Đang rửa chén, người phụ nữ bất ngờ ngã ra đất méo miệng, liệt nửa người vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Các bác sĩ cho biết nếu không được cấp cứu trong thời gian vàng, bệnh nhân có khả năng sẽ tử vong.

Ngày 18/10, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận và cứu sống một ca bệnh nhân đột quỵ nguy hiểm.

Trước đó vào sáng 17/10, bà Đ.T.H (sinh năm 1958, ngụ tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đang rửa chén đũa trong quán ăn của gia đình thì bị choáng đột ngột, ngã ra đất.

Người nhà đỡ dậy thấy bà méo miệng, không nói được, yếu liệt nửa người phải lập tức đưa bà đi cấp cứu.

Đang rửa chén, người phụ nữ bất ngờ ngã ra đất méo miệng, liệt nửa người vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm - Ảnh 1.

Nữ bệnh nhân bị đột quỵ khi đang rửa chén.

Qua thăm khám, bác sĩ nhận định người bệnh có dấu hiệu đột quỵ não. Lúc bệnh nhân được đưa đến bệnh viện nằm trong khoảng “thời gian vàng” (4-5 giờ đầu tiên tính từ thời điểm khởi phát đột quỵ) nên có thể điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Sau hơn 60 phút cấp cứu tích cực, người bệnh đã tỉnh cử động được tay chân, phản xạ nuốt tốt. Sau 2 giờ theo dõi tại Đơn vị đột quỵ, người bệnh đã qua khỏi cơn nguy hiểm và được cho nhập viện theo dõi tiếp.

Bác sĩ Hoàng Văn Tiến, khoa Nội - Nhi của bệnh viện chia sẻ, đột quỵ là tình trạng bệnh lý gây ra bởi sự gián đoạn đột ngột lưu lượng máu nuôi tế bào não dẫn đến tình trạng rối loạn tri thức vận động. Bệnh nhân có khả năng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đang rửa chén, người phụ nữ bất ngờ ngã ra đất méo miệng, liệt nửa người vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm - Ảnh 2.

Bệnh nhân qua cơn nguy kịch sau khi điều trị bằng tiêu dợi huyết.

Đột quỵ có 2 thể nhồi máu não (do mạch máu não bị tắc) và xuất huyết não (do vỡ mạch máu não). Nguyên nhân thường gặp nhất là do tăng huyết áp và đái tháo đường. Ngoài ra còn có thể có những nguyên nhân khác.

Lời khuyên của bác sĩ là khi người bệnh có các dấu hiệu đột quỵ nên nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu đột quỵ kịp thời.

Trường hợp tiến hành sơ cấp cứu chỉ nên sơ cứu ban đầu, đặc biệt không nên sử dụng các biện pháp dân gian như lể, chích máu đầu ngón tay không những không giúp ích cho nạn nhân mà còn có thể khiến bệnh nặng thêm.

Chia sẻ