Đau đớn vì cái chết của con trai, bà mẹ nhờ mang thai hộ từ tinh trùng của người quá cố với hy vọng con trai có thể "tái sinh"
Ban đầu bà mẹ này dự tính sẽ đích thân mang thai giọt máu của con trai mình thế nhưng sau khi các bác sĩ kiểm tra xác định rằng bà đã đến thời kỳ mãn kinh nên không thích hợp.
Sau khi con trai qua đời vì khối u ác tính, bà Rajashree Patil, 49 tuổi, sống tại thành phố Pune, miền tây Ấn Độ, đã vô cùng đau khổ và không thể chấp nhận được sự thật quá phũ phàng đó. Người mẹ tuyệt vọng bỗng nảy ra một suy nghĩ rằng bà có thể sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để mang thai từ tinh trùng của người con quá cố như một cách để bà “tái sinh” cho anh.
Bà Rajashree hạnh phúc khi đón chào cặp sinh đôi vừa là cháu nội, vừa là con của mình.
Sau quá trình kiểm tra tại bệnh viện, các bác sĩ thông báo rằng bà Rajashree đã bước vào giai đoạn mãn kinh nên không phù hợp điều kiện để có thể tiến hành thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, họ đã gợi ý một phương pháp khác đó là sử dụng tinh trùng của con trai bà Rajashree, kết hợp với trứng được hiến tặng và nhờ một người mang thai hộ.
Một người họ hàng gần của gia đình bà Rajashree đã đồng ý thực hiện công việc mang thai hộ này và vừa qua đã hạ sinh được một cặp sinh đôi một trai một gái vô cùng đáng yêu và khỏe mạnh trong sự vui mừng khôn xiết của bà Rajashree.
Rajashree cho biết bà sẽ là người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa cháu nội của mình như là con ruột. Bà đặt tên cho cậu bé trai là Prathamesh - theo tên gọi của người con đã mất, và bé gái được đặt là Prisha - được đặt theo tên con gái bà - cũng là người sẽ cùng bà nuôi dưỡng những đứa trẻ.
Bà Rajashree hiện đang là một giáo viên, cho hay: “Tôi đã luôn mang theo linh hồn con trai mình và cần có một cơ thể để có thể ‘thổi’ nó vào. Các bác sĩ đã bảo quản tinh trùng của con trai tôi trước khi họ bắt đầu điều trị ung thư để phòng ngừa những tác động tiêu cực trong việc sử dụng thuốc. Cũng nhờ vậy giờ đây tôi đã có thể tìm lại được con mình”.
Anh Prathamesh qua đời sớm vì bệnh u não trong sự tiếc thương và đau khổ tột cùng của người mẹ.
Được biết mối quan hệ giữa hai mẹ con Rajashree và Prathamesh vô cùng khắng khít. Trước khi qua đời vì căn bệnh u não, anh Prathamesh đang học ngành kỹ sư tại Đức. Các bác sĩ tại Đức đã lưu giữ mẫu tinh trùng của bệnh nhân vào kho trước khi anh bước vào cuộc điều trị dài kỳ đầy mệt mỏi. Và vì anh Prathamesh chưa lập gia đình nên anh đã đề cử mẹ và em gái mình toàn quyền sử dụng mẫu tinh dịch sau khi anh qua đời.
Prathamesh đã kịp hoàn thành bằng thạc sĩ trước khi trở về Ấn Độ cho một cuộc phẫu thuật vào tháng 5 năm 2013. Trong một khoảng thời gian, dường như sức khỏe của Prathamesh đã có những chuyển biến rất tốt nhưng đến tháng 2 năm 2016, căn bệnh ung thư đã quay trở lại. Đến tháng 9 năm đó, anh Prathamesh đã qua đời.
Bắt đầu từ tháng 5 năm 2017, bà Rajashree đã có ý định “tái sinh” con trai mình nhờ vào mẫu tinh trùng được lưu lại. Tuy nhiên do không đủ điều kiện sức khỏe, bà đã phải nhờ một người bà con gần mang thai hộ cùng với trứng được tặng từ một người lạ.
Bà Rajashree và con gái sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng hai sinh linh bé bỏng, được xem là "tái sinh" của người con trai quá cố của bà.
“Việc lấy được quyền sử dụng tinh trùng của con trai quá cố không hề dễ dàng, chúng tôi đã gặp khá nhiều trở ngại và tốn khá nhiều thời gian cũng như chi phí. Tuy nhiên giờ đây tôi đã là người toàn quyền chịu trách nhiệm với những đứa bé”.
Cặp song sinh ra đời vào hôm 12/2 vừa qua và kể từ giây phút nhận được hai đứa trẻ trong tay, bà Rajashree đã liên tục đính chính với những ai xem bà là bà nội của hai đứa bé và cho biết: “Tôi là mẹ chúng!”
Được biết bà Rajashree đã phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích từ những người thân trong gia đình và trong suốt khoảng thời gian thử thách đó, con gái bà Prisha, vẫn luôn ở bên cạnh ủng hộ và giúp đỡ cho mẹ hoàn thành tâm nguyện.
Tiến sĩ Supriya Puranik, giám đốc phòng IVF tại Bệnh viện Sahyadri, nói: "Tôi rất vui vì thông qua sự phát triển của khoa học và công nghệ mới, chúng tôi có thể giúp mọi người hồi tưởng lại khoảnh khắc hạnh phúc của họ. Ở bệnh viện, chúng tôi thường xuyên chứng kiến và được chia sẻ rất nhiều cảm xúc và hạnh phúc khi một người phụ nữ sinh con. Nhưng trong trường hợp này, đó lại là một người mẹ đau khổ khi con trai yêu quý của mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và qua đời. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần mà bà ấy đã luôn giữ vững trong suốt thời gian qua và cảm thấy vui mừng khi cuối cùng bà cũng đã có được con trai mình trở lại trong hình dạng mới là hai đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh”.
(Nguồn: Dailymail)