt cao có thể co giật, bác sĩ đánh giá khả năng theo dõi tại nhà khó như ông bà nuôi cháu, cha mẹ không có đủ khả năng theo dõi biến chứng của con mình sẽ cho trẻ nhập viện theo dõi.

Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn trẻ có thể có biến chứng. Bệnh diễn tiến thành biến chứng xuất huyết gây chảy máu bất thường như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu, ra máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị cô đặc máu khi sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Ảnh trẻ bị sốt xuất huyết theo dõi điều trị tại BV Nhi đồng TP.HCM.

Biến chứng khác hay gặp ở trẻ em do sốc, do tình trạng thất thoát huyết tương, trẻ bị cô đặc máu. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 tính từ ngày sốt đầu tiên.

Giai đoạn 3 là giai đoạn phục hồi từ ngày thứ 7 trở đi. Trẻ phục hồi và bắt đầu dễ chịu, trẻ đòi ăn.

Trong 3 giai đoạn trên, giai đoạn 2 nguy hiểm nhất, cần quan tâm sát nhất. Ba ngày khi trẻ bị sốt, trẻ thường có biến chứng. Tuy nhiên, BS Nam cho biết giai đoạn này dễ bị bỏ sót do trẻ hết sốt, cha mẹ yên tâm nhưng thực ra khi đó trẻ mệt hơn, li bì hơn thì cha mẹ hết sức cẩn trọng.

Phụ huynh theo dõi từ ngày thứ 3, trẻ hết sốt, lừ đừ, nôn ói nhiều, buồn nôn, đau bụng nhất là vùng bụng bên phải, em bé tay chân nổi bông tím, chảy máu mũi, chân răng, đi tiêu phân đen, đỏ…khi đó trẻ bắt buộc nhập viện điều trị.

Thậm chí, trẻ chưa có biểu hiện này nhưng qua xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu thì bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ nhập viện can thiệp điều trị. Tuyệt đối không để trẻ sốc ở nhà sau đó mới đưa đến bệnh viện, thời gian đó quá dài không an toàn cho trẻ.

Với trẻ qua ngày thứ 4, 5 không có biểu hiện trên, xét nghiệm không có giảm tiểu cầu thì trẻ vẫn theo dõi tại nhà và xét nghiệm hàng ngày cho tới qua ngày thứ 6. Qua ngày thứ 6 trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện ngứa, đó là dấu hiệu hồi phục của bệnh, trẻ đã qua giai đoạn nguy hiểm.

BS Nam cho biết với trẻ bị sốt xuất huyết không có thuốc đặc trị, trẻ chỉ sử dụng thuốc duy nhất là hạ sốt paracetamol. Hiện có các loại thuốc bào chế dưới dạng khác nhau như, bột, viên sủi, viên nén, viên đặt hậu môn, siro.

Khi sử dụng phải sử dụng đúng liều từ 10 -15 mg/kg cân nặng, mỗi liều từ 4 đến 6 tiếng.

Các loại thuốc bào chế khác nhau đều có tác dụng hạ sốt, mỗi lần chỉ sử dụng một loại. Bạn đã cho con uống hạ sốt thì không được đặt hậu môn vì có thể gây quá liều, ngộ độc cho trẻ. Nhiều bà mẹ thấy con uống hạ sốt không đỡ liền nhét viên đặt hậu môn có thể gây ngộ độc paracetamol.

Đặc biệt, bù nước cho trẻ thật nhiều để tránh nguy cơ cô đặc máu, giảm nguy cơ nhập viện. Trẻ có thể uống nước orezol, nước lọc, nước hoa quả, nước canh… Đặc biệt, bác sĩ Nam lưu ý cha mẹ nên theo dõi màu nước tiểu của trẻ nếu nước tiểu trong, vàng nhạt là trẻ được bù nước đầy đủ.

Còn trường hợp nước tiểu sậm màu là dấu hiệu trẻ đang bị cô đặc máu cần nhập viện ngay để được can thiệp.

Chia sẻ